Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Thay vì “giữ chân”, tránh “chảy máu chất xám”, Việt Nam cần chuyển sang “thu hút” startup
Nguyễn Ngân - 07/08/2023 21:34
 
Những chính sách khuyến khích, tạo hứng thú cho doanh nghiệp dám dấn thân đổi mới sáng tạo không chỉ giữ chân mà sẽ thu hút giới khởi nghiệp sáng tạo đến Việt Nam.

“Vén màn” mô hình đổi mới sáng tạo

"Chúng ta nói rất nhiều về đổi mới sáng tạo, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng hiểu đúng, áp dụng đúng cách".

Đây là nhận định của ông Albert Antoine, Đồng sáng lập, Giám đốc điều hành Avaiga.com khi chia sẻ về sự kiện quốc tế InnoEx 2023 của Việt Nam. Ông Albert cũng là Cố vấn chiến lược về Đổi mới sáng tạo, Trí tuệ nhân tạo (AI) và Khoa học Dữ liệu cho Văn phòng Thủ tướng Singapore và nhiều công ty lớn của châu Á.

Theo ông Albert, thành công của mô hình đổi mới sáng tạo tại Singapore phải kể đến sự hậu thuẫn của Chính phủ trong việc tạo điều kiện cho các ý tưởng đổi mới sáng tạo nhanh chóng được thử nghiệm và ứng dụng. Vì vậy, bài học trong giới khởi nghiệp Singapore chia sẻ không chỉ là thành công mà còn có nhiều thử nghiệm thất bại.

“Chính phủ Singapore có nhiều sáng kiến thúc đẩy đổi mới - sáng tạo như tài trợ chi phí để doanh nghiệp tổ chức quảng bá sản phẩm ở nước ngoài, trả tới 50% chi phí cho doanh nghiệp để đầu tư sản phẩm chuyển đổi số đầu tiên, hay có đội ngũ kinh doanh, tiếp thị để hỗ trợ doanh nghiệp”, ông Albert Antoine chia sẻ.

Các doanh nghiệp Việt khó đổi mới sáng tạo theo hướng mình muốn vì gặp khó khăn khi kêu gọi vốn, phải xoay xở vừa phát triển sản phẩm, vừa lo tài chính cùng lúc, “lấy ngắn nuôi dài”.
Các doanh nghiệp Việt khó đổi mới sáng tạo theo hướng mình muốn vì gặp khó khăn khi kêu gọi vốn, phải xoay xở vừa phát triển sản phẩm, vừa lo tài chính cùng lúc, “lấy ngắn nuôi dài”.

Đối chiếu với Việt Nam, theo chuyên gia, doanh nghiệp Việt khó đổi mới sáng tạo vì khó từ kêu gọi vốn, từ tìm kiếm mô hình, nghĩa là "vừa lo tài chính, vừa đổi mới sáng tạo", nhiều khi phải “lấy ngắn nuôi dài”, nên mới có tình trạng doanh nghiệp học và sao chép các mô hình kinh doanh của các công ty nước ngoài, chấp nhận đổi mới nhưng không bắt đầu từ cốt lõi.

Tuy nhiên, ông Trương Quốc Hùng (Steven Truong), Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành tại VinBrain, Vingroup phân tích, hợp lực giữa tập đoàn công nghệ lớn với các startup là một mô hình đổi mới sáng tạo thành công trên thế giới có thể học tập.

Ông Hùng từng dẫn dắt đội ngũ phát triển tại Microsoft, khởi xướng nhiều đổi mới quan trọng cho các sản phẩm AI sử dụng bởi hàng triệu người dùng trên thế giới như Email Smart Reply và iRanker.

Một ví dụ điển hình chứng minh thành công của mô hình đổi mới liên kết giữa tập đoàn và startup là cú bắt tay giữa OpenAI và ông lớn công nghệ lớn nhất thế giới Microsoft, tạo ra một giải pháp Trí tuệ nhân tạo đột phá có tầm ảnh hưởng tới tất cả mọi ngành nghề trên thế giới, thu hút trăm triệu người dùng chỉ sau vài tháng.

“Mô hình kết hợp giữa startup và tập đoàn đã tận dụng thế mạnh dám làm, dám mạo hiểm, có thể triển khai nhanh của startup. Việt Nam cần một nền tảng, một cầu nối giữa tập đoàn muốn đổi mới sáng tạo và các doanh nghiệp, startup để cùng tìm ra lời giải cho các bài toán khó, tạo nên đột phá.”, ông Hùng nhấn mạnh.

Cú hích kịp thời khơi thông thị trường

Giới khởi nghiệp đang đặt nhiều kỳ vọng vào Nghị quyết 98 về các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM vừa có hiệu lực, khi có nhiều chính sách mới cho đổi mới sáng tạo.

Cụ thể, Nghị quyết 98 quy định miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời hạn 5 năm cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tổ chức khoa học và công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo, tổ chức hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. TP.HCM sẽ tập trung hơn nữa về mặt cơ chế và chính sách thu hút các nguồn lực đầu tư toàn xã hội, tháo gỡ vướng mắc về thủ tục dự án và thí điểm các hình thức đầu tư mới.

“Đã đến lúc Việt Nam thay vì “giữ chân” các doanh nghiệp khởi nghiệp, tránh “chảy máu chất xám”, chuyển sang “thu hút”, tức là có những chính sách thuận lợi để khuyến khích, tạo hứng thú cho doanh nghiệp dám dấn thân đổi mới sáng tạo”, chuyên gia Albert Antoine nhận định.

Vào thời điểm hiện tại, ông Albert cho rằng, Chương trình như InnoEx cũng là cơ hội để tập hợp cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia, lãnh đạo quốc tế và Việt Nam, đưa ra các sáng kiến, ý tưởng mới, từ đó tận dụng cánh cửa mở đường từ Nghị quyết 98, đưa hệ sinh thái Việt Nam phát triển lên một tầm cao mới đạt tiêu chuẩn quốc tế.

InnoEx 2023 sẽ được tổ chức từ 24/8 đến 25/8 với hơn 2.000 chuyên gia quốc tế, doanh nhân, lãnh đạo các doanh nghiệp và các nhà đầu tư từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hong Kong (Trung Quốc)...
200 công ty tham gia Triển lãm sẽ giới thiệu các giải pháp công nghệ và sản phẩm đổi mới sáng tạo;
Trong khuôn khổ InnoEx có nhiều sự kiện đáng chú ý, như Diễn đàn Vietnam CEO Forum, InnoEx Forum; Investment Zone và Startup Wheel - Đấu trường của 110 công ty khởi nghiệp và công ty công nghệ quốc tế triển vọng nhất, được tuyển chọn từ 2.000 ứng viên tham gia từ 34 quốc gia.
Chương trình Green Innovation Fellowship hỗ trợ doanh nghiệp theo đuổi chiến lược tăng trưởng xanh và Talent Hub - Nơi hội tụ các trường đại học, nhà giáo dục hướng tới mục tiêu ươm mầm thế hệ đổi mới sáng tạo mới cũng được tổ chức.

Với quy mô quốc tế và sự tập hợp đầy đủ các thành tố trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, InnoEx được kỳ vọng sẽ cung cấp nhiều thông tin hữu ích và thực tế, khơi thông các nguồn lực đổi mới sáng tạo và lan toả tinh thần sáng tạo, dấn thân, đổi mới trong cộng đồng doanh nghiệp Việt để chạm đến tầm cao mới.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Khởi nghiệp nông nghiệp không nên là "sân chơi"
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, không nên xem khởi nghiệp nông nghiệp là "sân chơi", mà cần phải làm thật, tạo...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư