Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Thách thức vận hành hệ thống điện
Thanh Hương - 10/01/2019 09:48
 
Theo kế hoạch vận hành hệ thống điện năm 2019 được Bộ Công thương phê duyệt, trong tổng số 241 tỷ kWh điện được sản xuất cả năm, phần đóng góp của nhiệt điện than vẫn chiếm gần 50%, với 116,5 tỷ kWh.

Nhỏ và rải rác

Trong số hơn 4.292,8 MW công suất nguồn điện mới được Bộ Công thương lên kế hoạch sẽ đưa vào vận hành trong năm 2019, chỉ có 2 nguồn điện lớn tập trung là Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng (688 MW) và Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng (600 MW).

Trong khi đó, có khoảng 2.700 MW công suất điện mới từ nguồn năng lượng tái tạo, gồm điện mặt trời (1.700 MW), điện gió (137 MW) và thủy điện nhỏ (837 MW).

Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, sản lượng điện năm 2020 dự kiến là 265 - 278 tỷ kWh, nhưng hiện mới đạt 192,1 tỷ kWh. Ảnh: T.H
Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, sản lượng điện năm 2020 dự kiến là 265 - 278 tỷ kWh, nhưng hiện mới đạt 192,1 tỷ kWh. Ảnh: T.H

Dẫu đóng góp hơn nửa công suất nguồn điện mới được huy động, nhưng chính Bộ Công thương cũng không quá kỳ vọng vào sự đóng góp từ các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời và điện gió trong hoạt động cấp điện, bởi trong tổng số gần 242 tỷ kWh điện được lên kế hoạch sản xuất năm 2019, phần đóng góp của khối năng lượng tái tạo chỉ là 3,12 tỷ kWh. Nghĩa là, số giờ vận hành các dự án năng lượng tái tạo như điện mặt trời và điện gió này chỉ ở tầm hơn 1.600 giờ/năm.

So với khả năng có thể vận hành bình quân 6.000 - 6.500 giờ/năm của các nhà máy nhiệt điện than, 5.500 giờ/năm của nhiệt điện khí, hay 4.500 - 5.000 giờ/năm của các nhà máy thủy điện, thì hiệu suất của năng lượng tái tạo chỉ bằng 20 - 30%. Điều này cũng đang đặt ra các thách thức lớn về vận hành hệ thống điện an toàn và ổn định.

Đó là chưa kể, khi hệ thống bước vào giờ cao điểm chiều (từ 17h đến 20h hàng ngày), sự đóng góp của các trang trại điện mặt trời trên hệ thống là không nhiều, do đã tắt nắng. Nghĩa là, dù có thêm nhiều nguồn điện được bổ sung, nhưng khi cần huy động công suất lại không dễ dàng.

Ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0) cho hay, nhiều nhà máy điện mặt trời sẽ bắt đầu phát công suất vào hệ thống với tổng công suất lắp đặt dự kiến khoảng 2.200 MWp. Với đặc tính vật lý tự nhiên, các nhà máy điện mặt trời sẽ có hệ số đồng thời khá cao, tạo ra biến động lượng công suất lớn trong khoảng thời gian rất ngắn, trong khi lượng công suất dự phòng của hệ thống không cao. Đây chính là thách thức rất lớn mà hệ thống điện Việt Nam chưa phải đối mặt trong quá khứ.

Bởi vậy, dù đang tính việc huy động dầu rất khiêm tốn (chỉ 2,4 tỷ kWh điện), nhưng Bộ Công thương vẫn không quên “thòng thêm” rằng, mức huy động điện chạy dầu có thể lên tới 7 tỷ kWh trong năm 2019.

Thực tế của hệ thống điện hiện nay cũng khiến ngành điện đặt mục tiêu hàng đầu trong năm 2019 là “nâng cao hiệu quả vận hành hệ thống điện”.

Nỗi lo có thực

Theo ông Cường, năm 2018 là một năm khó khăn trong vận hành hệ thống điện quốc gia với mức tăng trưởng phụ tải cao và theo nhận định của EVN, năm 2019 cũng sẽ là một năm vận hành căng thẳng với nhiều thách thức lớn cần giải quyết.

Khó khăn đầu tiên được nhắc tới là việc đảm bảo nhiên liệu cho phát điện. Đây là vấn đề trong năm 2018, nhưng dự kiến kéo dài trong năm 2019 và các năm tiếp theo.

Trong số này, nguồn khí trong nước đã giảm mạnh và chưa có nguồn bổ sung. Các tháng cuối năm 2018, nguồn cấp khí Nam Côn Sơn chỉ còn khoảng 16,5 triệu m3/ngày, bằng 75% so với những năm trước. Năm 2019, dù nguồn khí nội được dự kiến bổ sung thêm mỏ Phong Lan Dại, nhưng các chuyên gia cũng đánh giá là “chưa ổn định và cũng không đủ cho nhu cầu của toàn bộ các nhà máy tua-bin khí”.

Một nguồn nhiên liệu khác là than cũng đang phải đối mặt với thực tế là khả năng cung cấp than trong nước cho phát điện năm 2019 dự kiến thấp hơn so với nhu cầu gần 8 triệu tấn, nghĩa là muốn đủ than cho phát điện thì phải nhập khẩu.

Thống kê hải quan cũng cho thấy, năm 2018, cả nước đã nhập khẩu 14,5 triệu tấn than, với trị giá 1,5 tỷ USD và con số này trong năm 2019 là trên 22 triệu tấn với trị giá hơn 2,5 tỷ USD.

“Nếu tình hình cấp than, cấp khí trong thời gian tới không được cải thiện sẽ gây nhiều khó khăn trong công tác vận hành, đặc biệt là trong mùa khô năm 2019”, ông Cường nói.

Do tình hình thủy văn trong mùa lũ năm 2018 không thuận lợi, nhiều hồ ở miền Trung, miền Nam không có lũ về, nên không đủ nước đáp ứng nhu cầu nước hạ du cũng như đảm bảo nhu cầu cho phát điện trong mùa khô năm 2019. Hiện tại, lượng nước tích của các hồ thủy điện hụt 5,5 tỷ m3 so với mực nước dâng bình thường, tương đương sản lượng thiếu hụt là 2,56 tỷ kWh. Theo dự báo, năm 2019, tình hình thủy văn của các hồ thủy điện tiếp tục không thuận lợi.

Trong một kiến nghị mới nhất được gửi tới các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đã thẳng thắn cho rằng, với những kế hoạch phát điện được đặt ra trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã phê duyệt hiện nay, phải có những giải pháp đột phá mạnh mẽ mới đảm bảo được mục tiêu về công suất nguồn điện cũng như sản lượng điện.

Dự án ngành điện hẹp cửa gọi vốn
Tiêu thụ điện trong 4 tháng đầu năm có chiều hướng tăng mạnh trở lại, trong khi một số dự án điện lớn vẫn gặp nhiều khó khăn trong quá trình...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư