Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Thanh khoản cuối năm neo cao lãi suất
Hà Tâm - 01/10/2019 14:38
 
Không chỉ tỷ giá trở thành hiện tượng của thế giới, mà lãi suất tiền đồng cũng đang “một mình một kiểu” khi liên tục neo cao, bất chấp hàng chục quốc gia trên thế giới đều giảm.
Có nhiều yếu tố khiến lãi suất bị “neo” ở mức cao, bất chấp làn sóng giảm lãi suất trên thế giới.
Có nhiều yếu tố khiến lãi suất bị “neo” ở mức cao, bất chấp làn sóng giảm lãi suất trên thế giới.

Có thực mới vực… lãi suất

Đã hơn 2 tuần trôi qua kể từ khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố giảm 0,25% lãi suất điều hành và đã gần 2 tuần kể từ ngày Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed giảm thêm 0,25% lãi suất USD, chưa có ngân hàng thương mại trong nước nào công bố giảm lãi suất. Thậm chí, nhiều ngân hàng còn tăng lãi suất ở một số kỳ hạn. Điều này cho thấy, các ngân hàng đều đang rất “khát” vốn.

“Có thực mới vực được lãi suất. Lãi suất điều hành giảm, nhưng nếu NHNN bơm mạnh tiền ra thị trường thì mới tác động đến mặt bằng lãi suất huy động, cho vay. Như hiện nay, NHNN chỉ giảm lãi suất mang tính định hướng, tiếp tục siết chặt cung tiền (NHNN vẫn kiểm soát tăng trưởng tín dụng ở mức 14%) thì làm sao lãi suất trên thị trường có thể giảm”, một thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia nhận định.

Hai tuần qua, việc giảm lãi suất điều hành của NHNN đã tác động tích cực lên thị trường liên ngân hàng, khiến lãi suất trên thị trường này hạ nhiệt. Tuy nhiên, thị trường 1 và thị trường 2 ở Việt Nam hầu như không tác động lẫn nhau, nên mặt bằng lãi suất trên thị trường vẫn không thay đổi.

Có nhiều yếu tố khiến lãi suất bị “neo” ở mức cao, bất chấp làn sóng giảm lãi suất trên thế giới. Trong đó, nguyên nhân quan trọng là doanh nghiệp và ngân hàng đều đang rất khát vốn. Việc siết tín dụng bất động sản khiến doanh nghiệp đổ xô phát hành trái phiếu huy động với lãi suất cao, cạnh tranh trực tiếp về nguồn vốn huy động của các ngân hàng.  

Nhu cầu tín dụng của nền kinh tế vẫn rất cao, nên các ngân hàng vẫn phải cạnh tranh để thu hút tiền gửi. Đây là lý do khiến lãi suất khó hạ. Việc NHNN giảm lãi suất điều hành nếu có tác động, thì cũng chỉ có thể làm giảm nhẹ lãi suất ngắn hạn.

Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh

Còn các ngân hàng, ngoài yếu tố mùa vụ (khách hàng yêu cầu chi trả cao cuối năm) thì áp lực huy động vốn trung, dài hạn để đáp ứng Thông tư 36/2014/TT-NHNN đang được dự thảo sửa đổi cũng khiến lãi suất cho vay khó hạ. Dự kiến, Thông tư 36 sửa đổi sẽ quy định giảm tỷ lệ tối đa cho vay trung và dài hạn từ nguồn vốn ngắn hạn xuống 35% hoặc 37% vào ngày 1/7/2020 từ mức 40% hiện nay. Chưa kể, thời hạn thực hiện Basel II đã cận kề (1/1/2019), ngân hàng buộc phải tăng phát hành trái phiếu để tăng vốn cấp 2.

Sự khát vốn của cả ngân hàng lẫn khối doanh nghiệp khiến nhiều chuyên gia kinh tế dự báo, mặt bằng lãi suất huy động có thể tăng thêm từ nay đến cuối năm. Lãnh đạo một số ngân hàng thương mại cho hay, thông thường, nhu cầu vốn dịu đi vào quý II, quý III, nhưng tăng mạnh trở lại trong quý IV hàng năm. Vì vậy, kỳ vọng lãi suất giảm khi ngân hàng chạy nước rút để huy động vốn hiện nay là không khả thi. Thậm chí, không loại trừ tình trạng ngân hàng nhỏ lại dẫn dắt cuộc đua lãi suất huy động.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cho rằng, trước mắt, việc NHNN giảm lãi suất điều hành không tác động nhiều đến tình hình kinh doanh của các ngân hàng. Vì các ngân hàng chủ yếu kinh doanh trên thị trường 1. 

Giảm lãi suất: Sẽ khả thi hơn vào năm 2020

Theo TS. Bùi Quang Tín, chuyên gia ngân hàng, lãi suất cho vay cả năm 2019 sẽ không giảm, bởi chi phí đầu vào của ngân hàng tiếp tục tăng.

Thực tế, nhiều năm gần đây, NHNN luôn truyền tải thông điệp ổn định lãi suất, giảm thêm lãi suất nếu điều kiện thuận lợi để hỗ trợ nền kinh tế (không giảm lãi suất duy ý chí bằng mọi giá). Vì vậy, theo lãnh đạo các ngân hàng, quyết định giảm lãi suất điều hành của NHNN không khác gì định hướng lâu nay của NHNN, có chăng, thời điểm này, còn có thêm ý nghĩa cảnh báo những ngân hàng muốn “vượt rào”.

Từ đầu năm đến nay, đã có hàng chục quốc gia cắt giảm lãi suất. Đáng lưu ý là Fed đã cắt giảm lãi suất 2 lần sau 10 năm im ắng. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng giảm lãi suất về mức âm kỉ lục. Trong khi thế giới ào ào giảm lãi suất, lãi suất tại Việt Nam vẫn đứng yên, thậm chí tăng đều. Vậy khi nào lãi suất tiền đồng có thể giảm theo thế giới?

Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh hiện tại (thanh khoản quý IV bắt đầu căng, chưa kể nhu cầu vốn trung, dài hạn để đáp ứng Dự thảo Thông tư 36 sửa đổi và đáp ứng yêu cầu của Basel II, việc giảm lãi suất là bất khả thi. Tuy nhiên, từ nửa sau năm 2020, khi áp lực về vốn trung, dài hạn phần nào giảm bớt, triển vọng giảm lãi suất sẽ sáng sủa hơn.

Ngoài ra, theo TS. Cấn Văn Lực, để giảm lãi suất, trước hết, cần phải giảm kỳ vọng về lạm phát. Hiện nay, người dân vẫn kỳ vọng lạm phát 4%, cộng thêm dự đoán tiền đồng mất giá khoảng 2%. Vì vậy, để thu hút tiền gửi, ngân hàng vẫn phải đẩy lãi suất lên cao để duy trì “lãi suất thực dương”. Nếu Chính phủ điều chỉnh giảm mục tiêu lạm phát xuống, đồng thời giữ ổn định tỷ giá, kỳ vọng về lãi suất sẽ giảm, thì mục tiêu giảm dần lãi suất trên thị trường sẽ bớt khó khăn hơn.

Thị trường chứng khoán: Dòng tiền nào thúc tăng thanh khoản?
Trên thị trường chứng khoán, khối lượng giao dịch hay tính thanh khoản là một trong những yếu tố quan trọng, có thể xem như chỉ báo tâm lý đầu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư