Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Thặng dư thương mại của Việt Nam với khu vực EU đạt 34,3 tỷ USD
Thế Hải - 18/01/2024 09:40
 
Tổng kim ngạch trao đổi thương mại hàng hóa của Việt Nam với các nước trong khu vực Liên minh châu Âu trong năm 2023 ước đạt 72,3 tỷ USD, giảm 5,3% so với năm 2022, thặng dư thương mại đạt 34,3 tỷ USD.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân làm việc với Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế (INTA) của Nghị viện châu Âu (EP
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân làm việc với Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế (INTA) của Nghị viện châu Âu (EP).

Trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước thuộc khối EU trong năm 2023 chịu tác động đáng kể từ kinh tế và thương mại toàn cầu tăng trưởng chậm.

Thông tin được đưa ra tại buổi làm việc của Thứ trưởng Công thương, Nguyễn Sinh Nhật Tân với ông Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế (INTA) của Nghị viện châu Âu (EP), ngày 17/1/2024.

EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 (sau Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc) và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 (sau Trung Quốc, Hoa Kỳ), thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 (sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan) của Việt Nam.

Năm 2023, suy thoái kinh tế, lạm phát và lãi suất vẫn duy trì ở mức cao khiến nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu hàng hóa tại EU sụt giảm đã tác động đến trao đổi thương mại giữa Việt Nam với khu vực thị trường này.

Tổng kim ngạch trao đổi thương mại hàng hóa của Việt Nam với các nước trong khu vực châu Âu ước đạt 72,3 tỷ USD, giảm 5,3% so với năm 2022. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 53,3 tỷ USD, giảm 4,7% và nhập khẩu ước đạt gần 19 tỷ USD, giảm 6,8%.

Thặng dư thương mại của Việt Nam với thị trường châu Âu trong năm 2023 ước đạt 34,3 tỷ USD.

Xuất khẩu sang EU đã thu hẹp đà giảm khá nhanh trong những tháng cuối năm, trong khi giai đoạn nửa đầu năm, sụt giảm kim ngạch xuất khẩu đều ở mức 2 con số.

Với độ mở nền kinh tế lớn, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam chịu tác động trực tiếp từ sự sụt giảm của kinh tế toàn cầu nửa đầu năm và sự phục hồi một cách chậm chạm và không đồng đều của các nền kinh tế trên thế giới nửa cuối năm 2023..

Bộ Công thương nhận định, áp lực bên ngoài đối với sản xuất công nghiệp và hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2024 còn lớn. Trong đó, kênh thương mại quốc tế khi nhiều nền kinh tế là đối tác lớn của Việt Nam trong đó có EU tăng trưởng chậm, dẫn đến tổng cầu khó phục hồi mạnh, từ đó tác động đến kết quả xuất khẩu.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư