Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 08 tháng 09 năm 2024,
Thanh khoản cạn kiệt, VN-Index giảm 4 phiên liên tiếp
Thanh Thủy - 14/02/2023 18:17
 
Giá trị giao dịch xuống mức thấp nhất 2 năm khi nhà đầu tư lựa chọn đứng ngoài quan sát. VN-Index vẫn đóng cửa giảm điểm dù sắc xanh chiếm ưu thế hơn do nhiều trụ cột suy yếu.
Thanh khoản ảm đạm khi nhà đầu tư lựa chọn đứng ngoài quan sát
Thanh khoản ảm đạm khi nhà đầu tư lựa chọn đứng ngoài quan sát

Ảm đạm: Thanh khoản thấp kỷ lục 2 năm

Kết thúc phiên giao dịch ngày 14/2, giá trị giao dịch toàn thị trường chỉ đạt vỏn vẹn hơn 7.500 tỷ đồng. Trong đó, thanh khoản sàn HoSE 6.723 tỷ đồng, giảm 35,7% so với phiên liền trước. Giá trị giao dịch sàn HNX và UPCoM lần lượt là 564 tỷ đồng và 215 tỷ đồng, đều giảm một nửa so với thanh khoản hôm qua. Tính chung trên ba sàn, chứng khoán Việt Nam ghi nhận phiên giao dịch có thanh khoàn thấp nhất trong kể từ tháng 5/2020.

HPG là cổ phiếu được giao dịch nhiều nhất xét về giá trị giao dịch nhưng cũng chỉ đạt 355 tỷ đồng, giảm hơn 36% so với bình quân giao dịch 10 phiên gần đây. Cổ phiếu của tôn Hoa sen (HSG) cũng nằm trong top 5 thanh khoản nhưng giá trị giao dịch vẫn thấp hơn nhiều so với bình quân các phiên trước khi chỉ đạt 1,57 triệu đơn vị tương đương xấp xỉ 232 tỷ đồng. Ngoài hai ông lớn ngành thép, VPB và STB cũng nằm trong nhóm hút dòng tiền giao dịch nhất trong phiên với giá trị chuyển nhượng lần lượt là 285 tỷ đồng và 226,5 tỷ đồng.

Sự sụt giảm của dòng tiền chủ yếu đến từ khối nội. Giá trị mua bán của nhà đầu tư nước ngoài không giảm quá nhiều so với bình quân 10 phiên gần đây. Trong phiên hôm nay, khối ngoại vẫn mua ròng 55,75 tỷ đồng trên sàn HoSE. Tính chung trên cả ba sàn, khối ngoại mua ròng 77 tỷ đồng, trong đó giải ngân mạnh nhất vào HPG với giá trị hơn 96 tỷ đồng. KBC và VND là hai mã được mua ròng mạnh tiếp theo với lần lượt 21,7 tỷ đồng và 18,9 tỷ đồng. Trên sàn HNX, IDC là cổ phiếu được mua ròng mạnh nhất với 6,2 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất là VIC, STB, VHM với giá trị 30-40 tỷ đồng. Áp lực cung từ nhóm nhà đầu tư nước ngoài khiến bốn cổ phiếu bị khối ngoại bán mạnh nhất đều giảm khá, như VHM giảm hơn 3,7%.

Thiếu vắng các trụ đỡ, top 10 vốn hóa đều “đỏ lửa”

Chuỗi giảm của VN-Index đã kéo dài phiên thứ tư liên tiếp. Tuy nhiên, điểm tích cực là chỉ số chung đã nhích lên ở cuối phiên. VN-Index từng có thời điểm mất hơn 10 điểm nhưng kết phiên chỉ còn giảm 5,06 điểm về mức 1.038,64 điểm. Trong khi đó, HNX-Index và UPCoM-Index lần lượt tăng 0,18% và 0,96%.

Các trụ cột kéo chỉ số sàn HNX tăng là IDC, SHS, CEO. Còn trên sàn UPCoM, cổ phiếu VNZ tăng kịch biên độ tiếp tục nâng đỡ chỉ số chung. Hiện thị giá của cổ phiếu “ông lớn” ngành công nghệ VNZ đã tăng lên hơn 1,18 triệu đồng. Phía cung cũng đã tăng lên khi giá cổ phiếu đã ở mức hấp dẫn để “chốt lời”. Tổng cộng đã có 5.600 cổ phiếu VNZ được chuyển nhượng, tương đương giá trị giao dịch hơn 6,6 tỷ đồng.

Trái với hai sàn, chỉ số chung sàn HoSE thiếu vắng các trụ đỡ. Top 10 doanh nghiệp có vốn hóa thị trường lớn nhất phần lớn đều nằm ở sàn HoSE. Không cổ phiếu nào trong nhóm này đóng cửa trong sắc xanh. Top cổ phiếu tác động tiêu cực đến VN-Index lần lượt là VHM, BID, VCB, SAB, CTG, VPB. Chỉ riêng ba mã VHM (-3,7%), BID (-2,3%), VCB (-1,1%)... đã lấy đi của VN-Index 4,252 điểm.

Sắc đỏ áp đảo ở nhóm ngân hàng. Chỉ một số cổ phiếu nhà băng đi ngược thị trường là TPB, VIB, OCB. Cổ phiếu EIB sau 2 phiên giảm sàn đã tăng 3,51% lên 22.100 đồng.

Ở chiều ngược lại, nhóm thép hồi phục với đa số cổ phiếu tăng điểm so với phiên hôm qua. HPG tăng 2% và là cổ phiếu góp nhiều điểm tăng nhất.  HSG và NKG lần lượt tăng 3,1% và 2,2%.

Góc nhìn TTCK tuần 13-17/2: VN-Index sớm kiểm định hỗ trợ quan trọng 1.040 - 1.050 điểm
Đây là mốc hỗ trợ quan trọng nhà đầu tư nên lưu ý, nếu đánh mất mốc này, xác suất thị trường quay trở lại xu hướng giảm trung hạn cần...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư