Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Thái Bình phát triển chăn nuôi theo chuỗi liên kết
Mạnh Tùng - 04/09/2020 20:54
 
Thái Bình xác định, thành phần chủ lực của chuỗi liên kết chăn nuôi là DN hạt nhân xây dựng các trang trại “lõi” và DN xây dựng các trang trại độc lập hoặc vệ tinh cho trang trại “lõi”.
100 bò giống do TP. Hà Nội tặng tỉnh Thái Bình được chăm sóc tại trang trại bò giống hạt nhân.
100 bò giống do TP. Hà Nội tặng tỉnh Thái Bình được chăm sóc tại trang trại bò giống hạt nhân.

Chăn nuôi nhỏ lẻ

Thái Bình vốn là vùng đất nông nghiệp từ ngàn đời nhờ sự bồi đắp màu mỡ của phù sa sông Hồng, sông Thái Bình. Toàn tỉnh có hơn 3.600 ha đất bãi có thể trồng cỏ voi, ngô làm thức ăn cho trâu, bò với năng suất cao và một phần diện tích lúa năng suất kém chuyển sang trồng cỏ. Sản lượng rơm, rạ lớn, các sản phẩm phụ từ trồng ngô đạt 63.338 tấn/năm; các sản phẩm thân lá của khoai lang, đậu tương, lạc ước trên 100.000 tấn/năm, là nguồn cung cấp nguyên liệu rất lớn để làm thức ăn và đệm lót cho chăn nuôi trâu, bò.

Ngoài ra, Thái Bình có đội ngũ cán bộ thú y các cấp có trình độ và kinh nghiệm. Về vị trí địa lý, địa phương này cách Hà Nội 110 km, Hải Phòng 70 km, có hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy thuận lợi cho vận chuyển, giao thương các sản phẩm chăn nuôi đi các tỉnh, thành phố khác.

Trên thực tế, phương thức và quy mô chăn nuôi trâu, bò tại Thái Bình vẫn chủ yếu nhỏ, lẻ, nuôi bán chăn thả, phát triển tại các nông hộ; xu hướng chăn nuôi tập trung đã xuất hiện, nhưng chưa nhiều. Vài năm trở lại, chăn nuôi nông hộ phổ biến với phương thức nuôi trâu, bò thịt chăn thả và nuôi vỗ béo, bán chăn thả cung cấp cho các cơ sở giết mổ tại tỉnh. Chưa có mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã, chăn nuôi liên kết theo chuỗi.

Tại Thái Bình, quy mô đàn trâu, bò còn nhỏ, với 55.000 con, sản lượng thịt xuất chuồng mới đạt gần 9.000 tấn/năm, bằng 3,3% sản lượng thịt gia súc, gia cầm toàn tỉnh. Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng về thịt trâu, bò trong tỉnh, trong nước tăng cao đòi hỏi phải có nguồn cung tương ứng. Giải pháp cho thực tế này cần phải phát triển đàn trâu, bò thành vật nuôi chủ lực. 

Một đề án chiến lược đã ra đời

Từ tiềm năng phát triển và thực tế trên, Tỉnh ủy Thái Bình đã ra Nghị quyết số 07/NQ/TU ngày 14/6/2019 tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển đàn trâu, bò thương phẩm. UBND tỉnh ban hành Đề án Phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết giai đoạn 2019 - 2025 và những năm tiếp theo, nhằm khai thác, phát huy hiệu quả các lợi thế của tỉnh, đưa chăn nuôi, cơ cấu của ngành nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững và chuyển đổi sinh kế, bảo đảm đời sống người chăn nuôi, đáp ứng nhu cầu thị trường.

“Phát triển đàn trâu, bò thương phẩm có năng suất, chất lượng cao theo chuỗi liên kết, trở thành một trong những vật nuôi chủ lực, góp phần đưa chăn nuôi thành ngành sản xuất chính, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu ngành chăn nuôi, nông nghiệp theo hướng nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, hiệu quả, bền vững”, Đề án Phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết giai đoạn 2019 - 2025 và những năm tiếp theo nêu rõ.

Đề án đặt mục tiêu đến hết năm 2020, tổng đàn trâu, bò trong tỉnh đạt 70.000 con trở lên, tỷ trọng chăn nuôi chiếm khoảng 45% giá trị sản xuất nông nghiệp, tỷ trọng chăn nuôi trâu, bò chiếm 5% giá trị sản xuất ngành chăn nuôi. Xây dựng được 2 trang trại “lõi” trở lên đầu tư chăn nuôi trâu, bò theo chuỗi liên kết.

Đề án cũng đặt mục tiêu đến năm 2025, tổng đàn trâu, bò của Thái Bình đạt 180.000 con trở lên, chiếm 18 - 20% giá trị sản xuất ngành chăn nuôi; xây dựng được từ 3 - 5 trang trại “lõi”, phát triển 25.000 - 28.000 nông hộ, gia trại chăn nuôi trâu, bò vệ tinh; thu hút đầu tư xây dựng 1 - 2 khu giết mổ gia súc tập trung; sau đó điều chỉnh tốc độ tăng trưởng cho phù hợp, đảm bảo hiệu quả, bền vững.

Thành phần chủ lực tham gia chuỗi liên kết chính là các doanh nghiệp hạt nhân xây dựng các trang trại “lõi” và doanh nghiệp xây dựng các trang trại độc lập hoặc vệ tinh cho trang trại “lõi”. Tổ hợp tác, hợp tác xã và chủ trang trại, nông hộ chăn nuôi trang trại, chăn nuôi nông hộ, trồng cây nguyên liệu thức ăn, thu mua, cung ứng phụ phẩm nông nghiệp.

Chuỗi liên kết theo mô hình nông nghiệp tuần hoàn từ trồng cây thức ăn cho trâu bò, thu gom, chế biến phụ phẩm nông nghiệp để chăn nuôi trâu bò sinh sản, thương phẩm, sản xuất đệm lót sinh học, thu gom phân, đệm lót sinh học qua sử dụng sản xuất phân hữu cơ, thu mua bò vỗ béo, xuất bán. Sản phẩm của hoạt động chăn nuôi trâu, bò đều được sử dụng triệt để, mang lại hiệu quả kinh tế tối ưu cho người chăn nuôi.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào chăn nuôi trâu, bò. Về giống vật nuôi phát triển đàn bò cái nền sinh sản, đàn bò nuôi thương phẩm, chọn lọc những bò cái lai có tầm vóc, thể trạng đạt yêu cầu từ đàn bò cái sinh sản hiện có để làm nguồn cái nền, nhằm tiếp tục nhân giống và tạo ra đàn bò có năng suất, chất lượng cao.

Hiện toàn tỉnh có 29.000 con bò cái sinh sản, trong đó có 8.500 bò cái nền đạt chuẩn về ngoại hình, khối lượng. Đối với đàn bò cái nền đạt chuẩn và đàn bò cái nền đạt chuẩn nhập mới, sẽ thực hiện lai với giống bò cao sản để tạo đàn bò lai đời sau vừa phục vụ nhu cầu nuôi bò sinh sản và nuôi lấy thịt, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Số bò cái sinh sản còn lại khoảng 20.500 con thực hiện lai cải tiến với các giống bò chủ lực như Brahman, Droughtmaster… để tạo ra các con lai 3 máu, con lai 4 máu, sau đó chọn lọc những con bò cái đủ tiêu chuẩn để làm bò cái nền, tạo đàn bò nuôi thương phẩm lấy thịt. Sử dụng giống bò đực khác với giống bò đực đã sử dụng tạo con lai đời trước để tạo nên bò lai thương phẩm 3 máu trở lên nhằm khai thác tối đa ưu thế lai của giống.

Cùng với đó, bổ sung quy hoạch đất trồng cây thức ăn để phát triển đàn trâu bò. Đến năm 2025, tối thiểu cần 3.727 ha, trong đó diện tích chuồng nuôi và công trình phụ trợ 560 ha, dành cho trồng cây nguyên liệu làm thức ăn và bãi thả 3.167 ha.

Đồng thời, quy hoạch vùng chăn nuôi có diện tích từ 20 ha trở lên để các doanh nghiệp “hạt nhân” đầu tư các trang trại “lõi”, các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại tham gia chuỗi liên kết đầu tư trang trại chăn nuôi có quy mô 100 trâu, bò sinh sản hoặc 200 con trâu, bò thịt trở lên hoặc trồng nguyên liệu thức ăn trâu, bò. Quy hoạch khu chăn nuôi từ 2 đến dưới 20 ha để các đối tượng chăn nuôi vệ tinh đầu tư chăn nuôi trang trại, chăn nuôi nông hộ với quy mô từ 5 - 99 con trâu, bò sinh sản hoặc 10 - 199 con trâu, bò thịt...

“Bà đỡ” của 100 bò vàng

Ngày 26/7/2019, UBND tỉnh Thái Bình có Công văn số 3069 giao nhiệm vụ nuôi giữ, bảo toàn, nhân giống và phát triển đàn bò 100 con của UBND TP. Hà Nội tặng tỉnh Thái Bình cho Công ty cổ phần Giống chăn nuôi Thái Bình, nay là Công ty cổ phần Tấn Thành Hưng Thịnh. Công ty cổ phần Tấn Thành Hưng Thịnh có trách nhiệm chuẩn bị các nguồn lực, các điều kiện cần thiết và cân đối thu, chi, hạch toán kinh doanh để thực hiện nhiệm vụ nuôi giữ, bảo toàn, nhân giống và phát triển đàn bò trên.

Thái Bình cũng đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ nuôi giữ, bảo toàn, nhân giống và phát triển đàn bò trên; tham mưu, báo cáo UBND tỉnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đề xuất cơ chế hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ nuôi giữ, bảo toàn, nhân giống và phát triển đàn bò trên. Sở Tài chính phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị có liên quan nghiên cứu, tham mưu, cơ chế, nguồn vốn hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ nuôi giữ, bảo toàn, nhân giống và phát triển đàn bò trên.

Nhiệm vụ trước mắt, Công ty cổ phần Tấn Thành Hưng Thịnh tập trung thực hiện Đề án Phát triển đàn trâu bò thương phẩm theo chuỗi liên kết giai đoạn 2019 - 2025 và những năm tiếp theo. Trong đó, tiếp tục thực hiện tốt việc nuôi giữ, bảo toàn, nhân giống và phát triển đàn bò 100 con do UBND TP. Hà Nội trao tặng.

“Đồng thời, Công ty thực hiện tốt các chương trình khuyến nông do UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao, như xây dựng mô hình trồng cỏ theo chuỗi liên kết, xây dựng mô hình sản xuất giống và chăn nuôi bò thương phẩm. Thực hiện các hợp đồng cung ứng bò cái lai Sind giống sinh sản cho hộ nông dân huyện Hưng Hà với tổng trị giá 726 triệu đồng”, lãnh đạo Công ty cổ phần Tân Thành Hưng Thịnh cho biết.

Chú trọng bảo vệ môi trường

Đảm bảo song song giữa phát triển đàn trâu bò với bảo vệ môi trường là một yêu cầu không kém phần quan trọng được đặt ra tại Đề án Phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết giai đoạn 2019 - 2025 và những năm tiếp theo. Theo đó, hướng dẫn áp dụng triệt để các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào xử lý môi trường chăn nuôi; hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật cho các trang trại, nông hộ tham gia chuỗi liên kết xử lý môi trường theo đúng quy định, quy trình như: bắt buộc sử dụng đệm lót sinh học trong các chuồng trại chăn nuôi trâu, bò; định kỳ thu gom để sản xuất phân hữu cơ. Doanh nghiệp, trang trại tham gia chuỗi liên kết với hộ chăn nuôi có trách nhiệm cung cấp đệm lót sinh học.
Xây dựng cộng đồng doanh nghiệp Thái Bình ngày càng phát triển
Đảng bộ Khối Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình đã cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức, sản xuất - kinh doanh hiệu quả, bền vững.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư