Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Thành quả từ mục tiêu kép
Mạnh Bôn - 16/01/2023 10:22
 
Sau 2 năm liên tiếp suy giảm, thu nhập của người dân nói chung, người lao động làm công hưởng lương nói riêng trong năm 2022 đã tăng trở lại.

Đây là thành quả từ nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và cả nước nhằm thực hiện mục tiêu kép: vừa chống dịch, vừa duy trì, ổn định và phát triển kinh tế.

Năm 2021, Việt Nam rất tự hào khi vẫn còn là “thành trì” kiên cố trước đại dịch Covid -19, nhưng có một thực tế là thu nhập bình quân đầu người chỉ còn 4,19 triệu đồng/tháng, thu nhập của lao động làm công hưởng lương là 6,62 triệu đồng/tháng. Dù chỉ giảm nhẹ so với năm 2019, nhưng lần đầu tiên sau nhiều năm, thu nhập của người dân Việt Nam bị sụt giảm.

Năm 2022, Việt Nam một lần nữa tự hào khi vượt qua dịch bệnh, mở cửa dần hoạt động kinh tế, xã hội. Việt Nam hiện vẫn là một trong những nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao và là nền kinh tế hiếm hoi trên thế giới có GDP tăng trưởng dương 2 năm liền. Người dân - trung tâm của sự phát triển kinh tế, xã hội - đã được thụ hưởng từ thành quả tăng trưởng kinh tế nói trên.

Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương trong năm 2022  đạt 7,5 triệu đồng/tháng, tăng 992.000 đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 4,6 triệu đồng/tháng, tăng 9,5% so với năm 2021. Như vậy, thu nhập của người dân đã cao hơn trước thời điểm xảy ra đại dịch (năm 2019).

Kết quả trên rất có ý nghĩa khi lạm phát năm 2022 chỉ tăng 3,15%, trong khi lạm phát trở thành nỗi ám ảnh tại nhiều nước trên thế giới, bởi khi lạm phát tăng cao thì thu nhập có tăng cũng không mang lại nhiều ý nghĩa.

Kết quả trên càng có ý nghĩa khi các chỉ số đo lường thị trường lao động (tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm, lực lượng lao động...) năm 2022 rất nhiều gam màu sáng. Bởi thu nhập tăng, nhưng thị trường lao động ảm đạm, thì mức tăng thu nhập chỉ là nhất thời, thiếu ổn định.

Với mức tăng trưởng kinh tế 8,02%, năm 2022, quy mô GDP của Việt Nam tương đương 409 tỷ USD, GDP bình quân đầu người tương đương 4.110 USD, tăng 393 USD (9,5%) so với năm 2021. Điều đó cho thấy, cả quy mô của nền kinh tế, lẫn thu nhập của người dân Việt Nam, dù tính theo giá thực tế hay sức mua tương đương, đã vượt qua Philippines - quốc gia có trình độ kinh tế, quy mô dân số tương đương Việt Nam, cho dù Philippines đi trước nhiều thập kỷ trong phát triển kinh tế.

Rất tự hào khi Việt Nam đạt được kết quả phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao và cải thiện thu nhập, đời sống của người dân như hiện nay. Mặc dù vậy - như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thường xuyên nhắc nhở Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương - là tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn, không quá say sưa với những thành tích, thắng lợi, đừng ngủ quên trên vòng nguyệt quế, bởi đất nước đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.

Khó khăn, thách thức đã hiển hiện ngay đầu năm mới 2023, khi theo thống kê sơ bộ, trong quý IV/2022 đã có trên 637.000 người (không kể hàng triệu lao động phi chính thức), tương đương 4% tổng số lao động trong doanh nghiệp bị cắt giảm giờ làm; tạm ngừng công việc, tạm hoãn hợp đồng do doanh nghiệp thiếu đơn hàng xuất khẩu, không ký được hợp đồng xuất khẩu mới. Cho dù rất nhiều doanh nghiệp nỗ lực bảo đảm cuộc sống, việc làm, lo Tết Quý Mão cho người lao động, song thực tế cho thấy, sức lực của doanh nghiệp có hạn, thách thức lại vô cùng lớn.

Để tập trung toàn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương tổng kết năm 2022 và triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu cả hệ thống chính trị phải chủ động đối với mọi tình huống, đặc biệt là những khó khăn, thách thức mới phát sinh; phải quán triệt thật sâu sắc, tổ chức thực hiện thật nghiêm, thật tốt các chủ trương, đường lối của Đảng và luật pháp, chính sách của Nhà nước về phát triển nhanh và bền vững.

Thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 01 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội , Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh năm 2023, xác định rõ 06 quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành cùng 11 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Nghị quyết yêu cầu, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chủ động theo dõi sát diễn biến trong nước, quốc tế, nâng cao năng lực, tăng cường phân tích, đánh giá, dự báo để có giải pháp kịp thời, tổng thể, đồng bộ, tận dụng thời cơ, thuận lợi, giảm thiểu tác động tiêu cực đối với nền kinh tế và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân...

Đây là sự chủ động ứng phó với mọi tình huống. Chỉ có những quyết sách đúng, đủ, kịp thời mới có thể thực hiện được mong ước và cũng là chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Năm nay nhất định đạt được nhiều thành tích và tiến bộ hơn năm 2022”, đặc biệt là tiếp tục cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân.

IMF: Triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu ngày càng ảm đạm
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo triển vọng kinh tế toàn cầu sẽ ảm đạm hơn so với dự báo của tháng trước, khi các kết quả khảo sát về...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư