Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Thanh Hóa: Bỏ hoang chợ hàng chục tỷ đồng
Sĩ Chức - 03/07/2013 14:40
 
 Sau gần một năm hoàn thành, Chợ Già (huyện Hoằng Hóa) vẫn chưa hoạt động vì bà con tiểu thương không chịu chuyển sang chợ mới.
TIN LIÊN QUAN

Ngày 29/12/2011, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Thương mại Việt Hung (gọi tắt là Công ty Việt Hung) được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp nhận cho thuê 5.155 m2 đất với thời hạn 50 năm để xây dựng chợ Già mới (tại xã Hoằng Kim, huyện Hoằng Hóa); tổng kinh phí đầu tư hơn 14 tỷ đồng.

Sau 8 tháng thi công, ngày 10/10/2012, Chợ Già cơ bản hoàn thiện và khánh thành, đưa vào hoạt động. Khu chợ mới xây dựng bảo đảm các tiêu chí chợ nông thôn mới về diện tích sân vườn, cây xanh, các công trình phụ trợ như khu vệ sinh, nhà kho, khu để xe, nơi thu gom xử lý rác thải, điện chiếu sáng, phòng cháy, chữa cháy,...

Chợ Già vẫn chưa thể hoạt động sau gần một năm hoàn thành

Mục đích của chợ Già mới là nhằm đáp ứng được nhu cầu kinh doanh thương mại, giao lưu văn hóa của người dân trong xã Hoằng Kim và cụm kinh tế số 1 của huyện Hoằng Hóa.

Tuy nhiên, sau gần một năm, kể từ ngày khánh thành, chợ vẫn chưa đi vào hoạt động.

Theo ông Đỗ Thanh Công, Giám đốc Công ty Việt Hung cho biết, trong quá trình đầu tư xây dựng, phía Công ty đã thực hiện đầy đủ và đúng quy trình thủ tục, đặc biệt là nhận được sự nhất trí cao của các cấp chính quyền địa phương.

Trên thực tế, sau khi khánh thành chợ, đã có gần 200 tiểu thương đặt cọc tiền và đăng ký thuê địa điểm. Nhưng không rõ lý do gì, sau đó các hộ này đã phản ứng và đòi lại tiền đặt cọc.

Chính vì thế, dư luận đặt câu hỏi, việc tiểu thương không chịu chuyển từ chợ cũ sang chợ mới liệu có do tác động của một nhóm người bị ảnh hưởng lợi ích khi giải tán chợ cũ?

Trao đổi với Phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn, ông Phạm Bá Oai, Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa khẳng định, phía chính quyền địa phương cũng đã hết sức nỗ lực trong việc vận động các tiểu thương vào chợ. Tuy nhiên, phía đơn vị chủ đầu tư là Công ty Việt Hung cũng cần phải xem xét lại cách làm trong vụ việc này.

Chẳng hạn, về mức phí thu khi chuyển sang chợ mới: Trong khi ở chợ cũ chỉ với mức phí 25.000 đ/tháng, khi chuyển sang chợ mới, các tiểu thương phải chịu mức phí khoảng 150.000 – 200.000 đ/tháng; “Cộng các khoản chi phí khác sẽ đội lên gần 10 lần so với ở chợ cũ”, ông Oai nói.

Trong thời gian tới, UBND huyện Hoằng Hóa sẽ tăng cường công tác tuyên truyền tới các hộ tiểu thương kết hợp các giải pháp khác để thu hút người vào kinh doanh tại chợ mới. Bên cạnh đó, phía Công ty Việt Hung cũng phải có giải pháp cụ thể, trên tinh thần hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân; qua đó đưa ra mức phí hợp lý, tạo điều kiện cho các tiểu thương vào kinh doanh tại chợ.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư