Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Thấy gì từ dự thảo bộ chỉ số mới và kế hoạch năm 2021?
Minh Nhung - 18/10/2020 09:37
 
Bộ chỉ số mới và chỉ tiêu kế hoạch năm 2021 được Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự thảo, trưng cầu để trình Chính phủ, Bộ Chính trị cho ý kiến, trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm.
.
Dự thảo Bộ chỉ số mới và chỉ tiêu kế hoạch năm 2021 sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm.

Dự thảo trên đã được nhiều người, kể cả các chuyên gia tham gia ý kiến. Tại phiên họp thứ 49 hôm 13/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã thảo luận về các nội dung của Dự thảo.

Về dự thảo bộ chỉ số mới

Nhìn tổng quát, phải nói rằng, bộ chỉ số mới đã được điều chỉnh theo hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ số lượng, chiều rộng sang chất lượng, chiều sâu và phát triển bền vững. Đây là sự đổi mới tư duy tích cực hơn trước, giảm bớt các chỉ số phản ánh hiện vật, sơ cấp, tăng chỉ số phân tích, chất lượng.

Đi vào cụ thể, việc thêm chỉ số tỷ trọng đóng góp của Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tốc độ tăng tưởng GDP là cần thiết, bởi đây là chỉ số phản ánh chất lượng tăng trưởng kinh tế. Chỉ tiêu này đã thể hiện sự đóng góp của hiệu quả đầu tư và tăng năng suất lao động, trên cơ sở ứng dụng, phát triển của khoa học - công nghệ, quản lý. Từ TFP, có thể biết được tỷ trọng đóng góp của 2 yếu tố số lượng, chiều rộng là tăng số lượng vốn đầu tư và tăng số lượng lao động đang làm việc (lấy 100% - TFP).

Việc thêm chỉ số tốc độ tăng năng suất lao động là cần thiết, bởi mức năng suất lao động của Việt Nam còn rất thấp so với các nước, trong khi số lao động đang làm việc tăng chậm lại và có thể sẽ giảm như nhiều nước khi tỷ suất sinh tiếp tục giảm.

Về dự thảo chỉ tiêu kế hoạch 2021

Theo dự thảo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tốc độ tăng GDP dự kiến 6-6,5%. Điều này có thể được coi là có tính khả thi theo 2 góc độ: đà tăng trưởng cao lên trong quý III/2020, được tiếp tục trong quý IV và sẽ tạo điều kiện để năm 2021 tăng trưởng cao hơn; khi số gốc so sánh của năm 2021 là năm 2020, quy mô GDP đã bị co lại, sẽ là điều kiện để năm 2021 tăng cao hơn.

Tuy nhiên, nếu chủ quan với diễn biến dịch bệnh Covid-19 trên thế giới và trong nước và sự kiểm soát ở trong nước và trên thế giới bị lơ là, thì tốc độ tăng GDP mục tiêu theo dự thảo trên thực hiện không dễ.

Về GDP bình quân đầu người, hiện có nhiều ý kiến nhất. Các ý kiến tập trung chủ yếu là mức 3.700 USD. Nhưng nói rằng, tăng 1.000 USD so với năm trước là không đúng, bởi đó là so với năm 2019, còn so với năm 2020 (tác giả ước tính đạt khoảng 2.800 USD), thì chỉ tăng 900 USD, hay tăng 32%.

GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá trung tâm VND/USD tăng với tốc độ trên, thì GDP tính theo giá thực tế phải tăng cao hơn, vì còn phải giảm trừ do tốc độ tăng dân số (hiện tăng khoảng 1,1%) và tốc độ tăng tỷ giá VND/USD (theo định hướng tăng khoảng 2%) - tức là GDP tính theo giá thực tế phải tăng khoảng 36,2%.

Có lẽ Dự thảo đã tính đến quy mô GDP tính lại bằng VND theo giá thực tế sẽ cao lên như trước đây Tổng cục Thống kê đã đề cập. Con số cao lên do tính lại bình quân trong mấy năm qua do Tổng cục Thống kê đưa ra chỉ vào khoảng 27%.

Căn cứ vào các số liệu kế hoạch dự thảo và các thông tin trên, tác giả dự tính, GDP tính theo giá so sánh tăng 6-6,5% và chỉ số giảm phát khoảng 4%, thì GDP tính theo giá thực tế tăng 10,2-10,8%. Nếu tính lại GDP (tăng 27%), thì GDP tính theo giá thực tế tăng 40%; nếu loại trừ tốc độ tăng tỷ giá, tăng dân số thì tăng khoảng 35,9%.

Với GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá trung tâm năm 2020 ước đạt 2.800 USD, với tốc độ tăng 35,9%, thì năm 2021 sẽ vào khoảng trên 3.800 USD. Theo đó, nếu dự thảo đưa ra mức 3.700 USD sẽ không phải là cao. Vấn đề đặt ra là, phải điều chỉnh hệ thống số liệu về chỉ tiêu này trong các năm trước để bảo đảm so sánh…

Bội chi ngân sách năm 2020 có thể lên đến 5,59% GDP
Khi chưa có Covid-19, Quốc hội quyết định dự toán bội chi NSNN năm 2020 là 234,8 nghìn tỷ đồng, bằng 3,44% GDP, nhưng dịch covid-19 làm ảnh hưởng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư