Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 20 tháng 01 năm 2025,
Thanh Hóa, điểm sáng nông thôn mới ở Bắc Trung bộ
Nghĩa Hưng - 18/08/2023 11:25
 
Là tỉnh rộng thứ 5 cả nước với 27 đơn vị hành chính, với 11 huyện miền núi, trong đó có 6 huyện thuộc Chương trình 30a, Thanh Hóa đã nỗ lực vươn lên, trở thành điểm sáng vùng Bắc Trung bộ về xây dựng nông thôn mới.
Thanh Hóa là địa phương đi đầu cả nước trong việc hình thành hợp tác xã OCOP
Thanh Hóa là địa phương đi đầu cả nước trong việc hình thành hợp tác xã OCOP

Nỗ lực của Thanh Hóa

Đến nay, vùng Bắc Trung bộ có 1.037/1.380 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), trong đó có 134 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 23 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Toàn vùng có 30 huyện đạt chuẩn NTM. Đó là kết quả từ Báo cáo sơ kết tình hình triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Tại Thanh Hóa, chỉ trong 2 năm (2021 - 2022) và 6 tháng đầu năm 2023 đã có thêm 4 huyện, 42 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, 58 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 13 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Đến nay, Thanh Hóa có 12 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 359 xã đạt chuẩn NTM, 80 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 14 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Ước đến hết năm 2023, Thanh Hóa có 13 huyện đạt chuẩn NTM, 363 xã đạt chuẩn NTM. Trong đó, có 80 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 17 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Thanh Hóa phấn đấu năm 2025 sẽ có 17 huyện đạt chuẩn NTM, 4 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao, 88% số xã đạt chuẩn NTM (tương ứng 410 xã), 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao (tương ứng 165 xã) và 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (tương ứng là 41 xã).

Nếu tính số xã đạt chuẩn NTM nâng cao và xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, Thanh Hóa chiếm hơn 50% toàn khu vực Bắc Trung bộ, 80/134 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 14/23 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Xét về số huyện đạt chuẩn NTM, Thanh Hóa chiếm 40%, với 12/30 huyện đạt chuẩn NTM toàn vùng Bắc Trung bộ.

Từ những chính sách từ Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đời sống người dân được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người toàn tỉnh tăng lên 51,7 triệu đồng năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm giảm 4,4 lần so với năm 2010, còn 6,08% năm 2022.

Huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới

Trong những năm qua, Thanh Hóa đã làm tốt công tác huy động nguồn lực cho việc xây dựng NTM. Tổng huy động nguồn lực thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2021 - 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 đạt gần 19.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Thanh Hóa là tỉnh mà Bí thư Tỉnh ủy là Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn, Chủ tịch và Phó chủ tịch UBND tỉnh là Phó trưởng ban. Các xã xây dựng NTM đều bố trí một công chức theo dõi thực hiện chương trình xây dựng NTM theo chế độ kiêm nhiệm.

Cùng với đó là sự vào cuộc, chung tay xây dựng NTM của cả hệ thống chính trị. Chẳng hạn, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã tổ chức triển khai có hiệu quả các đề án, dự án, như “Hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh ở các xã ven biển tỉnh”, “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”, 3.000 “nhà sạch, vườn mẫu”, “nhà sạch, vườn đẹp”; 734 câu lạc bộ “Gia đình 5 không, 3 sạch”… Hoạt động kiểm tra, giám sát cũng được quan tâm, phát huy vai trò của cộng đồng, tổ giám sát cộng đồng, ban phát triển thôn trong thực hiện chính sách, dự án. Công tác thông tin, truyền thông về xây dựng NTM luôn được đẩy mạnh.

Ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Là tỉnh rộng thứ 5 cả nước với 27 đơn vị hành chính cấp huyện, Thanh Hóa có tới 11 huyện miền núi, hơn 1,1 triệu dân khu vực miền núi, trong đó có 6 huyện nghèo thuộc Chương trình 30a. Do vậy, công cuộc xây dựng NTM ở Thanh Hóa gặp nhiều phức tạp về vị trí địa lý, địa hình không thuận lợi và kinh tế người dân còn nhiều khó khăn”.

“Nhiệm vụ căn cơ của Thanh Hóa thời gian tới, cùng với việc tiếp tục huy động sức dân tham gia xây dựng NTM, là việc chuyển đổi tư duy làm nông nghiệp sang sản xuất nông nghiệp gắn với liên kết, tạo sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Từ đó tạo ra sức sản xuất mới, sinh kế bền vững, nâng cao thu nhập”, ông Cường cho biết thêm.

Thanh Hóa: 10 năm hội nhập quốc tế thu hút hơn 14,5 tỷ USD vốn FDI
Từ năm 2013 đến nay, Thanh Hóa luôn nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư FDI.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư