Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Thái Lan gấp rút hoàn thành báo cáo nghiên cứu gia nhập CPTPP
Thế Hoàng - 01/05/2021 13:28
 
Sau khi hoàn thành, báo cáo sẽ được trình Ủy ban Chính sách Thương mại Quốc tế và nội các nước này để thông qua quyết định gia nhập Hiệp định CPTPP.
Thái Lan đang gấp rút hoàn thành Báo cáo nghiên cứu gia nhập Hiệp định CPTPP.
Thái Lan đang gấp rút hoàn thành Báo cáo nghiên cứu gia nhập Hiệp định CPTPP.

Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan cho biết, Bộ Tài chính Thái Lan đang gấp rút hoàn thành báo cáo nghiên cứu ưu và nhược điểm kèm theo mức độ ảnh hưởng của việc gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Bộ trưởng Tài chính Arkhom Termpittayapaisith đánh giá việc gia nhập CPTPP sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Thái Lan. 

Sau khi hoàn thành, báo cáo sẽ được trình Ủy ban Chính sách Thương mại Quốc tế và nội các nước này để thông qua quyết định gia nhập Hiệp định CPTPP.

Trước đó, Thủ tướng Prayut Chan-O-Cha đã yêu cầu các cơ quan liên quan nộp báo cáo về tác động Hiệp định CPTPP vào trung tuần tháng 04/2021 để Chính phủ xem xét, cân nhắc khả năng tham gia Hiệp định.

Đầu năm ngoái, một Nghiên cứu của Bolliger & Company Thailand, đơn vị được Vụ Đàm phán thương mại thuê thực hiện, cho thấy việc tham gia CPTPP sẽ thúc đẩy Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Thái Lan thêm 0,12%.

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương là một hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, gồm 11 nước thành viên là: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.

Hiệp định đã được ký kết ngày 08 tháng 3 năm 2018 tại thành phố Santiago, Chile và và chính thức có hiệu lực từ ngày 30 tháng 12 năm 2018 đối với nhóm 6 nước đầu tiên hoàn tất thủ tục phê chuẩn Hiệp định gồm Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada và Australia.  Đối với Việt Nam, Hiệp định có hiệu lực từ ngày 14 tháng 01 năm 2019.

CPTPP là thị trường 500 triệu dân, nắm giữ 13% GDP toàn cầu và 15% giao dịch thương mại của thế giới. Việc CPTPP đã đi vào thực thi trong 2 năm qua, không chỉ thúc đẩy thương mại, giúp các nền kinh tế hội tụ trong một mô hình kinh tế gắn kết để tạo ra một môi trường thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế, mà còn xóa bỏ các rào cản phi thuế quan và tạo thuận lợi cho đầu tư nước ngoài.

Theo nghiên cứu của Viện Peterson, CPTPP được kỳ vọng sẽ tăng quy mô kinh tế hằng năm của các quốc gia thành viên thêm 147 tỷ USD.

Quy mô các quốc gia thành viên CPTPP dự báo tiếp tục được gia tăng. Hồi đầu năm nay, vào đúng dịp kỷ niệm 1 năm rời Liên minh châu Âu (EU), Vương quốc Anh đã nộp đơn gia nhập CPTPP.

Tận dụng ưu đãi thuế quan từ CPTPP: Doanh nghiệp FDI tối ưu hóa cơ hội tốt hơn
Khu vực doanh nghiệp FDI tận dụng hiệu quả hơn ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có Hiệp định Đối tác toàn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư