Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tìm dư địa cho Thái Bình phát triển
Phương Liên - 13/08/2020 13:59
 
Đó là ý kiến của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình ngày 12/8/2020.
Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại hội nghị.

Hội nghị nhằm góp ý Dự thảo văn kiện Đại hội trình Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025.

Báo cáo của tỉnh Thái Bình cho biết, nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Thái Bình đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức hầu hết các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XIX. Kinh tế liên tục tăng trưởng khá, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, quy mô và tiềm lực nền kinh tế được nâng lên.

Tổng sản phẩm GRDP bình quân 5 năm (2016-2020) ước tăng 9%/năm, vượt mục tiêu Đại hội XIX đề ra (8,6%/năm), cao hơn mức trung bình cả nước và gấp 1,3 lần mức tăng trưởng của 5 năm trước (6,7%/năm). Quy mô nền kinh tế và GRDP bình quân đầu người có bước tăng mạnh, năm 2020 ước cao gấp 1,8 lần năm cuối nhiệm kỳ trước. Thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp đạt kết quả khá tốt cả về số lượng dự án và vốn đầu tư. Thu ngân sách trên địa bàn luôn vượt xa dự toán được giao, năm cuối nhiệm kỳ ước đạt cao gấp gần 2 lần năm đầu nhiệm kỳ.

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được chú trọng đầu tư xây dựng bằng nhiều nguồn vốn, nhất là nguồn vốn xã hội hóa. Hoàn thành xây dựng nông thôn mới trên phạm vi toàn tỉnh. Văn hoá - xã hội có nhiều tiến bộ; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên. Quốc phòng, an ninh được tăng cường; an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền, chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân được nâng lên.

Tuy nhiên, nhiệm kỳ qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Kinh tế của tỉnh tuy đạt tốc độ tăng trưởng khá, nhưng chất lượng tăng trưởng chưa cao. Quy mô nền kinh tế còn nhỏ, hiệu quả, sức cạnh tranh còn thấp. Nông nghiệp chủ yếu vẫn trong tình trạng sản xuất nhỏ, manh mún. Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn yếu kém. Chất lượng tham mưu, chất lượng thực thi công vụ ở một số ngành, địa phương, nhất là ở cơ sở còn nhiều bất cập, trách nhiệm không cao.

Với tinh thần đó, phát biểu gợi mở tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm và cầu thị của Tỉnh ủy trong xây dựng văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, Thái Bình là tỉnh điển hình về phát triển trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hiện đại hóa nông nghiệp, phát triển nông thôn mới. Trước đây, Thái Bình là tỉnh thuần nông, nay tỷ trọng nông nghiệp chỉ còn khoảng 22,6% GRDP của tỉnh, công nghiệp - dịch vụ 77,4%.

Nông nghiệp bước đầu tạo được nhiều mô hình sản xuất mới, hiệu quả kinh tế cao theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Hết năm 2019, đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới trên toàn tỉnh; 100% dân cư trong tỉnh được cấp nước sạch, đạt mục tiêu trước 2 năm, Đây là thành tích rất nổi bật của Thái Bình. Bước đầu hình thành một số cụm, khu công nghiệp, một số dự án lớn. Giáo dục, y tế phát triển cao hơn mặt bằng chung của cả nước.

Về phương hướng phát triển của tỉnh trong giai đoạn tới, đồng chí Nguyễn Văn Bình cho rằng, Thái Bình có truyền thống tăng năng suất, là địa phương được Trung ương cho thí điểm nhiều chủ trương, chính sách, nhất là trong nông nghiệp, để tổng kết, nhân rộng ra cả nước (như thí điểm “cánh đồng mẫu lớn”, tích tụ, tập trung ruộng đất…), vì vậy, nói về Thái Bình trước hết là về nông nghiệp.

Thái Bình đã hoàn thành mục tiêu nông thôn mới, tuy nhiên, trong giai đoạn mới, phát triển nông nghiệp của Thái Bình phải quan tâm đến phát triển “tam nông”, trong đó gắn kinh tế nông nghiệp nông thôn và đặc biệt là vấn đề tích tụ ruộng đất, đồng thời hướng đến xây dựng nền nông nghiệp đa dạng, sạch, hữu cơ...

Về công nghiệp và xây dựng, cần tập trung một số ngành Thái Bình có lợi thế là chế biến nông sản, khai thác khí, nước khoáng… Thúc đẩy hình thành các chuỗi công nghiệp gắn với nông nghiệp; quy hoạch các cụm, khu công nghiệp tập trung để đón đầu các làn sóng đầu tư lớn trong tương lai.

Phấn đấu xây dựng các khu công nghiệp quy mô lớn, hạ tầng hiện đại để kịp thời đón bắt làn sóng chuyển dịch đầu tư của các tập đoàn lớn trên thế giới, sẵn sàng tiếp nhận các dự án đầu tư quy mô lớn, có công nghệ hiện đại, giá trị sản xuất cao. Ngay trong năm 2021, tập trung giải phóng mặt bằng, xây dựng hoàn thành kết cấu hạ tầng của khu công nghiệp Liên Hà Thái, Khu Công nghiệp Hải Long, phấn đấu thu hút được ngay một số nhà đầu tư lớn khởi công xây dựng dự án thứ cấp. Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông kết nối trục giao thông đối ngoại và các khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ... trong Khu kinh tế. Đẩy mạnh xúc tiến thu hút đầu tư có lựa chọn. Thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh các ngành có công nghệ tiên tiến, hiện đại, giá trị gia tăng cao, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và thân thiện với môi trường.

Bên cạnh những thuận lợi đã có, Thái Bình phải nghiên cứu tìm ra những động lực mới giúp tỉnh có thêm dư địa để đẩy mạnh phát triển kinh tế trong thời gian tới. Trong định hướng phát triển, cần coi trọng phát triển yếu tố con người. Đầu tư phát triển công tác giáo dục, đào tạo, nhất là giáo dục phổ thông và đào tạo nghề; Coi trọng gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa, giáo dục truyền thống, nhất là tinh thần yêu nước, hiếu học cho học sinh, sinh viên và thanh niên.

Phát triển giao thông cần tập trung hai hướng kết nối với các tỉnh, kết nối với khu vực đồng bằng sông Hồng, duyên hải Bắc bộ và kết nối giao thông đường sông.

Cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, Thái Bình cần đặc biệt chú trọng xây dựng, củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và chính quyền các cấp, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; từ đó tạo sự đồng thuận và huy động được sức mạnh của nhân dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của tỉnh trong nhiệm kỳ tới.

Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải phân tích, làm rõ hơn các nội dung trong dự thảo Báo cáo chính trị, đồng thời trân trọng tiếp thu các ý kiến đóng góp của đồng chí Trưởng ban Kinh tế Trung ương và các đại biểu để hoàn thiện dự thảo Báo cáo chính trị, trình Bộ Chính trị cho ý kiến trong thời gian tới.

Thái Bình: Ông Nguyễn Tiến Thành được bầu giữ chức Chủ tịch HĐND tỉnh
Sáng 10/8, HĐND tỉnh Thái Bình Khóa XVI, nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã tổ chức thành công Kỳ họp giải quyết các công việc phát sinh đột xuất.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư