Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Thách thức nâng chất lượng, kéo giảm chi phí nông sản xuất khẩu
Thế Hải - 12/06/2022 14:38
 
Xuất khẩu nông sản 5 tháng đầu năm đạt kết quả cao, song việc nâng chất lượng, kéo giảm chi phí vẫn là thách thức lớn, khi giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, phụ thuộc lớn vào nhập khẩu.
Nhiều doanh nghiệp lớn đang đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao	 Ảnh: Đ.T
Nhiều doanh nghiệp lớn đang đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao Ảnh: Đ.T

Xuất khẩu nông sản tăng trưởng cao

Gạo, thủy sản, cà phê… là những nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của ngành nông nghiệp đang có lượng đơn hàng dồi dào với trị giá lớn đi các thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản. Ấn tượng nhất là ngành thủy sản khi cả 3 tháng gần nhất đều đạt kim ngạch từ

1 tỷ USD trở lên, đưa xuất khẩu thủy sản 5 tháng đạt 4,75 tỷ USD, tăng 45% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng xuất khẩu tôm ước đạt 1,8 tỷ USD, tăng 38% và chiếm 39% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản.

Đại dịch Covid-19 kéo dài sang năm thứ 3 tiếp tục đẩy các quốc gia tăng dự trữ lương thực và thực phẩm, nhờ đó, đơn đặt hàng nhiều loại nông sản từ Việt Nam được duy trì.

Trong đó, một số mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn so với cùng kỳ, như cà phê (đạt gần 2 tỷ USD, tăng 54%); cao su (đạt trên 1,038 tỷ USD, tăng 12%); hồ tiêu (đạt khoảng 476 triệu USD, tăng 25,7%); sắn và sản phẩm sắn (đạt 636 triệu USD, tăng 20,3%); cá tra (đạt khoảng 1,2 triệu USD, tăng 91,2%); tôm (đạt trên 1,9 tỷ USD, tăng 42,7%); gỗ và sản phẩm gỗ (đạt gần 7,2 tỷ USD, tăng 6,9%).

Chính phủ sẽ đổi mới sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, từ khâu nghiên cứu tạo giống đến quy hoạch, xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn; hình thành vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn; ứng dụng khoa học - công nghệ để có nông sản sạch, chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế phục vụ xuất khẩu.

- Phó thủ tướng Lê Văn Thành

Bên cạnh đó, cũng có một số mặt hàng giảm về giá trị xuất khẩu, gồm chè, rau quả, hạt điều... Riêng ngành gạo tiếp tục duy trì đơn hàng với sản lượng đạt 2,9 triệu tấn, trị giá gần 1,4 tỷ USD, tăng hơn 10% về lượng, nhưng trị giá chỉ bằng 99% so với cùng kỳ.

Có thể thấy, những năm qua, công tác tổ chức sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đã có sự thay đổi đáng kể. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn như Nafoods, Đồng Giao, TH, Doveco, Dabaco, Masan, Vinamilk, Lavifood… đã đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp, nhiều doanh nghiệp trở thành nòng cốt của chuỗi giá trị và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, phát triển thị trường.

Nhờ đó, năm 2021, dù đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh, xuất khẩu nông nghiệp vẫn đạt 48,6 tỷ USD, tăng gần 15% so với năm 2020, vượt 6 tỷ USD so với mục tiêu đề ra. Đặc biệt, các doanh nghiệp đã mở thêm được nhiều thị trường mới, tận dụng được những ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do đang có hiệu lực mà Việt Nam là thành viên.

Trong 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu nông sản đạt 23,2 tỷ USD, tăng gần 17% so với cùng kỳ, với các sản phẩm chủ lực là hồ tiêu (đứng đầu thế giới), cà phê (thứ hai thế giới), gạo, thủy sản... Đây là những kết quả rất đáng khích lệ, qua đó tiếp tục khẳng định, nông nghiệp luôn là trụ đỡ của nền kinh tế.

Áp lực chuẩn hóa chất lượng, giảm chi phí

Hoạt động xuất khẩu có nhiều tín hiệu tích cực với nhiều loại nông sản đạt giá trị tỷ USD, nhưng bài toán nâng chất lượng sản phẩm, giảm chi phí đầu vào để hạ giá thành sản xuất vẫn là áp lực rất lớn với ngành nông nghiệp hiện nay.

Phát biểu trước Quốc hội tại phiên chất vất và trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội đối với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sáng ngày 8/6, Phó thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam rất đa dạng, phong phú, như lúa gạo, trái cây, sản phẩm chăn nuôi, thủy hải sản…, nhưng xuất khẩu còn gặp nhiều khó khăn, nhất là tại các thị trường lớn, tiêu chuẩn cao.

Nguyên nhân chủ yếu là chưa có nhiều vùng sản xuất nông nghiệp tập trung với quy mô lớn, công nghệ cao, đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường; còn nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng thấp, do sản xuất manh mún, tự phát.

Các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến sản phẩm nông nghiệp còn nhiều hạn chế. Nông sản, nhất là rau quả, vẫn chủ yếu được xuất sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch. “Tình trạng được mùa, mất giá, ùn ứ nông sản xuất khẩu tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc xảy ra thường xuyên hằng năm, gây nhiều thiệt hại về kinh tế và xã hội”, Phó thủ tướng Lê Văn Thành nêu thực trạng.

Là nước nông nghiệp, nhưng Việt Nam chưa chủ động được các yếu tố đầu vào quan trọng cho sản xuất nông nghiệp, như giống cây trồng, vật nuôi, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, phân bón, vật tư nông nghiệp…, ảnh hưởng lớn tới chi phí sản xuất. Năng suất lao động của ngành nông nghiệp còn thấp, chỉ bằng 50 - 60% của các nước tiên tiến trong khu vực.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dịch bệnh Covid-19 bùng phát từ cuối năm 2019, xung đột Nga - Ukraine từ đầu năm 2022 làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, đẩy giá vật tư lên cao, mà nguồn nguyên liệu đầu vào sản xuất nông nghiệp của Việt Nam lại chủ yếu phụ thuộc nhập khẩu. Vì vậy, nguyên liệu, vật tư đầu vào, chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm nông nghiệp đều tăng.

Phân bón tăng giá cao nhất (phân urê tăng 136 - 143%, DAP tăng 143 - 164%, kali tăng 180 - 200% so với tháng 12/2021). Giá nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi tăng 30 - 45%. Giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm tăng 30 - 35% so với cuối năm 2021.

Ngay lúc này, nỗ lực kéo giảm chi phí sản xuất sản phẩm nông nghiệp, tăng tính chủ động trong tự cung cấp các vật tư nguyên liệu đầu vào và chuẩn hóa sản xuất, nâng cao giá trị nông sản xuất khẩu là bài toán lớn của ngành nông nghiệp.

Thực tế xoay chuyển đầu tư sản xuất của nhiều doanh nghiệp đã chứng minh, khi chuẩn hóa sản xuất, đầu tư chế biến sâu, hàng xuất khẩu không lo bị ép giá, thậm chí còn được đối tác chia sẻ về chi phí.

Bà Đinh Thị Thu Hương, Giám đốc bán hàng Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) cho biết, ngay cả trong thời điểm nhiều doanh nghiệp lao đao vì tắc biên sang Trung Quốc, Doveco vẫn đều đặn xuất khẩu trái cây tươi và chế biến sang thị trường này.

“Để làm ăn lâu dài với bất kỳ thị trường nào, phải giải quyết được bài toán chuẩn hóa quy trình sản xuất, chế biến, đảm bảo chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu từ nhà nhập khẩu”, bà Hương nhấn mạnh.

Bố trí làm thêm giờ để cấp C/O cho nông sản xuất khẩu
Các Phòng Quản lý xuất nhập khẩu khu vực Hà Nội, Hải Dương, Lạng Sơn... căn cứ thực tế, xem xét bố trí làm thêm giờ, kể cả ngày nghỉ để...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư