Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Thách thức lớn cho truyền thông kỹ thuật số
Gia Huy - 24/07/2019 09:59
 
Việc phát triển truyền thông kỹ thuật số đã và đang tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp phát triển, giúp doanh nghiệp và người dân nắm bắt nhiều thông tin nhanh hơn, tiện lợi hơn. Nhưng bên cạnh đó vẫn có nhiều thông tin chưa được kiểm chứng, đã tạo ra thách thức cho nhiều doanh nghiệp.
Hội thảo thu hút các doanh nghiệp, lãnh đạo các báo chí và chuyên gia về truyền thông.
Hội thảo thu hút các doanh nghiệp, lãnh đạo các báo chí và chuyên gia về truyền thông.

Những thông tin về truyền thông kỹ thuật số đã được bàn thảo tại Hội thảo "Truyền thông và thương hiệu doanh nghiệp thời đại số" do Báo Tiền phong tổ chức tại TP.HCM vào sáng ngày 23/7. Hội thảo thu hút sự quan tâm của các chuyên gia, doanh nghiệp và các đơn vị thông tin truyền thông.

Theo nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập Báo Tiền phong cho biết, truyền thông kỹ thuật số trong thời đại 4.0 tạo ra nhiều cơ hội, nhưng đi kèm với đó là không ít những thách thức.

Cũng theo ông Sơn, xu hướng chung là các doanh nghiệp hết sức cố gắng để tận dụng truyền thông kỹ thuật số, nhưng cũng có không ít doanh nghiệp có xu hướng không muốn công khai lên truyền thông.

Thế nhưng một số đơn vị truyền thông thông tin thiếu cân nhắc, kiểm chứng gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp, có khi không phải vô tình mà là cố ý. Doanh nghiệp mất nhiều năm để xây dựng thương hiệu, nhưng chỉ cần qua một khủng hoảng truyền thông là có thể phá sản chỉ trong thời gian ngắn.

Còn nhà báo Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao động thì cho rằng, trong bối cảnh khoa học – kỹ thuật phát triển mạnh mẽ, nhất là mạng internet toàn cầu đã tạo nên sự thay đổi lớn trong lĩnh vực truyền thông trong những năm qua, việc thông tin sai lệch, tin giả (Fake news)…có thể gây tổn thương, thậm chí hủy hoại thương hiệu của doanh nghiệp.

Để xây dựng và phát triển thương hiệu, hầu hết các doanh nghiệp phải mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền của nhưng những giá trị thương hiệu đó có thể bị đè bẹp, thậm chí xóa sổ trước làn sóng thông tin trong kỷ nguyên số.

"Báo chí - truyền thông và doanh nghiệp - doanh nhân cần tăng cường chia sẻ, trao đổi để hiểu nhau nhiều hơn. Đồng thời đẩy mạnh kết nối, hỗ trợ lẫn nhau để cùng phát triển; cùng đóng góp vào quá trình xây dựng đất nước", ông Tuân nói.

Riêng ông Từ Lương, Phó giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông kiêm Giám đốc Trung tâm báo chí TP.HCM cho rằng, TP.HCM đang đối diện nhiều thách thức và theo ông báo chí truyền thông làm sao để đóng góp, góp phần cho sự ổn định chung công tác báo chí?

Ông Lương cũng nêu thực trạng, hiện nay có một số cơ quan tạp chí trung ương chưa đăng ký, đang trong diện rà soát để quản lý.

Trong năm nay, TP.HCM mở rất nhiều cuộc giao ban, tích cực đẩy mạnh công tác tuyền truyền. Trước vấn đề nóng được xã hội quan tâm, có nhiều chính sách lớn tác động người dân, các cuộc giao ban báo chí này cần cung cấp thông tin cho báo chí.

"Khi đưa thông tin bất lợi cho doanh nghiệp, một số cơ quan báo chí có chủ ý, chủ đích chứ không phải là vô ý" – ông Từ Lương nhấn mạnh.

Theo TS. Nguyễn Văn Vẹn, Giám đốc cơ sở 2 trường Đại học Mở TP.HCM, trong thế kỷ 21, ai nắm được thông tin thì sẽ thắng.

Ông Vẹn còn cho biết thêm, để xây dựng chính sách phát triển và quản lý truyền thông kỹ thuật số thành công, cần đến tư duy nhận thức của những nhà khởi nghiệp đầy hoài bão và chuyên nghiệp; giúp sức từ các quỹ đầu tư rủi ro, mạo hiểm và các tổ chức thúc đẩy khả năng tiếp cận thị trường, liên kết chặt chẽ với các ngành công nghiệp hỗ trợ và liên quan, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và với vai trò cá nhân tham gia hoạch định chính sách công tâm và thấu hiểu.

Ngoài ra, mỗi cá nhân tham gia truyền thông kỹ thuật số, môi trường mạng ảo cần nghiêm túc chấp hành luật pháp về bảo mật thông tin, an ninh mạng và các quy định của pháp luật, có ý thức trách nhiệm giữ gìn văn hóa, trong giao tiếp, không làm tổn thương trên cộng đồng mạng, định hướng truyền thông tin có lợi ích cho sự phát triển của doanh nghiệp và của đất nước.

Chính sách phát triển và quản lý truyền thông kỹ thuật số hiệu quả có ý nghĩa hết sức quan trọng góp phần ổn định an ninh, chính trị và phát triển kinh tế truyền thông số ở Việt Nam.

Đối với việc xử lý khủng hoảng truyền thông trong thời đại số của doanh nghiệp, bà Phạm Thị Trang, Giám Đốc Marketting của Tập đoàn Hưng Thịnh cho biết, một trong những tiêu chí đầu tiên của công ty để phát triển tốt thương hiệu là dùng cái tâm, mọi mối quan hệ hay thông tin ra ngoài đều rất thật.

Ngoài đội ngũ nhân sự nhạy bén, Hưng Thịnh còn sử dụng hệ thống phản hồi thông tin nhanh chóng, khi có bất kì phản hồi gì liên quan cũng như có tên Công ty thì lập tức Công ty nhận được thông báo và đội ngũ nhân viên có thể xử lý kịp thời. Trong thời đại công nghệ số, Hưng Thịnh cũng có đội ngũ chuyên content, chuyên thu thập thông tin trên trang báo để xử lý nhanh nhất.

Cũng tại Hội thảo, nhiều câu hỏi về việc khủng hoảng truyền thông được đặt ra cho các chuyên gia trả lời. Đơn cử như câu hỏi làm thế nào để xử lý tình trạng cắt ghép hình ảnh doanh nghiệp để tung tin sai sự thật ảnh hưởng đến thương hiệu?

Với câu hỏi này, ông Nguyễn Hải Triều, Tổng giám đốc Younet Media chia sẻ, nếu doanh nghiệp phát hiện có cá nhân tổ chức nào có hình ảnh logo, nhãn hiệu, màu sắc… tương đồng hoặc có sự cố tình cắt ghép để giả mạo thì doanh nghiệp có thể khiếu nại, tố cáo đến cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, để làm điều đó, trước hết doanh nghiệp cần nhận diện bản chất vụ việc để đưa ra hai hướng xử lý. Doanh nghiệp có thể  xử lý về mặt truyền thông hoặc kỹ thuật.

Trong khi đó, ông Lưu Đình Phúc – Cục trưởng Cục Báo chí cho biết, những vấn đề liên quan thương hiệu doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi thông tin, hình ảnh thất thiệt cần gửi đơn tố cáo để được cơ quan chức năng vào cuộc xử lý.

TP.HCM sắp có trung tâm báo chí
UBND TP.HCM cho biết trung tâm báo chí TP.HCM sẽ phải hoạt động trước ngày 30.4.2019. Đồng thời Trung tâm này sẽ trực thuộc Sở Thông tin và Truyền...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư