Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 22 tháng 05 năm 2024,
Thách thức giao hàng chặng cuối khi thương mại điện tử bùng nổ
Việt Dũng - 05/10/2023 15:27
 
Mua sắm trực tuyến bùng nổ đã mang đến nhiều thách thức cho việc thực hiện đơn hàng và giao hàng chặng cuối.

Thương mại điện tử bùng nổ

Trong những năm gần đây, khẩu hiệu “Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu” được nhắc tới nhiều. Trong đó, việc mở rộng thương mại điện tử đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Ông Bùi Trung Kiên, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đánh giá, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử ở Việt Nam đang ở mức ấn tượng. Cụ thể, vào năm 2021 - 2022, tăng trưởng thương mại điện tử ở Việt Nam đạt mức gần 20%. Dự đoán, giai đoạn 2022 - 2025, tốc độ tăng trưởng bình quân của thị trường thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục duy trì ở mức 15 - 18%.

“Điều đó cho thấy, đây là một xu hướng đã thay đổi nhận thức và nhu cầu của thị trường và người tiêu dùng”, ông Kiên khẳng định.

Chia sẻ tại Diễn đàn “Chuyển đổi số: Nhanh hơn, thông minh hơn và xanh hơn” do Báo Đầu tư tổ chức, ông Đặng Anh Dũng, Phó tổng giám đốc Lazada Việt Nam đánh giá, Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới của chuyển đổi số trên thương mại điện tử, với tốc độ tăng trưởng thuộc hàng cao nhất thế giới.

Ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam cũng cho biết, đang có một sự dịch chuyển rõ rệt về nhu cầu mua sắm trong những năm gần đây tại thị trường Việt Nam. 

Thay đổi để thích ứng

Số liệu mới nhất của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho thấy, trong 6 tháng năm 2023, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam đạt 10,3 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 7,7% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Điều này thúc đẩy mạnh mẽ nhu cầu về dịch vụ e-logistics khiến doanh nghiệp giao vận cũng đang lao vào cuộc đua ngày càng khốc liệt.

Đơn cử, những thương hiệu nước ngoài như J&T Express, Best Express, Kerry Express... Dù tới sau, nhưng đã nhanh chóng mở rộng thị trường bằng mô hình nhượng quyền, giảm giá vận chuyển dưới giá thành... thậm chí, áp dụng cước phí vận chuyển 0 đồng để giành thị phần.

Trong khi đó, nhóm doanh nghiệp như Giao hàng tiết kiệm, Nhất Tín Logistics, Giao hàng nhanh... không có thế mạnh về mạng lưới, nên phải hợp tác với các công ty truyền thống để thực hiện các đơn hàng liên thành phố hoặc tại khu vực nông thôn, làm cho giá các đơn hàng này cao hơn, giảm hiệu quả cạnh tranh về chi phí.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Đặng Thanh Tuấn, Trưởng bộ môn Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng (Trường đại học quốc tế Hồng Bàng) cho biết, giao hàng chặng cuối (last-mile delivery) đóng vai trò quan trọng trong thương mại điện tử, chiếm khoảng 28% tổng chi phí vận chuyển và có thể tới 53% trong trường hợp giao hàng theo yêu cầu (on-demand).

Điều này ảnh hưởng đến trải nghiệm của 97% người mua sắm trực tuyến. Hiệu quả và đáng tin cậy trong giao hàng chặng cuối không chỉ là yếu tố quyết định sự hài lòng của khách hàng, mà còn ảnh hưởng đến lợi nhuận và danh tiếng của các doanh nghiệp thương mại điện tử.

“Trước sự bùng nổ của thương mại điện tử, các đơn vị giao vận phải đối mặt với thách thức về tăng cường hiệu suất và giảm chi phí giao hàng. Khoảng 28% tổng chi phí vận chuyển trong thương mại điện tử đến từ giao hàng chặng cuối”, TS. Đặng Thanh Tuấn nói.

Nhận biết được những khó khăn kéo dài trong logistics giao hàng chặng cuối trong một thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt, doanh nghiệp trong hệ sinh thái logistics của Việt Nam đang đưa ra các giải pháp giao hàng chặng cuối sáng tạo để đẩy nhanh quá trình giao hàng và nâng cao sự hài lòng của khách hàng.

Ông Hoàng Trung Thành, Tổng giám đốc Viettel Post cho biết, đơn vị đã tiến hành xây dựng lại hạ tầng mạng lưới cả phần cứng và phần mềm, quy trình vận hành, khai thác để đảm bảo chất lượng dịch vụ tốt nhất, nhanh nhất, rẻ nhất. Thách thức lớn nhất là phải tối ưu được chi phí trên từng đơn hàng.

Trong khi đó, VNPost gấp rút thành lập Ủy ban Ứng phó với các vấn đề khẩn và quan trọng đối với các hoạt động của Tổng công ty, nhằm tìm ra các điểm nghẽn trên mạng lưới về các trục kinh doanh, công nghệ, cơ chế; báo cáo Hội đồng Thành viên, Ban Tổng giám đốc, các ban chức năng và các đơn vị trên mạng lưới tổ chức giải quyết các vấn đề.

VNPost cũng khẩn trương tối ưu hóa hệ thống công nghệ, tăng năng suất lao động; tăng khả năng khớp nối, nâng cao hiệu quả triển khai của các tuyến đường thư, nâng cao chất lượng, cải thiện các ứng dụng theo hướng tiện dụng, hiệu quả; hỗ trợ tích cực công tác quản trị, quản lý và điều hành toàn mạng lưới; tích cực tìm kiếm các giải pháp tiết kiệm chi phí, xây dựng cơ chế hợp lý để phát triển dịch vụ.

Tuy nhiên, để đáp ứng tốc độ phát triển của ngành logistics tại, việc đầu tư phát triển đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp là rất quan trọng.

Dự báo giai đoạn 2021 - 2025, ngành logistics Việt Nam cần khoảng 200.000 lao động, tăng 12% so với năm 2020. Các công ty logistics cần hợp tác với trường đại học và tổ chức đào tạo để đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đầu tư vào chương trình đào tạo và tạo điều kiện thu hút và giữ chân những nhân viên chuyên nghiệp là chìa khóa để đối mặt với thách thức này.

Lên sàn thương mại điện tử mua vải thiều Lục Ngạn, chè Shan tuyết, nước mắm Phan Thiết...
Thời gian qua, nhiều sản phẩm đặc trưng, đặc sản khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đã được đẩy mạnh tiêu thụ qua các kênh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư