Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Thặng dư thương mại Việt Nam - EU sớm bỏ xa mốc 31,8 tỷ USD
Thế Hải - 19/03/2018 09:37
 
Theo Sách trắng 2018, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực sẽ đưa Việt Nam trở thành địa điểm đầu tư hấp dẫn nhất tại khu vực Đông Nam Á, giúp thặng dư thương mại của Việt Nam với EU vượt xa mốc 31,8 tỷ USD của năm 2017.

20% hàng Việt xuất khẩu sang thị trường EU

“Thương mại 2 chiều Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) sẽ sớm vượt nhanh qua mốc hơn 50 tỷ USD của năm 2017 để chạm những con số ấn tượng hơn khi EVFTA có hiệu lực”, Đại sứ Bruno Angelet, Trưởng đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu khẳng định trong lễ Công bố Sách Trắng 2018 hôm qua (15/3), tại Hà Nội.

Sách Trắng 2018 nêu rõ, EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, là điểm đến của 18% lượng hàng xuất khẩu từ Việt Nam. Với thương mại song phương đạt 50,3 tỷ USD năm vừa qua, EU là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam. Việt Nam có thặng dư thương mại với EU khoảng 31,8 tỷ USD.

.
EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, là điểm đến của 18% lượng hàng xuất khẩu từ Việt Nam.

Theo Đại sứ Bruno Angelet, việc thực thi EVFTA là động lực lớn thúc đẩy quan hệ đầu tư, thương mại giữa 2 bên trong tương lai gần.

Là ngành chứng kiến cơ cấu thị trường xuất khẩu có sự thay đổi đáng kể những năm qua, ngành da giày rất trông đợi vào thời điểm hiệu lực của  EVFTA.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết, trước đây, EU là thị trường lớn nhất của ngành, nhưng nay đã tụt xuống vị trí thứ 2, nhường vị trí số 1 cho Mỹ, cho thấy sức tiêu thụ của thị trường EU có sự suy giảm.

Hiện, xuất khẩu sang EU chỉ chiếm tỷ trọng 31,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu ngành da giày, trong khi thị trường Mỹ đang dẫn đầu với mức tăng trưởng ổn định từ 10 - 20% mỗi năm, chiếm tỷ trọng lên tới 34,8%.

“Bởi vậy, các doanh nghiệp trong ngành da giày rất trông đợi, EVFTA sẽ giúp cho ngành  khôi phục thị trường EU. Cụ thể, xuất khẩu da giày của Việt Nam sẽ có cơ hội tăng trưởng mạnh, do hầu hết các dòng thuế nhập khẩu ba lô, túi, cặp và hơn 40% các dòng thuế nhập khẩu giày dép vào thị trường EU sẽ giảm về 0%. Ngoài ra, toàn bộ các dòng thuế giày dép cắt giảm về 0% trong vòng 7 năm khi hiệp định có hiệu lực”, bà Xuân cho biết.

Hoàn thiện chuỗi sản xuất hàng hóa

Không đơn thuần thúc đẩy xuất khẩu, EVFTA được xem là Hiệp định tiếp cận thị trường toàn diện nhất trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, hàng hoá, dịch vụ, đảm bảo cho các yếu tố của quá trình tái sản xuất.

Đây cũng là hiệp định mang tính khu vực, do đó, sẽ thúc đẩy việc hình thành chuỗi sản xuất và cung ứng giữa các thành viên, thúc đẩy thương mại nội khối và chuỗi cung ứng.

Với ngành da giày, việc hoàn thiện chuỗi cung ứng cũng đang diễn ra gấp rút để đón các cơ hội do EVFTA mang lại. Lefaso thống kê, khối doanh nghiệp FDI đang có tốc độ đầu tư hoàn thiện chuỗi cung ứng “thần tốc” trong ngành da giày.

Tính đến hết năm 2017, thương mại hàng hóa Việt Nam - EU đạt hơn 50 tỷ USD và theo tính toán, có thể đạt mức 100 tỷ USD/năm vào năm 2025. Là một trong những thị trường có nhiều quy định kỹ thuật khá khắt khe với mục đích bảo vệ tốt nhất sức khỏe con người, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững… thị trường EU rộng mở cho hàng hóa Việt Nam, nhưng cũng kèm theo những yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm.

Đơn cử, năm 2017, EU đã qua mặt Mỹ để trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của thủy sản Việt Nam, đặc biệt với mặt hàng tôm.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), việc EU tăng cường nhập khẩu tôm của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng chế biến có giá trị gia tăng cao có tác động tích cực từ EVFTA đang trong giai đoạn chờ đợi được thông qua.

Dẫu chọn nhập khẩu nhiều sản phẩm thủy sản từ nước ta, nhưng từ cuối năm 2017, EU đã cảnh báo “thẻ vàng” với thủy sản Việt Nam, do chưa đáp ứng được các yêu cầu về vấn đề kiểm soát đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo và không được quản lý (IUU).

“Thẻ vàng” này buộc thủy sản Việt Nam phải hoàn thiện thể chế quản lý, quản lý đội tàu khai thác phù hợp với nguồn lợi, hoàn thiện hệ thống kiểm tra giám sát tàu cá trên biển và tại cảng, chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản và ngăn chặn, chấm dứt tàu cá Việt Nam khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài…

Ông Nicolas Audier, đồng Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) khẳng định, việc này sẽ không ảnh hưởng đến quá trình phê chuẩn  EVFTA. Tuy nhiên, lãnh đạo EuroCham cho biết, các tổ chức và các thành viên EU vẫn đang theo dõi những nỗ lực của Việt Nam trong việc hoàn thiện và thực thi khuôn khổ pháp lý.

“Chúng tôi tin tưởng rằng, Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực cho quá trình ký kết và phê duyệt EVFTA được hoàn thành vào quý IV/2018 một cách thuận lợi, để cả hai bên có thể đạt được những kỳ vọng chung, trong đó có việc thúc đẩy một trong những hành lang thương mại liên lục địa tiến bộ nhất trên thế giới”, ông Nicolas Audier cho biết.

Italy ủng hộ Việt Nam sớm ký chính thức FTA Việt Nam-EU
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Tổng thống Cộng hòa Italy, Ngài Sergio Mattarella đã thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam. Chiều...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư