Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 13 tháng 11 năm 2024,
Thay đổi tư duy và phương pháp giáo dục
Hàn Tín - 19/11/2018 10:13
 
Những con số mới nhất về số sinh viên chưa tìm được việc làm sau khi ra trường, về tác động của cuộc cách mạng công nghiệp tới lao động trong những ngành thâm dụng nhân công… đang đòi hỏi ngành giáo dục đào tạo phải gấp rút nghiên cứu, thay đổi tư duy và phương pháp đào tạo.

Thống kê của các cơ quan chức năng cho thấy, hiện có hơn 217.000 cử nhân đại học, cao đẳng, trong đó có cả thủ khoa đang thất nghiệp hoặc chưa tìm được chỗ làm ổn định. Trong lĩnh vực đào tạo nghề, số lao động được đào tạo từ 3 tháng trở lên hiện mới chiếm 21% lực lượng lao động. 

.

Giáo dục không phải là lĩnh vực đầu tư, kinh doanh thương mại thuần túy, nhưng với mức đầu tư quá thấp thì khó có thể đòi hỏi được sản phẩm chất lượng cao

Gần đây, còn có những cảnh báo rằng, trong tương lai gần, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ khiến ít nhất 2/3 số lao động trong những ngành thâm dụng nhân công và là thế mạnh của Việt Nam như dệt may, da giày, chế biến thủy sản… mất việc.

Sau hơn 3 thập kỷ đổi mới, Việt Nam đã có những thành tích rất đáng ghi nhận trong các lĩnh vực kinh tế, đối ngoại, xóa đói, giảm nghèo… nhưng giáo dục – đào tạo dường như chưa theo kịp sự tiến bộ của xã hội và sự phát triển như vũ bão của khoa học - công nghệ. 

Cho dù đạt được một số thành công nhất định, cho dù đã có trường đại học lọt vào danh sách những trường đại học uy tín ở khu vực, nhưng trong thời gian dài, ngành giáo dục - đào tạo vẫn loay hoay với đổi mới thi cử, với cải cách sách giáo khoa, với giảm tải, với chống học thêm, dạy thêm… Cho dù đã cố gắng đổi mới nội dung, hình thức lẫn phương pháp giáo dục, nhưng ngành này đã vấp phải không ít phản ứng, thậm chí bị dư luận xã hội “ném đá”...

Dư luận xã hội phản ứng bởi kỳ thi vào lớp 10 năm học 2018-2019 tại Hà Nội, TP.HCM và nhiều đô thị lớn là cuộc chạy đua marathon đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của hàng triệu phụ huynh và học sinh. Dư luận xã hội bức xúc bởi gian lận trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình… đã tiếp cận Công nghiệp 4.0, gây bất bình cho xã hội. Dư luận xã hội bức xúc bởi với thu nhập bình quân đầu người 2.540 USD/năm, nền kinh tế đã ra khỏi danh sách những nước chậm phát triển từ năm 2010, nhưng câu chuyện trường học thiếu nhà vệ sinh vẫn còn làm nóng nghị trường Quốc hội, đến mức đích thân Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phải đi thị sát…

Câu hỏi đặt ra là vì sao lĩnh vực giáo dục không theo kịp với sự phát triển của xã hội trong khi hàng năm ngân sách nhà nước dành ít nhất 20% tổng chi cho ngành này? Vì sao học sinh cả mầm non lẫn học sinh phổ thông đã và đang phải học với 34-40% số giáo viên chưa đạt chuẩn tương đương Singapore, Thái Lan,  Malaysia... chứ chưa nói đến chuẩn giáo viên mầm non, tiểu học của hầu hết các nước phát triển khác như Phần Lan,  Đan Mạch, Thụy Điển, Hà Lan, Anh, Australia, Hoa Kỳ, New Zealand, Hàn Quốc? Vì sao ở bậc đại học, hiện chỉ có khoảng 23% trong số 72.800 giảng viên đạt chuẩn (có trình độ tiến sỹ)?... 

Học sinh như tờ giấy trắng, coi thầy cô giáo như “khuôn vàng, thước ngọc”. Khi “khuôn vàng, thước ngọc” chưa chuẩn thì sẽ khó có một thế hệ học trò chuẩn. Giáo dục là “công xưởng” đào tạo ra nguồn nhân lực. Khi trình độ giảng viên dưới chuẩn thì khó có thể hy vọng về nguồn nhân lực chất lượng cao. 

Ở đây cũng không thể đổ hết lỗi cho ngành giáo dục khi chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam thấp, năng suất lao động thấp, bởi chi phí đào tạo bình quân cho một sinh viên Việt Nam hàng năm mới là 630 USD, quá thấp so với mức 4.000 USD ở Malaysia, 3.500 USD ở Trung Quốc hay 2.500 USD ở Thái Lan, chứ chưa nói đến Hoa Kỳ, Australia, Anh…

Vẫn biết giáo dục không phải là lĩnh vực đầu tư, kinh doanh thương mại thuần túy, nhưng với mức đầu tư quá thấp thì khó có thể đòi hỏi được sản phẩm chất lượng cao.

Vẫn biết, chất lượng giáo dục thấp, chất lượng nguồn nhân lực thấp còn có lỗi của chính phụ huynh học sinh khi hầu hết các bậc cha mẹ đang tạo áp lực lên ngành giáo dục khi cố nhồi nhét kiến thức cho con với mong muốn sau này con cái họ sẽ trở thành kỹ sư, bác sỹ, dược sỹ, cử nhân, nhà văn… . 

Chính bởi vậy, thay đổi tư duy, phương pháp, nội dung, hình thức giáo dục, đào tạo ở cả nhà trường, gia đình và xã hội là điều bắt buộc trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. 

Với riêng ngành giáo dục, chưa cần phải làm những gì to tát khi muốn đổi mới, mà chỉ cần thực hiện cho được các khẩu hiệu do ngành này đặt ra như “Thầy cô mẫu mực, học sinh tích cực”, “Học để biết, học để làm, học để tự khẳng định mình, học để cùng chung sống”, “Học để sẵn sàng khởi nghiệp”... Với gia đình và xã hội, thay đổi tư duy giáo dục phải bắt đầu từ việc bỏ thói hư danh, chạy theo bằng cấp…

Dự thảo  Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học sửa đổi được Quốc hội thảo luận đã tiếp cận gần mục tiêu của một nền giáo dục hiện đại. Đó là đẩy mạnh xã hội hóa, trao quyền tự chủ rất cao cho cơ sở đào tạo nhằm huy động nguồn lực trong xã hội, qua đó phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân. Hy vọng trong tương lai gần, nền giáo dục Việt Nam sẽ có cuộc cách mạng triệt để, từng bước đáp ứng yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.

[Infographic] Xã hội hóa mạnh trong lĩnh vực y tế và giáo dục
Theo điều tra của Tổng Cục thống kê, tại thời điểm 1/7/2017, cả nước có 15,2 nghìn cơ sở khám chữa bệnh và 51,1 nghìn cơ sở giáo dục.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư