Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 06 tháng 05 năm 2024,
Thanh Hóa gỡ tiến độ Dự án Thủy điện Trung Sơn
Sĩ Chức - 26/07/2014 13:36
 
Được khởi công từ cuối tháng 11/2012, Dự án Thủy điện Trung Sơn thuộc địa phận xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa (tỉnh Thanh Hóa) có công suất lắp đặt 260MW, bao gồm 4 tổ máy (công suất 65MWW/tổ máy), sản lượng điện tương ứng 1.018 tỷ KW/năm, tổng mức đầu tư hơn 410,68 triệu USD.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Loại bỏ thủy điện không hiệu quả, ảnh hưởng môi trường
Gần 1.600 tỷ mở rộng Nhà máy thủy điện Thác Mơ
Lập nghiệp giữa rừng, phía sau Đèo Chết
1,7 triệu dân thiếu nước, Đà Nẵng dọa kiện Bộ Tài nguyên Môi trường

Trong đó, vốn vay từ Ngân hàng thế giới (WB) là 330 triệu USD và vốn đối ứng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là hơn 80 triệu USD. Theo dự kiến, Dự án hoàn thành vào tháng 8/2017, đây cũng là dự án thủy điện đầu tiên của Việt Nam được WB tài trợ.

  Thanh Hóa gỡ tiến độ Dự án Thủy điện Trung Sơn  
  Bà Victoria Kwa Kwa làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa về tiến độ Dự án Thủy điện Trung Sơn  

Mặc dù theo đánh giá của giới chuyên môn, đến nay dự án trên đang được thực hiện đúng tiến độ và bảo đảm tốt về mặt kỹ thuật cũng như không gây ra các tác động môi trường, nhưng theo ông Ngô Việt Hải, Tổng giám đốc Công ty Phát điện 2 – đơn vị chủ đầu tư Dự án Thủy điện Trung Sơn, xét trên cơ sở thi công công trình chính và tiến độ di dân, nếu tuyến đường Tây Thanh Hóa (gồm cầu Tà Bán, cầu Suối Quanh, 3 cầu trung và một số đoạn tuyến: 5 gói thầu) không hoàn thành trước ngày 31/5/2015 thì sẽ tác động trực tiếp tới tiến độ đầu tư của dự án, với mức độ ảnh hưởng là rất lớn.

Ông Hải đưa ra một số dẫn chứng, cụ thể là sẽ ảnh hưởng tới việc thi công công trình chính do không thể vận chuyển vật liệu từ mỏ đá về công trình đầu mối phục vụ thi công. Điều này đồng nghĩa với việc không có cốt liệu (đá dăm và cát xay) để thi công cho khoảng 600.000 m3 bê tông đầm lăn trong giai đoạn từ tháng 5/2015 đến tháng 9/2016.

Cùng với đó là việc công tác di dân, tái định cư tại các điểm 1,2,3 và 4 sẽ không thể hoàn thành, vì các điểm tái cư này sẽ bị chia cắt bởi cầu Tà Bán, cầu Suối Quanh và đường nối hai đầu cầu chưa hoàn thành (thời điểm 31/5/2015, dự kiến mực nước hồ thủy điện Trung Sơn là khoảng 144,29m, cao độ khoảng 105,0m gây ngập các đường giao thông hiện có).

Nếu đường Tây Thanh Hóa không đáp ứng được mốc tiến độ hoàn thành trước 31/5/2015, theo chủ đầu tư, còn ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư của dự án. Bởi tính sơ bộ theo sản lượng điện mỗi năm là 1.018 tỷ kW, thì nếu chậm 1 năm, dự án có khả năng thất thu từ doanh thu bán điện khoảng 1.000 tỷ đồng, cùng với gánh nặng trả vốn gốc cộng lãi vay cho WB là hàng trăm tỷ đồng.

Về phía chính quyền địa phương, ông Nguyễn Ngọc Hồi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho hay, dự án đường Tây Thanh Hóa được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt và chuyển cho UBND tỉnh tiếp nhận quản lý từ năm 2006. Đây dự án được đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ; trong quá trình triển khai Dự án Thủy điện Trung Sơn, cao trình tích nước hồ Thủy điện Trung Sơn đã làm đoạn tuyến Km0-Km28 của dự án đường Tây Thanh Hóa bị ngập so với dự án đầu tư phê duyệt từ trước đó.

Để đảm bảo tránh ngập theo cao trình tích nước, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định điều chỉnh đoạn tuyến Km0-Km28 vượt lên cao trình ngập nước của dự án thủy điện và tuyến mới dài hơn so với tuyến cũ là 6,2 km; chiều dài đoạn tuyến mới là 34,2 km. Đoạn tuyến tránh ngập Thủy điện Trung Sơn đã phát sinh các hạng mục cầu Tà Bán, cầu Suối Quanh, 3 cầu trung và một số đoạn tuyến; gồm 5 gói thầu thi công xây lắp, tổng giá trị các gói thầu được duyệt là 664,6 tỷ đồng, kế hoạch vốn vay đến nay là 219,4 tỷ đồng, vốn còn thiếu là 445,2 tỷ đồng. Sau khi điều chỉnh giá nguyên vật liệu, nhân công thì vốn còn thiếu hiện là 578,2 tỷ đồng (tương đương khoảng 26 triệu USD).

Việc chậm bố trí nguồn vốn trái phiếu Chính phủ để triển khai dự án đường Tây Thanh Hóa đã trở thành vướng mắc chung của hai dự án.UBND tỉnh Thanh Hóa và EVN nhiều lần có công văn gửi các bộ, ngành ban chức năng, nhưng đến nay vẫn chưa được xem xét giải quyết.

Cuối tuần qua, tại UBND tỉnh Thanh Hóa đã diễn ra cuộc làm việc giữa lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa với Ngân hàng Thế giới (WB) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để giải quyết các vướng mắc trên.

Tại buổi làm việc này, đại diện đơn vị chủ đầu tư cho rằng, với phương án tạm ứng vốn của EVN để tỉnh Thanh Hóa đầu tư là rất khó khăn, không mang tính khả thi cho EVN vì đơn vị này hiện cũng phải đi vay vốn để đầu tư cho các dự án của mình cũng như các dự án khác mà Chính phủ giao. 

Về phía đại diện WB tại Việt Nam, bà Victoria Kwa Kwa đã đưa ra hai phương án được cho là nhằm tháo gỡ “nút thắt tiến độ” dự án.

Phương án thứ nhất là đề nghị với Chính phủ và các bộ ngành chức năng xem xét bố trí nguồn vốn 26 triệu USD, thực hiện 5 gói thầu trên của dự án đường Tây Thanh Hóa từ khoản vốn vay 200 triệu USD mà Chính phủ Việt Nam và WB đã ký kết mới đây.

Phương án còn lại sẽ là phía WB cấp vốn vay bổ sung để thực hiện các hạng mục liên quan. Tuy nhiên, bà Victoria Kwa Kwa cho rằng, phương án đề nghị Chính phủ phân bổ cho ứng tạm nguồn vốn vay đã đạt được là khả thi nhất, bởi nếu thực hiện theo phương án còn lại thì phải thực hiện qua rất nhiều quy trình và tốn mất nhiều thời gian của các bên liên quan.

Sau khi thảo luận các phương án do đại diện WB tại Việt Nam đưa ra, ông Trịnh Văn Chiến, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã nhất trí phối hợp với EVN báo cáo, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan, tạo điều kiện nhanh chóng bố trí nguồn vốn thực hiện dự án đường Tây Thanh Hóa để tháo gỡ nút thắt về tiến độ cho dự án thủy điện Trung Sơn.

Với sự tin tưởng vào việc xây dựng một dự án kiểu mẫu, bà Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam nhấn mạnh, khi xây dựng dự án này, phía WB đã đặt ra một số mục tiêu làm quy chuẩn cho các dự án sử dụng nguồn vốn vay do WB tài trợ tại Việt Nam.

Tính kiểu mẫu của dự án được thể hiện ở tính minh bạch và trách nhiệm giải trình; bảo đảm an sinh xã hội cho người dân vùng dự án; đảm bảo an toàn hồ đập và giảm thiểu tối đa các tác động môi trường và xã hội.

“Với những tiêu chí đó, dự án Thủy điện Trung Sơn sẽ mang tầm đẳng cấp quốc tế. Do đó, phải khẩn trương tháo gỡ nút thắt của dự án này”, bà Kwa Kwa nói.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư