Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Thấy gì khi CPI giảm tháng thứ 4 liên tiếp
Minh Nhung - 27/02/2015 06:52
 
() Các chỉ số thống kê cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2015 tiếp tục giảm. Trong lúc này, cần có những hành động chính sách kịp thời và phù hợp.
TIN LIÊN QUAN

Thấy gì khi CPI giảm tháng thứ 4 liên tiếp

TIN LIÊN QUAN
CPI tháng Tết Nguyên đán giảm 0,05%
Chính phủ: Kinh tế không có dấu hiệu giảm phát
Yên tâm hơn với lạm phát, tập trung hơn cho tăng trưởng
CPI giảm không phải do cầu giảm

Tính chung 4 tháng qua, CPI đã giảm 0,19%. Nếu tính sau 1 năm theo thông lệ quốc tế, thì CPI của tháng 2/2015 chỉ tăng 0,34%, thuộc loại thấp và thấp liên tục so với nhiều tháng trước đó (tháng 1/2015 tăng 0,94%, tháng 12/2014 tăng 1,84%, tháng 11/2014 tăng 2,60%, tháng 10/2014 tăng 3,23%...).

Thấy gì khi CPI giảm tháng thứ 4 liên tiếp
Cần có những hành động chính sách kịp thời và phù hợp khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2015 tiếp tục giảm

Như vậy, dù tính theo cách nào, thì CPI trong những tháng qua thuộc loại thấp hiếm thấy, diễn ra liên tục, kéo trong những tháng theo thông lệ thường có nhu cầu tăng cao hơn so với các tháng khác trong năm.

Vậy những yếu tố gì đã tác động đến diễn biến CPI?

Trước hết là quan hệ cung - cầu có một số điểm đáng lưu ý. Cung tăng do tăng trưởng kinh tế năm 2014 cao hơn trước, lương thực, thực phẩm dồi dào, nhập siêu tháng 12/2014 và tháng 1/2015 lên đến gần 1,7 tỷ USD do nhập khẩu tăng cao hơn nhiều lần xuất khẩu (tăng 35,5% so với 9,7%). Hàng hoá phục vụ Tết được chuẩn bị phong phú, đa dạng cả về số lượng, số loại, địa điểm; ở các đô thị lớn tiếp tục có các điểm bán hàng bình ổn giá. Về cầu, một bộ phận dân cư do thu nhập, sức mua có khả năng thanh toán thấp, nên vẫn tiếp tục “thắt lưng buộc bụng”. Bộ phận dân cư có thu nhập sức mua cao do nhu cầu thông thường đã bão hoà thì tập trung cho “chơi Tết” hơn là “ăn Tết”.

Giá cả tàu xe đã được giảm trước đó do giá xăng dầu giảm liên tục trong năm 2014, nên không tăng cao.

Yếu tố quan trọng thứ hai là yếu tố do kinh tế thị trường tạo ra; khi có dấu hiệu khan hàng, sốt giá ở một thời điểm nào đó, ở một địa điểm nào đó, lập tức đã có lượng hàng được đưa đến điều hoà, điều chỉnh ngay.

Yếu tố quan trọng thứ ba là yếu tố tiền tệ - tín dụng. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã chủ động đưa ra một lượng tiền không nhỏ (khoảng 90.000 tỷ đồng), nhưng tốc độ tăng trưởng tín dụng tháng 1 vẫn còn bị âm (âm 0,7%); trong khi tốc độ tăng trưởng huy động tiền gửi vẫn đạt khá. Tiền lương hưu ở Hà Nội mọi năm thường được lĩnh tiền 2 tháng, nhưng năm nay chỉ có 1 tháng; việc tăng lương tối thiểu chưa thực hiện... Đó là chưa nói, có thể có một lượng tiền được đưa vào thị trường chứng khoán, đưa vào thị trường bất động sản...

Từ việc giảm và tăng thấp của CPI ngay từ những tháng có hai Tết Dương lịch và Tết Âm lịch, có thể dự đoán một số tác động đáng lưu ý.

Rõ nhất là người tiêu dùng, nhất là những người có thu nhập thấp, người nghèo... giảm sức ép về giá cả đối với mức sống thực tế của mình. Khi giá giảm hoặc tăng thấp, thì lượng tiêu dùng sẽ tăng lên hoặc không bị sụt giảm. Với những người có thu nhập cao hơn thì có thể mở rộng mặt hàng, chuyển dịch cơ cấu tiêu dùng hoặc dôi ra để dành cho tích lũy, đầu tư...

Các nhà hoạch định, quản lý điều hành có thể yên tâm hơn với lạm phát, để tập trung hơn cho phục hồi tăng trưởng cao hơn theo mục tiêu đề ra cho năm 2015 hoặc dự kiến cao hơn nữa trong 5 năm 2016- 2020; tập trung hơn cho việc cơ cấu lại nền kinh tế, thực hiện 3 đột phá chiến lược, đổi mới mô hình tăng trưởng.

Trong các giải pháp khi CPI tăng thấp, cần quan tâm đến các giải pháp có thể thực hiện ngay. Đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm trên cơ sở giải quyết nhanh nợ xấu, hạ tiếp lãi suất cho vay. Hỗ trợ tài chính theo các giải pháp đã đề ra và bổ sung thêm các giải pháp hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp. Thực hiện sớm quyết định tăng lương tối thiểu mà không sợ lạm phát... Đẩy mạnh mua ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối, tăng độ an toàn tài chính và tính thanh khoản của quốc gia...  Nhưng cũng đến lúc cần phòng tránh các nguy cơ hiện hữu, trong đó nổi lên là nguy cơ thiểu phát, giảm phát; nguy cơ kinh tế trì trệ; nguy cơ tụt hậu xa hơn; nguy cơ sập bẫy thu nhập trung bình...

Minh Nhung

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư