Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 25 tháng 11 năm 2024,
Thái Bình mở cửa chào đón các nhà đầu tư
Q.H - 18/02/2018 14:10
 
Tháng 7/2017, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Khu kinh tế Thái Bình. Ông Nguyễn Hồng Diên, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho biết, tỉnh hoan nghênh, chào đón các nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp hàng hóa, công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, đầu tư hạ tầng và sản xuất, kinh doanh trong Khu kinh tế.

Ông cho biết những thành tựu mà Thái Bình đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội  năm vừa qua?

Năm 2017, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đã tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp của Chính phủ về chỉ đạo, điều hành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cùng 11 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của tỉnh, đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và đã giành được những kết quả nổi bật.

GRDP của Thái Bình đạt trên 45.529 tỷ đồng, tăng 11,12%; tổng giá trị sản xuất đạt trên 117.629 tỷ đồng, tăng 13,15% so với năm 2016, vượt kế hoạch đề ra. Đây là năm thứ hai liên tiếp, kinh tế của tỉnh đạt mức tăng trưởng hai con số và là một trong 3 tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực Đồng bằng sông Hồng.

Ông Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Lễ công bố thành lập Ban quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp Thái Bình
Ông Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Lễ công bố thành lập Ban quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp Thái Bình

Công nghiệp và xây dựng tăng 19,72% so với năm 2016. Thương mại, dịch vụ, sản xuất nông nghiệp tuy gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, nhưng vẫn tăng 2,48%. Kim ngạch xuất khẩu đạt gần 1,5 tỷ USD, tăng 7,4% so với năm trước. Xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh, dự kiến có 205 xã, bằng 78% số xã trong tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới; 100% xã, phường, thị trấn có nước sạch, phục vụ nhân dân, với trên 83% hộ dân cư ở khu vực nông thôn sử dụng nước máy, gấp đôi so với năm 2016.

Thu ngân sách địa phương đạt gần 14.000 tỷ đồng, vượt trên 40% dự toán, trong đó, thu nội địa gần 7.100 tỷ đồng, vượt 16% dự toán. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 51.308 tỷ đồng, tăng trên 23%, gấp 2 lần mức tăng của năm 2016. Thu hút đầu tư có 111 dự án mới, vốn đăng ký gần 8.130 tỷ đồng, tăng 44% về số dự án và tăng 43,7% về vốn đầu tư. Trong năm qua, có trên 920 doanh nghiệp, văn phòng đại diện, chi nhánh công ty mới được thành lập, đạt cao nhất từ trước đến nay. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Sau Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp tháng 4/2017, Thái Bình đã tiếp xúc với nhiều tập đoàn kinh tế lớn như Trường Hải, Lộc Trời, TH, GELEXIMCO, Hòa Phát, KIC Hàn Quốc… nhiều văn bản thỏa thuận hợp tác đầu tư được ký kết, có tập đoàn đã bước đầu khởi động dự án tạo tiền đề cho năm 2018. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Năm 2018 là năm bản lề trong thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Đại hội Đảng các cấp. Thái Bình sẽ thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp gì?

Tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược và 5 nhiệm vụ trọng tâm của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, đồng thời tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cơ bản. Tuyên truyền, khuyến khích người dân tích tụ ruộng đất, gắn với thực hiện Đề án thí điểm tích tụ đất đai, phục vụ thu hút phát triển nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao. Phấn đấu đến năm 2020 đạt 8.000 ha ruộng đất cho thuê để sản xuất nông nghiệp, nâng tổng diện tích đất nông nghiệp được tích tụ, tập trung lên 12.000 ha và 15.000 ha liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản.

Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Bình trân trọng mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đến nghiên cứu, khảo sát và đầu tư vào Khu kinh tế Thái Bình

Thực hiện tốt các nhiệm vụ theo Quyết định số 36/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Khu kinh tế Thái Bình, kết hợp với mời gọi các doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, thu hút các nhà đầu tư thứ cấp. Thực hiện hiệu quả chủ trương xã hội hóa nguồn lực và đa dạng hóa các hình thức đầu tư, huy động các nguồn vốn phát triển kinh tế - xã hội. Rà soát thủ tục pháp lý, quy trình lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đối tác công - tư, bảo đảm tính cạnh tranh, nâng cao giá trị các khu đất đối ứng.

Về thu ngân sách nhà nước, phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán được giao. Triển khai thực hiện hiệu quả Đề án Phát triển kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2016 - 2020.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính theo hướng công khai, minh bạch, rút ngắn thời gian giải quyết; đẩy mạnh công nghệ thông tin, chữ ký số và xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, thực hiện dịch vụ công trực tuyến; nhận hồ sơ qua mạng...

Thái Bình đã được Chính phủ quyết định thành lập Khu kinh tế. Ông có thể giới thiệu khái quát về Khu kinh tế Thái Bình, nhất là những quan điểm, chính sách thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp vào đầu tư hạ tầng, sản xuất, kinh doanh, cũng như triển vọng của kinh tế địa phương khi Khu kinh tế đi vào hoạt động?  

Thành lập Khu kinh tế Thái Bình là sự mong mỏi của bao thế hệ, của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh. Ba kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh gần đây liên tục xác định “xây dựng khu vực ven biển thành vùng phát triển kinh tế trọng điểm của tỉnh”. Vì thế, quyết định thành lập Khu kinh tế Thái Bình của Chính phủ đã thể hiện “ý Đảng lòng dân”. Đây là một dấu mốc mang tính lịch sử trong công cuộc phát triển kinh tế của tỉnh.

Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội trọng tâm của Thái Bình năm 2018:

Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt từ 9,5% trở lên so với năm 2017.

Tổng giá trị sản xuất tăng từ 11,6% trở lên, trong đó: nông, lâm và thuỷ sản tăng 2,7%, công nghiệp - xây dựng tăng 16,1% trở lên, bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 13%, xuất khẩu tăng 11%.

Tổng thu ngân sách đạt 13.858,1 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt 6.391,5 tỷ đồng.

Số xã đạt chuẩn nông thôn mới tăng 10% trở lên.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 64%, đào tạo nghề đạt 50%. Tạo việc làm mới cho khoảng 33.000 người. Tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đạt 83%. Số giường bệnh/vạn dân đạt 33 giường.

100% dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh (80% trở lên sử dụng nước máy), 100% dân số đô thị sử dụng nước máy. 

Khu kinh tế Thái Bình có diện tích gần 31.000 ha, thuộc địa bàn 31 xã, thị trấn ở khu vực ven biển của tỉnh. Đây là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, bao gồm các khu chức năng: Khu trung tâm điện lực; các khu, cụm công nghiệp; Khu cảng và dịch vụ cảng; Khu đô thị, dịch vụ; Khu du lịch, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí... Mục tiêu xây dựng và phát triển Khu kinh tế trở thành vùng kinh tế động lực, có tính đột phá của tỉnh, nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế về quỹ đất, năng lượng khí mỏ, điện, than và lợi thế tuyến đường bộ ven biển đã rút ngắn từ Thái Bình đến cảng biển, sân bay quốc tế Hải Phòng, Đặc khu kinh tế Vân Đồn, cửa khẩu Móng Cái - Quảng Ninh...

Một nền tảng rất cơ bản là trong Khu kinh tế Thái Bình đã có một số khu chức năng đang hoạt động hiệu quả, với các công trình trọng điểm lớn như: Trung tâm Điện lực Thái Bình với 2 nhà máy nhiệt điện, công suất 1.800 MW, dự kiến cuối năm 2018 đưa vào hoạt động cả 4 tổ máy, cung cấp khoảng 10,8 tỷ KWh/năm. Dự án dẫn khí vào, đang khai thác với sản lượng 200 triệu m3 khí/năm; Nhà máy Amonitrat, Dự án nhà máy Amoniac, cảng Diêm Điền cung cấp năng lượng điện, khí, vận tải và hạ tầng cho Khu kinh tế.

Để đẩy nhanh tốc độ xây dựng Khu kinh tế, Thái Bình đã thành lập Ban Chỉ đạo và ban hành Kế hoạch triển khai, giao nhiệm vụ cho từng thành viên và các sở, ngành, địa phương để chủ động thực hiện. Triển khai các thủ tục mời chọn các đơn vị tư vấn quốc tế tham gia quy hoạch xây dựng Khu kinh tế. Xây dựng các cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư và đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thu hút đầu tư vào Khu kinh tế.

Thông điệp mà Thái Bình muốn gửi tới các nhà đầu tư, doanh nghiệp nhân dịp năm mới Mậu Tuất là gì, thưa ông?

Chúng tôi nhận thức sâu sắc doanh nghiệp là động lực của nền kinh tế; các nhà đầu tư, doanh nhân, là những người lính tiên phong, chủ lực trong phát triển kinh tế và là ân nhân của mình. Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Bình trân trọng mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đến nghiên cứu, khảo sát và đầu tư  vào Khu kinh tế Thái Bình. Chúng tôi cam kết luôn là địa chỉ hấp dẫn, tin cậy đối với nhà đầu tư; luôn đồng hành cùng doanh nghiệp kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng rút gọn quy trình, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.

Thái Bình cam kết thực hiện đầy đủ và kịp thời các chính sách ưu đãi đầu tư của Nhà nước. Đồng thời xem xét, ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù, đủ mạnh trên cơ sở không trái với các quy định của Nhà nước để hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư, làm ăn lâu dài và có hiệu quả tại địa phương.

Để biến khát vọng tiềm năng, lợi thế đặc biệt trên lĩnh vực nông nghiệp và Khu kinh tế Thái Bình trở thành hiện thực, Thái Bình rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện hơn nữa của Đảng, Nhà nước; sự ủng hộ, giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương và sự cộng tác của các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Chắc chắn, Thái Bình là mảnh đất lành để các nhà đầu tư, doanh nghiệp gặt hái được những thành công lớn.

Lập đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng thực hiện việc ủy quyền cho UBND tỉnh Thái Bình để thực hiện lập nhiệm vụ và đồ án Quy hoạch chung...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư