Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Thách thức mục tiêu kép
Nguyên Đức - 28/09/2022 08:32
 
Lạm phát năm nay có được kiểm soát tốt và nền kinh tế Việt Nam có thể đạt mục tiêu kép hay không là thách thức lớn với nền kinh tế hiện nay.

Khi tăng trưởng GDP 9 tháng tăng tới 8,83%, với dự báo cả năm có thể đạt 7,5 - 8%, thì câu chuyện hiện thời của nền kinh tế chính là liệu lạm phát năm nay có được kiểm soát tốt và rằng, liệu nền kinh tế Việt Nam có thể đạt mục tiêu kép hay không? Đây là thách thức lớn.

Thực tế, với Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2022 chỉ tăng 0,4% so với tháng trước, đưa CPI bình quân 9 tháng tăng 2,73% so với cùng kỳ, có thể khẳng định, lạm phát đang được kiểm soát tốt. Nhiều dự báo của các chuyên gia kinh tế, của các định chế tài chính nước ngoài thời gian gần đây đều cho rằng, lạm phát của Việt Nam năm nay sẽ không vượt quá 4%.

Mặc dù vậy, áp lực lạm phát trong những tháng còn lại của năm vẫn hiện hữu.

Hiện tại, diễn biến giá cả hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu trên thế giới đang có xu hướng giảm do tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, nhưng rủi ro tăng trở lại khá cao do xung đột giữa Nga - Ukraine chưa chấm dứt.

Bên cạnh đó, sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc có thể sẽ kéo nhu cầu năng lượng gia tăng, đẩy giá xăng dầu, giá các loại nguyên nhiên vật liệu khác lên cao. Chưa kể, kinh tế Việt Nam cũng có khả năng phục hồi mạnh hơn trong các tháng còn lại của năm, nhờ tác động của các gói hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng cùng nhu cầu tiêu dùng tăng, do vậy, có thể đẩy giá cả hàng hóa lên cao.

Không chỉ là áp lực lạm phát vẫn còn, mà ngay cả khi CPI đang trong tầm kiểm soát thì cũng còn nhiều vấn đề cần quan tâm.

Các con số mà Tổng cục Thống kê công bố có nhiều điểm rất đáng chú ý. Đơn cử qua 9 tháng, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất tăng 6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 10,29%; cho sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,76%....

Một con số khác, đó là Tỷ giá Thương mại hàng hóa (TOT) 9 tháng giảm 2,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sắt, thép giảm 12,93%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 5,68%; cao su giảm 3,63%; hàng rau quả giảm 2,63%; xăng dầu các loại tăng 17,31%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 6,15%....

Việc TOT 9 tháng năm 2022 giảm so với cùng kỳ năm trước là do chỉ số giá xuất khẩu tăng thấp hơn chỉ số giá nhập khẩu. Điều này cho thấy, Việt Nam đang ở vị trí không thuận lợi khi giá hàng nhập khẩu có lợi thế hơn so với giá hàng xuất khẩu... Đây chính là những vấn đề quan trọng, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.

Ở một góc độ nào đó, nếu chỉ nhìn vào các con số, Việt Nam có thể đạt được mục tiêu kép trong năm nay, khi tăng trưởng cao, còn lạm phát được kiểm soát ở mức hợp lý. Nhưng khó khăn, thách thức còn rất lớn. Bởi mức tăng trưởng này là so với nền tăng trưởng thấp của 2 năm Covid-19. Bởi kinh tế toàn cầu đang chịu rủi ro suy giảm tăng trưởng, nhưng lạm phát lại cao là rất lớn và Việt Nam không thể không bị ảnh hưởng. Bởi như nhiều nước trên toàn cầu, câu hỏi hóc búa hiện nay là thắt chặt hay nới lỏng cung tiền? Nới để thúc đẩy tăng trưởng hay thắt chặt để chống lạm phát?

Hầu hết kỳ vọng đều mong rằng, nền kinh tế sẽ sớm hồi phục để quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng cũ, nhưng áp lực lạm phát cũng rất đáng lo. Khi đó, một sự lựa chọn không thấu đáo có thể để lại những hệ lụy… Thậm chí, dù chưa nói tới câu chuyện xa xôi hơn là bất ổn vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, mà vì nỗi lo này, gần đây, Chính phủ đã liên tục họp bàn để tìm giải pháp ứng phó. Trong bối cảnh đó, chỉ riêng việc điều hành giá cả thị trường vẫn phải tiếp tục thận trọng, chủ động và linh hoạt, để làm sao đảm bảo kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng năm 2022, đồng thời tạo cơ sở cho việc kiểm soát lạm phát trong năm 2023.

Thức, ngủ cùng… nền kinh tế
Nền kinh tế đang từng bước phục hồi. Nhưng cả trong những ngày vui ấy, thì cánh phóng viên kinh tế cũng vẫn thức, ngủ cùng… nền kinh tế.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư