Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 03 tháng 02 năm 2025,
Thành tựu và thách thức trong công tác bảo vệ sức khỏe Nhân dân
D.Ngân - 03/02/2025 09:53
 
Theo Bộ Y tế, hiện nước ta đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong việc thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDG) trước thời hạn và trở thành một điểm sáng toàn cầu.

Không dừng lại ở đó, ngành Y tế Việt Nam vẫn tiếp tục nỗ lực không ngừng để đối phó với những thách thức mới về y tế toàn cầu.

Nhờ việc lồng ghép dịch vụ tiêm chủng với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, hệ thống chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em đã được phủ sóng rộng khắp, từ Trung ương đến thôn, bản.

Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em là một trong những mục tiêu hàng đầu của ngành Y tế trong hành trình thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc.

Trong những năm qua, ngành Y tế Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong công tác này, đặc biệt là việc giảm tỷ lệ tử vong ở bà mẹ mang thai và trẻ em.

Cụ thể, theo ước tính của Liên hợp quốc, Việt Nam thuộc nhóm có tỷ lệ tử vong mẹ thấp thứ 4 ở khu vực Đông Nam Á giai đoạn 1990-2017, chỉ sau Singapore, Malaysia và Thái Lan.

Riêng trong năm 2023, tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi ở Việt Nam đã giảm xuống chỉ còn 18,2‰, tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi giảm xuống còn 11,6‰. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng cũng giảm đáng kể.

Công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ trước, trong và sau sinh cũng được chú trọng. Năm 2023, tỷ lệ phụ nữ mang thai được khám thai từ 4 lần trở lên đạt trên 80%.

Tỷ lệ phụ nữ sinh đẻ được nhân viên y tế đỡ đạt trên 94%. Tỷ lệ chăm sóc sau sinh trong 7 ngày đầu đạt khoảng 70%. Tỷ lệ phụ nữ có thai được tiêm đủ mũi vaccine uốn ván đạt 89,5%.

Nhờ việc lồng ghép dịch vụ tiêm chủng với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, hệ thống chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em đã được phủ sóng rộng khắp, từ Trung ương đến thôn, bản.

Các cán bộ làm công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản và bà mẹ - trẻ em tại trạm y tế là hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi. Mạng lưới nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản đã tích cực vận động phụ nữ mang thai đi khám thai, tiêm phòng uốn ván và đưa trẻ đi tiêm chủng.

Ngành Y tế Việt Nam đặc biệt chú trọng phát triển nguồn nhân lực y tế. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc giải quyết tình trạng thiếu hụt 10 triệu nhân viên y tế trên toàn cầu vào năm 2030 là một thách thức lớn đối với các mục tiêu phát triển bền vững trong Y tế. Việt Nam đã thực hiện chiến lược đào tạo nhân lực y tế và phát triển mạnh mẽ các cơ sở đào tạo, mở rộng các chuyên ngành.

Hiện nay, Việt Nam có 214 cơ sở đào tạo nhân lực y tế, bao gồm 66 cơ sở giáo dục đại học, 139 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và 9 viện nghiên cứu có đào tạo tiến sĩ. Số bác sỹ tốt nghiệp năm 2023 là khoảng 11.297, số dược sĩ là 8.470, và số điều dưỡng là 18.178.

Về quy mô tuyển sinh năm 2024, chỉ tiêu tuyển sinh bác sĩ là 16.500, dược sĩ là 13.350, và điều dưỡng đại học là 10.300. Với quy mô đào tạo hiện tại, mục tiêu đạt 14 bác sĩ/vạn dân, 3,08 dược sĩ/vạn dân và 18 điều dưỡng/vạn dân cơ bản đã được đáp ứng.

Các bệnh không lây nhiễm như ung thư, tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính... hiện đang gây ra gánh nặng bệnh tật lớn nhất trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Các bệnh này được gọi là "kẻ giết người thầm lặng" vì tỷ lệ mắc ngày càng cao và hậu quả nghiêm trọng. Tại Việt Nam, các bệnh không lây nhiễm chiếm tỷ lệ lớn trong các bệnh nhân nội trú.

Thói quen sử dụng rượu bia và tỷ lệ hút thuốc lá cao cũng là nguyên nhân chính dẫn đến các bệnh lý như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Công tác phòng ngừa các bệnh không lây nhiễm và cải thiện sức khỏe tâm thần đã được ngành Y tế Việt Nam chú trọng. Nước ta đã ban hành Chiến lược Quốc gia phòng chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 và Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia.

Các biện pháp như tăng thuế rượu bia, tăng cường vận động thể lực cho người dân và triển khai các chương trình dự phòng, quản lý bệnh không lây nhiễm đã được đẩy mạnh tại các cơ sở y tế cơ sở.

Kháng kháng sinh đang trở thành một vấn đề y tế công cộng nghiêm trọng không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu. Việc sử dụng kháng sinh sai mục đích và lạm dụng kháng sinh trong y tế và nông nghiệp là nguyên nhân chính gây ra tình trạng kháng thuốc. Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong trong việc phòng chống kháng kháng sinh.

Bên cạnh đó, ngành Y tế Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu khoa học và đổi mới trong y tế trong những năm gần đây. Việt Nam đã chủ động ban hành các văn bản quy phạm, hướng dẫn để thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ trong y tế.

Các nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ cao trong y tế đang được đẩy mạnh, với mục tiêu tiếp cận trình độ các nước trong khu vực và trên thế giới.

Việt Nam đã làm chủ được nhiều kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị bệnh như ghép tạng, trị liệu tế bào gốc, phẫu thuật nội soi, và các công nghệ sinh học phân tử. Ngành Y tế cũng đang đẩy mạnh nghiên cứu thuốc từ dược liệu trong nước và y học cổ truyền.

Hợp tác quốc tế cũng được tăng cường để phát triển thuốc, vắc-xin và thiết bị y tế mới đáp ứng nhu cầu của mô hình bệnh tật hiện nay.

Chăm sóc sức khoẻ dễ dàng với FWD Bảo hiểm sức khoẻ trực tuyến
Việt Nam đang ghi nhận những dấu hiệu tích cực về nâng cao nhận thức thăm sóc sức khỏe cá nhân và cộng đồng, đặc biệt từ sau đại...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư