Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Thái Lan bất ngờ hạ lãi suất sau 4 năm, Philippines cắt giảm lần thứ hai
Đông Phong - 16/10/2024 21:06
 
Ngân hàng Trung ương Thái Lan đã cắt giảm lãi suất cơ bản lần đầu tiên sau hơn 4 năm, một động thái gây bất ngờ vì cơ quan này từ lâu đã phản đối lời kêu gọi nới lỏng chính sách tiền tệ của chính phủ.
Sau động thái cắt giảm lãi suất của ngân hàng Trung ương Thái Lan, đồng baht ngày 16/10 rớt giá so với đồng đô la Mỹ và giao dịch ở mức 33,384 baht đổi một đô la Mỹ. Ảnh: AFP
Sau động thái cắt giảm lãi suất của Ngân hàng Trung ương Thái Lan, đồng baht ngày 16/10 rớt giá so với đồng đô la Mỹ và giao dịch ở mức 33,384 baht đổi một đô la Mỹ. Ảnh: AFP

Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT) đã bỏ phiếu với tỷ lệ ủng hộ 5-2 cho phương án cắt giảm lãi suất mua lại một ngày xuống còn 2,25% tại cuộc họp ngày 16/10, đúng như dự đoán của 5 trong số 28 nhà kinh tế được Bloomberg khảo sát. Lần gần nhất ngân hàng này hạ lãi suất là vào tháng 5/2020.

Trong số các quan chức bỏ phiếu, hai thành viên của Ủy ban Chính sách Tiền tệ thuộc Ngân hàng Trung ương Thái Lan đã kêu gọi giữ nguyên lãi suất. Thái Lan đã neo lãi suất ở mức 2,5% kể từ quý IV năm ngoái.

Ủy ban Chính sách Tiền tệ cho biết kỳ vọng lạm phát vẫn nằm trong mục tiêu và cơ quan này dự báo lạm phát lõi năm 2024 sẽ ở mức 0,5%.

Cuối tháng trước, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thái Lan Sethaput Suthiwartnarueput nói rằng điều quan trọng đối với các ngân hàng trung ương là phải độc lập trong việc thiết lập chính sách tiền tệ.

Sau khi lãi suất giảm, đồng baht ngày 16/10 đã rớt giá so với đồng đô la Mỹ và giao dịch ở mức 33,384 baht đổi một đô la Mỹ. Đồng baht Thái đã tăng giá 14% trong quý III/2024, khiến hàng xuất khẩu của Thái Lan trở nên đắt đỏ hơn so với các đối thủ cạnh tranh.

Trong quý II/2024, Thái Lan đạt tăng trưởng nhanh nhất trong 5 quý, nhưng nền kinh tế này vẫn tiếp tục tụt hậu so với các nước láng giềng, do lực cản từ khoản nợ “khổng lồ” của các hộ gia đình và ngành sản xuất chế tạo bị ảnh hưởng bởi hàng nhập khẩu giá rẻ chủ yếu từ Trung Quốc, theo Bloomberg.

Cùng ngày 16/10, Ngân hàng Trung ương Philippines (BSP) đã thực hiện đợt cắt giảm lãi suất cơ bản lần thứ hai với mức giảm 25 điểm cơ bản, nhưng để ngỏ khả năng giảm thêm nữa khi lạm phát trung hạn của nước này dự kiến sẽ vẫn nằm trong phạm vi mục tiêu 2-4%. 

"Quyết định của Hội đồng Tiền tệ dựa trên đánh giá của họ rằng áp lực giá vẫn có thể kiểm soát được", Thống đốc Ngân hàng Trung ương Philippines Eli Remolona phát biểu tại cuộc họp báo diễn ra cùng ngày.

Đồng peso hầu như không thay đổi và giao dịch ở mức 57,73 peso đổi một đô la Mỹ sau khi Ngân hàng Trung ương Philippines hạ lãi suất.

Cơ quan tiền tệ Philippines đã hạ dự báo lạm phát cơ bản năm 2024 xuống còn 3,1% từ mức 3,4%, nhưng đã tăng dự báo cho năm 2025 và 2026 lên 3,2% và 3,4%, từ mức tương ứng 3,1% và 3,2%, do có khả năng điều chỉnh giá điện và tiền lương, theo Reuters.

Mặc dù vậy, Thống đốc Remolona cho biết Ngân hàng Trung ương Philippines có khả năng sẽ thực hiện đợt cắt giảm lãi suất lần thứ ba với mức giảm 25 điểm cơ bản tại cuộc họp cuối cùng trong năm vào tháng 12; sau đó giảm thêm tổng cộng 100 điểm cơ bản trong năm sau.

"Chúng tôi muốn thực hiện các bước nhỏ về mặt điều chỉnh lãi suất chính sách, nghĩa là 25 điểm cơ bản tại một thời điểm, nhưng không nhất thiết phải thực hiện mỗi quý hoặc không nhất thiết phải thực hiện tại mỗi cuộc họp", Thống đốc Remolona nói thêm.

Philippines quyết định giảm thuế nhập khẩu gạo, doanh nghiệp Việt được lợi
Philippines sẽ cắt giảm thuế nhập khẩu đối với nhiều mặt hàng, trong đó có mặt hàng gạo khi thuế nhập khẩu từ mức 35% sẽ cắt giảm xuống...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư