Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Thanh Hóa lập phương án thành lập các Bệnh viện COVID
Mạnh Tùng - 01/04/2020 10:54
 
Ngày 31/3/2020, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Nguyễn Đình Xứng chủ trì hội nghị nghe báo cáo phương án thành lập Bệnh viện COVID trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Trước mắt chuyển Bệnh viện Phổi (500 giường) thành Bệnh viện COVID số 1, chuyển Bệnh viện đa khoa huyện Đông Sơn (200 giường) thành Bệnh viện COVID số 2.
TIN LIÊN QUAN
Toàn cảnh hội nghị nghe báo cáo phương án thành lập các Bệnh viện COVID19 tại Thanh Hóa.
Toàn cảnh hội nghị nghe báo cáo phương án thành lập các Bệnh viện COVID19 tại Thanh Hóa.

Để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống phù hợp trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, Sở Y tế Thanh Hóa xây dựng Phương án Bệnh viện COVID trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và thành lập Bệnh viện COVID trong trường hợp dịch bùng phát lây lan trong cộng đồng.

Hai bệnh viện phổi và bệnh viện đa khoa huyện Đông Sơn, là các bệnh viện có chức năng điều trị hô hấp, nằm không quá xa trung tâm có thể được hỗ trợ chuyên môn rất nhanh từ các bệnh viện như: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Nhi, Bệnh viện phụ sản… Các trang thiết bị hiện có của hai Bệnh viện này gần tương đồng với trang thiết bị phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19. Việc di chuyển bệnh nhân sang các bệnh viện khác thuận lợi và sẵn sàng chuyển trạng thái sang bệnh viện dã chiến chữa trị bệnh nhân COVID-19 tùy thuộc vào diễn biến của dịch. 

Các phương án về thành lập bộ khung, huy động phương tiện, điều động nhân viên y tế phục vụ các bệnh viện COVID cũng được Sở Y tế cụ thể hóa đến từng vị trí, sẵn sàng chuyển trạng thái ngay lập tức, đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch COVID-19 ở cấp độ 4 theo giả thiết dịch lây lan ra cộng đồng với từ 1.000 đến 4.000 người mắc.

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, với điều kiện hiện nay nên trưng dụng hệ thống bệnh viện công lập nhằm sử dụng trang thiết bị và nhân lực sẵn có để điều trị bệnh nhân COVID-19 là phù hợp. Đồng thời phải chuẩn bị các phương án thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 cụ thể ở các bệnh viện công lập tuyến tỉnh và tuyến huyện; phương án chuyển các bệnh nhân điều trị các bệnh không phải COVID-19 sang các cơ sở điều trị khác. Trong đó, tại các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện cần chuẩn bị và hoàn thiện phương án thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 tại các khoa truyền nhiễm.

Thảo luận cụ thể về các phương án thu dung, điều trị người nhiễm COVID-19 theo từng cấp độ, các đại biểu thống nhất ở phương án có từ 20 đến 1.000 bệnh nhân sẽ trưng dụng Bệnh viện Phổi và các khoa bệnh nhiệt đới tuyến tỉnh; phương án với 2.000 bệnh nhân sẽ thêm các Bệnh viện Đa khoa huyện Đông Sơn, Lang Chánh, Nông Cống, Hà Trung, khu vực Tĩnh Gia và các khoa truyền nhiễm bệnh viện tuyến huyện; phương án với 4.000 bệnh nhân sẽ thêm Bệnh viện Đa khoa huyện Cẩm Thuỷ, Yên Định, Hoằng Hoá, Thiệu Hoá, các khoa truyền nhiễm bệnh viện tuyến huyện còn lại… để sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch lây lan bùng phát trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Phát biểu kết luận, đồng chí Nguyễn Đình Xứng nhấn mạnh một số việc cơ bản: việc xây dựng các phương án điều trị bệnh nhân COVID-19 là để ứng phó kịp thời với các tình huống, diễn biến dịch vì thế nên vận hành khẩn trương.

Đồng ý với phương án chuyển một số bệnh viện công lập thành bệnh viện chuyên điều trị bệnh nhân COVID-19 trong điều kiện cần thiết do hệ thống này thuộc sự chỉ đạo, điều hành của tỉnh, có đủ năng lực và bộ máy đáp ứng; hệ thống bệnh viện tư nhân có đủ năng lực đảm nhiệm điều trị bệnh nhân chuyển từ các bệnh viện được trưng dụng điều trị bệnh nhân COVID-19.

Phương án này phải thực hiện theo nguyên tắc, khi có yêu cầu chuyển chức năng các bệnh viện công lập sang điều trị người nhiễm COVID-19 mà không chuyển bộ máy. Khi cần có thể huy động bổ sung phương tiện máy móc, nhân lực từ các bệnh viện khác bổ sung cho các bệnh viện COVID-19. Trong từng bệnh viện, phải xây dựng phương án chuyển dần trạng thái, khi có bệnh nhân COVID-19 thì sẽ không tiếp tục nhận bệnh nhân khác và chuyển số bệnh nhân hiện tại sang các cơ sở điều trị khác. Khi đến 70% phương án 1 phải kích hoạt ngay phương án 2, vận hành theo hướng chuyển dần bệnh nhân điều trị.

Trước mắt, Bệnh viện Phổi phải vận hành ngay khu điều trị bệnh nhân COVID-19 riêng, đồng ý lắp đặt hệ thống Telemedicine kết nối với Bệnh viện chuyên ngành tuyến trung ương để hỗ trợ chuyên môn từ xa tại Bệnh viện Phổi.

Về quản lý điều trị, thống nhất giao giám đốc bệnh viện toàn quyền chỉ huy, nghiên cứu điều động cán bộ, chuyên gia, phương tiện cho các bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19, nhà nước chi trả chi trả 100% chi phí điều trị thông qua bảo hiểm y tế và ngân sách…

Tỉnh sẽ bổ sung mua sắm các trang thiết bị thiết yếu còn thiếu cho giai đoạn trước mắt nếu có tình huống xảy ra. Trên cơ sở ý kiến thảo luận, Sở Y tế tiếp thu tổng hợp, hoàn thiện phương án báo cáo UBND tỉnh trong ngày 1 - 4.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư