Thứ Tư, Ngày 16 tháng 04 năm 2025,
Thật, giả trên thị trường đồ dùng cho trẻ em
Anh Hoa - 16/04/2025 15:03
 
Thị trường tã, bỉm cho trẻ em tại Việt Nam đang chứng kiến sự xuất hiện của nhiều sản phẩm gắn mác “nhập khẩu”, dễ gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.
Thị trường đồ dùng cho trẻ em phát triển mạnh trong những năm gần đây
Thị trường đồ dùng cho trẻ em phát triển mạnh trong những năm gần đây

Hàng thật, hàng giả đan xen

Những năm trở lại đây, thị trường đồ dùng cho trẻ em phát triển khá mạnh. Trong đó, riêng những sản phẩm dành cho mẹ và bé nói chung, tã, bỉm nói riêng, trở thành ngành hàng được quan tâm nhiều, thu hút những tên tuổi mới gia nhập thị trường.

Đầu năm ngoái, Công ty TNHH TBW Thế giới trẻ thơ đã mang dòng tã chính hãng Bangbyki về Việt Nam, với tư cách là nhà nhập khẩu và phân phối chính hãng nhãn hàng Bangbyki Thái Lan. Sản phẩm này được nghiên cứu và phát triển bởi Tập đoàn HK Honbo International Supply Chain dành riêng cho thị trường châu Á với những đặc tính hoàn toàn phù hợp với khí hậu và điều kiện tự nhiên của khu vực.

Sản phẩm nhanh chóng thu hút sự chú ý của các bà mẹ bỉm sữa, bởi thương hiệu được đăng ký bảo hộ quốc tế, nguồn gốc sản phẩm rõ ràng, nguyên vật liệu có nguồn gốc từ Nhật Bản và châu Âu, thiết kế hiện đại, công nghệ sản xuất mới nhất.

Sự mập mờ về nguồn gốc xuất xứ không chỉ vi phạm quy định pháp luật về nhãn hàng hóa, mà còn là hành vi gian lận thương mại. Cơ quan chức năng có thể xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí tiêu hủy tùy từng mặt hàng.

Hay như tháng 10/2024, Công ty Tre Việt chính thức ra mắt dòng sản phẩm bỉm Bamboo Pro. Đây là bỉm dành cho trẻ em được sản xuất theo tiêu chuẩn công nghệ Nhật Bản với dây chuyền hiện đại, ứng dụng công nghệ lõi kép 7 lớp giúp bỉm siêu mỏng, nhẹ, thoáng khí, thấm hút tốt hơn tới 30%.

Song, bên cạnh những sản phẩm chính hãng, cũng xuất hiện nhiều thương hiệu “lạ”, có nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng. Các loại bỉm này với bao bì bắt mắt, được quảng cáo là bỉm Hàn Quốc, Nhật Bản, mức giá rẻ hơn hẳn so với các thương hiệu được sản xuất trong nước. Nhiều bà mẹ đã tin tưởng vào những lời quảng cáo “có cánh” và mua về sử dụng. Điển hình như bỉm Gooby bao bì in bằng tiếng Hàn Quốc, mang mã vạch 880 thể hiện xuất xứ tại Hàn Quốc. Sản phẩm được quảng cáo là “tã trẻ em được mẹ Hàn tin tưởng”, “sản xuất theo công nghệ Hàn bởi Tập đoàn VK Trading Hàn Quốc” rầm rộ trên mạng. Nhưng thực tế, đây là tã trẻ em được sản xuất tại Trung Quốc, nhà phân phối độc quyền của bỉm này tại Việt Nam là Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Green Stars (địa chỉ tại quận Hà Đông, TP. Hà Nội). 

Điều đáng nói, công ty này cũng thường “quên” gắn tem phụ bằng tiếng Việt trên bao bì sản phẩm, không ghi công ty nào sản xuất, hay xuất xứ ở đâu, dẫn đến người tiêu dùng ngộ nhận về xuất xứ.

Khi thử tìm dòng chữ “tã bỉm trẻ em Gooby tại Hàn Quốc” và “Tập đoàn VK Trading Hàn Quốc” bằng tiếng Anh trên công cụ tìm kiếm Google và cổng thông tin chính thức của Ủy ban Dịch vụ tài chính Hàn Quốc (DART), thì không thấy bất kỳ website, hình ảnh, thông tin nào về loại bỉm này, cũng như không tìm thấy “Tập đoàn VK Trading” tại Hàn Quốc ngoài các trang bán hàng của Việt Nam.

Hành vi mập mờ về nguồn gốc xuất xứ còn thường được “giấu nhẹm” bằng cách viết tắt “Made in PRC” khiến người tiêu dùng dễ bị đánh lừa. Ví dụ như bỉm Hako, được quảng cáo trên mạng là bỉm của Nhật Bản, nhưng trên vỏ bao bì, phần xuất xứ nhà nhập khẩu lại chỉ in duy nhất dòng chữ “Made in P.R.C”, khiến hầu hết người tiêu dùng không biết là ở đâu.

Theo các doanh nghiệp nhập khẩu và nhà bán lẻ, 3 chữ cái PRC là ký hiệu viết tắt của cụm từ “People's Republic of China” tức Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Như vậy, cụm từ Made in PRC” có nghĩa là các mặt hàng có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc.

Cùng với những sản phẩm chính hãng, thị trường cũng tồn tại không ít hàng nhái
Cùng với những sản phẩm chính hãng, thị trường cũng tồn tại không ít hàng nhái

Thách thức với hàng chính hãng

Ngay sau khi truyền thông phản ánh vấn đề đánh tráo khái niệm này, phía doanh nghiệp bán sản phẩm bỉm Hako đã “đăng đàn” trên panpage của mình. Theo đó, đơn vị nhập khẩu lý giải, từ trước đến nay, trong mắt người tiêu dùng, sản phẩm do Trung Quốc sản xuất luôn là hàng kém chất lượng. Ngay cả những thương hiệu nổi tiếng mà được đặt nhà máy sản xuất tại Trung Quốc cũng khiến người tiêu dùng dè chừng, e ngại.

Như một giải pháp để thay đổi ánh nhìn của người tiêu dùng, các nhà sản xuất Trung Quốc gần đây đã quyết định thay đổi nhãn “Made in China” thành “Made in PRC”, không có sự khác biệt về ý nghĩa giữa 2 cụm từ này.

Tuy nhiên, luật pháp Việt Nam không cho viết tắt trong phần xuất xứ, bởi viết như thế không phải ai cũng hiểu. Vả lại, nếu đơn vị sản xuất, nhập khẩu, phân phối uy tín thì sao không viết rõ xuất xứ của mặt hàng. Minh chứng là các hãng lớn như Samsung đặt nhà máy ở Việt Nam, sản xuất theo công nghệ và tiêu chuẩn Samsung toàn cầu, họ hoàn toàn tự tin ghi xuất xứ “Made in Vietnam”.

Hay như Unicharm Nhật Bản có nhà máy sản xuất ở Bắc Ninh theo tiêu chuẩn và công nghệ của Unicharm Nhật Bản; Tập đoàn Kimberly-Clark, một “ông lớn” đến từ Mỹ trong ngành hàng chăm sóc cá nhân, các dòng sản phẩm mang thương hiệu tã bỉm Huggies được sản xuất trực tiếp tại nhà máy ở Việt Nam, áp dụng công nghệ chuẩn Mỹ, đảm bảo chất lượng không hề thua kém hàng nhập khẩu. Tất cả các nhà sản xuất này đều ghi rõ xuất xứ tại Việt Nam.

Trở lại với các thương hiệu Hako, Gooby nói trên, các nhà nhập khẩu đặt hàng ở một nhà máy của Trung Quốc để sản xuất. Họ muốn đánh đồng để nhằm “nâng tầm” thương hiệu và gây hiểu lầm cho người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ.

Sự mập mờ về nguồn gốc xuất xứ không chỉ vi phạm Nghị định 111/2021/NĐ-CP của Chính phủ về nhãn hàng hóa, mà còn là hành vi gian lận thương mại. Theo luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty luật Thiên Thanh, cơ quan chức năng có thể xử phạt vi phạm hành chính, buộc nhà sản xuất phải ghi đầy đủ nhãn mác, thậm chí có thể tiêu hủy, tùy từng mặt hàng.

Ngoài những sản phẩm quảng cáo là bỉm Nhật Bản, Hàn Quốc, hiện trên nhiều trang mạng xã hội còn bán các sản phẩm quảng cáo là “bỉm nội địa Trung Quốc cao cấp”. Tuy nhiên, sản phẩm không hề có tem mác, nhãn phụ bằng tiếng Việt. Thị trường hiện tràn ngập các thương hiệu với giá thậm chí chỉ bằng một nửa so với bỉm chính hãng như Supdry, Mijuku, Nanu, Hipgig, Mamabear, Bejoyle, Sumikko... Khác với loại bỉm không có tem phụ, hầu hết tã bỉm Trung Quốc đều được ghi tên nhà nhập khẩu trên bao bì sản phẩm, tạo cho các bà mẹ bỉm sữa an tâm về nguồn gốc, xuất xứ. Nhưng khi tìm kiếm tên những thương hiệu bỉm Supdry, Mijuki, Nanu trên các trang thương mại điện tử phổ biến của Trung Quốc thì đều không thấy. Thay vào đó là những lời chào mời gia công bỉm giá rẻ của các xưởng sản xuất ở Quảng Châu, Phúc Kiến với giá chỉ từ 0,02 - 0,1 USD/chiếc (400 đến 2.000 đồng/chiếc).

Những động thái thiếu minh bạch nói trên không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, mà việc sử dụng tã, bỉm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc còn tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe của trẻ nhỏ.

Theo Viện Da liễu Hà Nội, cứ 1.000 bệnh nhân đến khám, thì có 2 trẻ em bị dị ứng với bỉm, chủ yếu do sử dụng sản phẩm kém chất lượng và không đúng cách.

Thống kê cho thấy, sản phẩm dành cho trẻ em đang trong giai đoạn tăng trưởng. Ngành thực phẩm trẻ em được định giá 2,3 tỷ USD; tã và các sản phẩm vệ sinh cho trẻ em đạt tổng cộng 557 triệu USD.

Hầu hết sản phẩm dành cho trẻ em tại Việt Nam đều đến từ các thị trường quốc tế, cung cấp nhiều loại và danh mục đa dạng. Các thương hiệu từ Nhật Bản và Mỹ đã trở nên quen thuộc và được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng như Kimberly Clark với sản phẩm Huggies; Procter & Gamble với Pamper; Diana Unicharm với Bobby; KAO với Merries...

Mặc dù tăng trưởng nhanh, thị trường vẫn phải đối mặt với một số thách thức. Trong đó giá cả là mối quan tâm đáng kể, đặc biệt là trong các gia đình có thu nhập trung bình và thấp. Bởi thế, những sản phẩm giả mạo vẫn còn “đất sống” nhờ ưu thế giá rẻ.

Để giải quyết vấn đề này, các nhà sản xuất cần lưu ý khả năng chi trả của khách hàng, nhưng vẫn phải duy trì chất lượng. “Chất lượng đảm bảo, giá cả phải chăng chính là chìa khóa để chinh phục thị trường tã bỉm hấp dẫn của Việt Nam. Muốn thế, doanh nghiệp phải đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại để hạ giá thành sản phẩm”, một nhà bán lẻ khuyến nghị.

Cơ hội hấp dẫn với thị trường tiêu dùng Việt Nam
Với tốc độ tăng trưởng GDP dự kiến đạt 2 - 7%/năm trong giai đoạn 2023 - 2030 và tầng lớp trung lưu không ngừng gia tăng, Việt Nam là thị trường...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư