Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 01 tháng 12 năm 2024,
Thanh khoản “căng”, ngân hàng nhỏ cắn răng vay vốn đắt
Hà Tâm - 01/12/2024 08:28
 
Cầu vốn cuối năm tăng vọt, một số ngân hàng nhỏ gặp áp lực về thanh khoản, buộc phải tăng lãi suất tiết kiệm để huy động vốn và chấp nhận vay lãi suất cao trên thị trường liên ngân hàng để bù đắp.

Cầu vốn vào mùa cao điểm, thanh khoản eo hẹp

Theo ước tính của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tín dụng năm nay khả năng tăng 15% như mục tiêu đề ra, nghĩa là 2 tháng cuối năm, tín dụng tăng trung bình mỗi tháng 2,5%, cao gấp 2,5 lần tốc độ tăng trung bình 10 tháng đầu năm (tăng trung bình 1% mỗi tháng).

Cầu tín dụng tăng nhanh trong khi các ngân hàng đều kích cầu huy động vốn khiến các ngân hàng nhỏ đang khá “căng” về thanh khoản. Chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, thị trường có nhiều dấu hiệu cho thấy tình trạng thiếu hụt thanh khoản.

Cụ thể, lãi suất cho vay liên ngân hàng liên tục tăng cao từ đầu tháng tới nay, có lúc chạm 6% kỳ hạn qua đêm. Lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng tháng 11/2024 chạm mốc 5%.

Dấu hiệu thanh khoản căng thẳng của thị trường còn thể hiện ở việc NHNN tăng mạnh bơm ròng ra thị trường. Tính đến ngày 20/11/2024, NHNN bơm ròng khoảng 110.000 tỷ đồng trên thị trường mở. Tháng trước, NHNN thậm chí phải hút ròng 124.000 tỷ đồng.

Đáng lưu ý, VDSC cho rằng, trong tháng 11/2024, số thành viên tham gia/trúng thầu ở kênh cầm cố luôn ở mức cao. Điều này cho thấy, thanh khoản của hệ thống ngân hàng có dấu hiệu căng thẳng trên diện rộng.

Theo VIS Rating, rủi ro thanh khoản đang gia tăng khi các ngân hàng ngày càng phụ thuộc vào nguồn vốn thị trường ngắn hạn và lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh. Tỷ lệ cho vay trên tiền gửi (LDR) toàn ngành vẫn ở mức cao, đạt 106%. Các ngân hàng nhỏ và vừa (BVBank, ABBanl, LPBank, NamABank, MSB…) phải tăng chi phí huy động vốn cao hơn để duy trì tiền gửi và tăng cường vay liên ngân hàng ngắn hạn.

Thực tế, diễn biến lãi suất huy động của các ngân hàng liên tục đảo chiều trong năm nay. Nếu quý I, các ngân hàng tiếp nối đà giảm lãi suất huy động của năm 2023, thì bắt đầu từ quý II, hàng loạt ngân hàng tăng lãi suất trở lại. Đỉnh điểm có tới 23 ngân hàng tăng lãi suất trong tháng 6. Làn sóng tăng lãi suất chậm dần trong tháng 9, tháng 10 nhờ tỷ giá hạ nhiệt, song lại tăng mạnh trở lại vào tháng 11 cùng với việc nóng lại của tỷ giá.

Theo khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư, chỉ tính từ đầu tháng 11 tới nay, đã có một nửa số ngân hàng trên thị trường tăng lãi suất huy động, trong đó có sự tham gia của nhiều ngân hàng nhỏ như SeABank, BaoViet Bank, GPBank, Nam A Bank, Viet A Bank, ABBank, VietBank… Hiện có tới 13 ngân hàng trên thị trường áp dụng lãi suất tiền gửi kỳ hạn cao nhất trên 6%/năm. 

Tiền gửi vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn

Tính đến giữa tuần qua, lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng vẫn ở mức ngấp nghé 5%, hạ nhiệt so với mức 6% hồi đầu tháng. Tuy nhiên, với áp lực thanh khoản hiện nay, VIS Rating cho rằng, nếu lãi suất liên ngân hàng tiếp tục duy trì ở mức cao trong thời gian tới, rủi ro thanh khoản đối với các ngân hàng nhỏ và vừa sẽ gia tăng.

Dòng tiền thông minh sẽ hướng về ngân hàng.

- PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân (Trường đại học Kinh tế TP.HCM)

Hiện nay, thị trường bất động sản và chứng khoán rất khó khăn, thị trường vàng khó mua - khó bán. Trong khi các kênh đầu tư chưa thực sự bền vững, dòng tiền thông minh sẽ hướng về ngân hàng để chờ đợi một giai đoạn mới với nhiều cơ hội rõ ràng hơn.

Theo nhận định của các công ty chứng khoán, do cầu vốn tăng mạnh, các ngân hàng phải tiếp tục tăng lãi suất huy động từ nay đến hết năm. Dự báo, lãi suất đầu vào của các ngân hàng tăng nhẹ thêm 0,2 điểm % vào cuối năm nay.

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, lãi suất tiền gửi tăng trong bối cảnh các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản đều ảm đạm là dấu hiệu tích cực. Lãi suất huy động tăng giúp tiền gửi tiết kiệm trở thành kênh đầu tư hấp dẫn, cạnh tranh được với các kênh đầu tư khác. Đây cũng là nguyên nhân giúp tiền gửi vào hệ thống ngân hàng từ đầu năm đến nay tăng kỷ lục, thanh khoản ngân hàng được bảo đảm.

Trong khi đó, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển thị trường tài chính và bất động sản toàn cầu, tốc độ tăng lãi suất huy động thời gian tới sẽ phụ thuộc vào cầu tín dụng. Nếu cầu tín dụng bật tăng mạnh thì lãi suất sẽ tăng mạnh theo. Tuy vậy, với sức hấp thụ tín dụng của nền kinh tế hiện nay, dù có cải thiện mạnh mẽ hơn trong 2 tháng cuối năm do yếu tố mùa vụ, cũng sẽ không tạo cú sốc nào về lãi suất cũng như thanh khoản.

Các chuyên gia cho rằng, thanh khoản hệ thống sẽ chỉ biến động mạnh khi dòng tiền dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác. Tuy nhiên, trong bối cảnh các kênh đầu tư đều “tắc” như hiện nay, tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư có lợi nhất, nên thanh khoản dù “căng” song cũng chỉ mang tính cục bộ và sẽ sớm chấm dứt vào đầu năm tới, khi tín dụng vào mùa thấp điểm.

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tăng cường cho vay tiêu dùng, giảm thêm lãi suất cho vay
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng an toàn, trong đó có tín dụng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư