Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 07 năm 2024,
Tháo gỡ câu chuyện "con gà - quả trứng", sớm gắn IPO với niêm yết
Thanh Thủy - 23/07/2024 15:21
 
Trong khi doanh nghiệp ngại lên sàn vì chưa thấy nhà đầu tư có thể mua được phần vốn thì từ phía nhà đầu tư mong muốn vào thị trường, vấn đề của họ lại là chưa nhìn thấy cơ hội đầu tư do vắng các doanh nghiệp lớn, tiềm năng.

Đây là một mối quan hệ rất hữu cơ được ông Bùi Hoàng Hải, Phó Chủ tịch UBCKNN nhận thấy qua các trao đổi thực tế với rất nhiều doanh nghiệp cũng như các nhà đầu tư.

Chia sẻ tại Tọa đàm "Thị trường chứng khoán Việt Nam: Động lực mới, cơ hội mới" do Báo Đầu tư tổ chức sáng 23/7/2024, ông Hải cho biết số lượng doanh nghiệp thực hiện chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) và niêm yết thời gian vừa qua không nhiều. Theo đại diện một số doanh nghiệp, nguyên nhân là do họ chưa nhìn thấy khối lượng nhà đầu tư có thể mua được phần vốn lớn, đồng thời, cũng lo ngại về việc cơ cấu sở hữu tại doanh nghiệp bị phân tán. Còn về phía nhà đầu tư, nhất là nhóm nhà đầu tư nước ngoài mong muốn vào thị trường, kỳ vọng của họ là nhìn thấy các doanh nghiệp lớn, những doanh nghiệp tiềm năng thì mới vào thị trường.

Ông Bùi Hoàng Hải, Phó Chủ tịch UBCKNN

“Hiện IPO và niêm yết là 2 quá trình tách biệt, dẫn đến khoảng thời gian giữa thời điểm nộp tiền mua cổ phần và đưa cổ phiếu lên niêm yết khá dài, có thể là 3 tháng hoặc hơn nữa. Đây là rào cản lớn đối với một số quỹ hay các nhà đầu tư quốc tế. Vì vậy, UBCKNN đang rà soát quy định và dự kiến sửa đổi Nghị định 155 để tích hợp IPO và niêm yết. Việc sửa đổi sẽ giúp niêm yết gần như ngay khi có IPO”, ông Hải cho hay. 

Đánh giá cao về giải pháp này, theo bà Lê Thị Lệ Hằng - Giám đốc Chiến lược SSI, việc rút ngắn được thời gian giữa hai quá trình này sẽ là động lực để doanh nghiệp lên sàn nhiều hơn.

Ngoài ra, một thực tế cũng được đại diện SSI chỉ ra là việc các quỹ nội địa tại Việt Nam chỉ dành 10% để đầu tư vào doanh nghiệp chưa niêm yết. Các doanh nghiệp dù đã lên sàn nhưng chưa niêm yết trên HOSE hay HNX thì cũng hạn chế hoạt động đầu tư mua cổ phần của nhóm nhà đầu tư này. 

Thực tế có không ít doanh nghiệp lớn sau khi đăng ký giao dịch vẫn ở sàn UPCoM nhiều năm qua mà chưa chuyển sàn. Về tình trạng này, Phó chủ tịch UBCKNN Bùi Hoàng Hải cho biết, một phần xuất phát từ ý chí doanh nghiệp và cũng có một phần do doanh nghiệp đó chưa đáp ứng được tiêu chuẩn để chuyển sàn niêm yết. 

“Nhiều doanh nghiệp lớn hoạt động kinh doanh tốt nhưng có một số  vấn đề kỹ thuật dù nhỏ nhưng chưa giải quyết được, khiến công ty gặp khó khăn khi chuyển sàn. Như trường hợp của Công ty cổ phần Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR) gặp vướng về mặt kỹ thuật do báo cáo tài chính vẫn còn yếu tố ngoại trừ. Tuy nhiên, theo thông tin tôi nắm được, bản thân doanh nghiệp đã có hướng để xử lý vấn đề này”, ông Hải thông tin.

Cũng theo ông Hải, theo đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán, thị trường sẽ có bước đi để phân chia lại các mảng thị trường và sắp xếp các doanh nghiệp vào bảng phù hợp. Việc sắp xếp chắc chắn dựa trên cơ sở tự nguyện và mức độ phù hợp của doanh nghiệp, không mang tính chất bắt buộc; đồng thời, phải đảm bảo tính ổn định của thị trường.

Chuyển sàn cổ phiếu Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) gặp khó vì 1 điểm ngoại trừ

Theo các điều kiện niêm yết trên HoSE, Lọc hoá dầu Bình Sơn đã đáp ứng 8/9 điều kiện, ngoại trừ tiêu chí "Không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên 1 năm”.

Nguyên nhân do Công ty Cổ phần Nhiên liệu Sinh học Miền Trung - công ty con của Lọc hoá dầu Bình Sơn đang có khoản nợ quá hạn gần 1.100 tỷ đồng với một số ngân hàng, và đang chờ Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi tiến hành xét xử.

Thị trường chứng khoán Việt Nam: Động lực mới, cơ hội mới
Đây là chủ đề Tọa đàm do Báo Đầu tư tổ chức vào 9h30 sáng ngày 23/7/2024, được tường thuật trực tiếp trên các nền tảng của Báo Đầu tư,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư