-
Vietjet xin đầu tư xây dựng hangar bảo dưỡng tàu bay tại Sân bay Đà Nẵng -
Lập Hội đồng thẩm định Quy hoạch tuyến đường sắt kết nối Lào Cai với Quảng Ninh -
Doanh nghiệp Hàn Quốc muốn mở rộng đầu tư, chuyển giao công nghệ cho Việt Nam -
Quảng Ninh: Chuẩn bị đưa Nhà máy ôtô Thành Công Việt Hưng tại Khu công nghiệp Việt Hưng vào hoạt động -
Ứng trước hơn 410 tỷ đồng cho Dự án nâng cấp Quốc lộ 91, TP. Cần Thơ -
Đà Nẵng cấp mới 60 dự án vốn FDI
Phú Quốc được quy hoạch là một trong ba đặc khu kinh tế ở Việt Nam, bên cạnh Bắc Vân Phong và Vân Đồn. Ảnh: Đ.T |
Sau nhiều chờ đợi, cuối cùng Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đã chính thức được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến trước khi trình Quốc hội xem xét vào kỳ họp cuối năm nay. Và một tư tưởng đổi mới quan trọng - được thể hiện rõ trong Dự thảo Luật - đó là Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chính thức đề xuất xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương đặc khu theo hướng không có cấp chính quyền địa phương và do đó, sẽ không có cả HĐND và UBND. Thay vào đó, sẽ có một thiết chế đặc biệt, được gọi là Trưởng đơn vị, có bộ máy giúp việc và các cơ quan chuyên môn.
“Đã là đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt thì phải có 3 yếu tố đặc biệt. Đó là chính sách kinh tế - xã hội phải vượt trội so với trong nước, đảm bảo cạnh tranh quốc tế và quan trọng là phải đặc biệt về tổ chức chính quyền địa phương để phù hợp với các chính sách đặc biệt kia. Mô hình tổ chức chính quyền, tổ chức tòa án là quan trọng nhất, còn các yếu tố như ưu đãi đầu tư chỉ xếp sau”, đại diện Ban soạn thảo Luật cho biết.
Trưởng đơn vị được trao 116 thẩm quyền
Một nội dung quan trọng trong Dự thảo Luật và cũng được dư luận quan tâm lâu nay, đó là Trưởng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sẽ được trao quyền đến đâu, bởi nếu không, với cách thiết kế hiện nay - đặc khu trực thuộc tỉnh, chứ không phải là Trung ương - thì rất dễ dẫn đến trường hợp “chẳng có gì đặc biệt”.
Tuy nhiên, sẽ có tới 116 thẩm quyền (ra quyết định của chính quyền theo quy định) trên 13 lĩnh vực, như tài chính, ngân sách, đầu tư công, đầu tư kinh doanh, quy hoạch, xây dựng, đô thị, nhà ở và bất động sản, tài nguyên, môi trường, giao thông vận tải, công nghiệp... Trưởng đơn vị có thể ra quyết định đầu tư đối với ngay cả các dự án nhóm A, trừ các dự án quan trọng cấp quốc gia.
Ngoài các thẩm quyền này, theo Dự thảo Luật, Trưởng đơn vị còn “nắm trong tay” phần lớn thẩm quyền của HĐND và toàn bộ thẩm quyền của UBND và Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã...
“Không chỉ trao nhiều quyền tự quyết cho Trưởng đơn vị, mà điều quan trọng, theo quy định của Dự thảo Luật, nếu các luật khác có các quy định khác so với quy định của luật này, thì sẽ áp dụng theo luật này, mà không cần phải sửa đổi luật”, đại diện Ban soạn thảo nói. Thậm chí, Trưởng đơn vị còn có thể ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định các trình tự, thủ tục hành chính trong phạm vi thẩm quyền của mình. Quy định như vậy có nghĩa là trao quyền tự quyết rất lớn cho Trưởng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Các đề xuất mang tính đột phá trên đã nhận được sự đồng tình rất lớn từ các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo ông Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, bộ máy đầy đủ mà không cải tiến, cải tổ thì lại quay về như cũ, không có gì là đặc biệt”.
Hai Phó chủ tịch Quốc hội là ông Phùng Quốc Hiển và ông Đỗ Bá Tỵ cũng đồng tình với phương án “bộ máy gọn nhẹ”. “Phải đột phá, cơ chế phải thoáng; tổ chức như những nơi khác thì cuối cùng vẫn thế”, ông Tỵ nói và bày tỏ sự tiếc nuối khi Phú Quốc “diện tích kém Singapore một chút, nhưng bao nhiêu năm qua chưa phát triển nhảy vọt được, dù người tài và nước ngọt không thiếu”.
Khẳng định từ Ban soạn thảo, đó là đề xuất xây dựng chính quyền địa phương theo mô hình thiết chế đặc biệt như vậy là không trái quy định của Hiến pháp. Tuy nhiên, do vẫn còn những ý kiến trái chiều, nên khả năng, Ban soạn thảo sẽ báo cáo Chính phủ phương án 2, đó là sẽ tổ chức chính quyền địa phương ở 1 cấp là cấp đặc khu, chứ không có ở cấp huyện, xã. “Nhưng quan điểm của chúng tôi vẫn là tổ chức mô hình chính quyền đặc khu không HĐND, không UBND, mà chỉ có thiết chế Trưởng đơn vị”, đại diện Ban soạn thảo cho biết.
Trên thực tế, ngay từ khi ý tưởng thành lập các đặc khu được đề cập, các chuyên gia kinh tế cho rằng, điều quan trọng nhất là các đột phá về thể chế. Không có thể chế đặc biệt, không thể hình thành được các đặc khu. Nghị quyết Trung ương 5, Khóa XII của Đảng mới đây cũng đã xác định, “xây dựng một số đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt với thể chế vượt trội để tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy thuộc hệ thống chính trị”.
Khó nhất là tìm Trưởng đơn vị
Đồng tình với phương án trao quyền cho các Trưởng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, song khi thảo luận tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào đầu tuần này, không ít quan điểm cho rằng, cùng với việc trao quyền, thì phải thực hiện giám sát quyền lực của các Trưởng đơn vị này như thế nào.
“Một người có thể được trao quyền rất lớn, nhưng việc kiểm soát quyền lực cũng phải đặc biệt để hành động vì lợi ích quốc gia, chứ không lồng lợi ích cá nhân”, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã nói như vậy.
Còn Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, việc tập trung 116 thẩm quyền trên 13 lĩnh vực cho chức danh Trưởng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, nhưng không có cơ chế giám sát quyền lực ngang cấp, tại chỗ, mà thực hiện giám sát từ trên xuống sẽ không tránh khỏi hình thức, dễ dẫn tới tình trạng lạm quyền, mất dân chủ.
Tương tự, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt bày tỏ sự đồng tình với mô hình của Chính phủ là “trao quyền cho ông trưởng đặc khu”, tuy nhiên cần tổ chức cơ chế giám sát quyền lực. “Các nước thường tổ chức đặc khu chặt về chính trị, quốc phòng, an ninh, nhưng mở về kinh tế”, ông Việt nói.
Thừa nhận điều này, Ban soạn thảo Luật cho biết, sẽ tiếp thu ý kiến để bổ sung Dự thảo Luật các quy định liên quan đến giám sát quyền lực của Trưởng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Nhưng việc này xem ra lại còn đơn giản hơn cả việc tìm được người ngồi vào vị trí Trưởng đơn vị.
“Đó phải thực sự là một người tài, có tầm nhìn, am hiểu các vấn đề phát triển kinh tế thế giới, cũng như ở địa phương... Cơ chế mở và đột phá, nhưng không có người lãnh đạo giỏi thì cũng ì ạch”, vị này nói.
Theo quy định của Dự thảo Luật, dù Trưởng đơn vị do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, nhưng lại do lãnh đạo tỉnh đề xuất. Do vậy, chọn được người tài hay không, phụ thuộc rất lớn vào lãnh đạo địa phương. Vị trí Trưởng đơn vị có vai trò rất lớn quyết định sự phát triển của các đặc khu.
Không quan trọng trực thuộc tỉnh hay Trung ương
Một trong những vấn đề được dư luận rất quan tâm hiện nay, đó là các đặc khu kinh tế này sẽ trực thuộc tỉnh hay Trung ương. Theo Dự thảo hiện tại, đặc khu trực thuộc tỉnh. “Điều này đã được Bộ Chính trị thảo luận và quyết định. Chúng tôi đang bám sát chỉ đạo này của Bộ Chính trị để dự thảo Luật”, đại diện Ban soạn thảo cho biết.
Tuy nhiên, nhiều quan điểm cho rằng, nên để đặc khu trực thuộc Trung ương, vì như thế “mũ áo” sẽ chật. Thậm chí, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng, nếu đề xuất đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trực thuộc cấp tỉnh thì lại giống mô hình khu kinh tế như ngày xưa. Do vậy, nên để Trung ương quản lý.
Mặc dù vậy, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện Ban soạn thảo cho rằng, không quan trọng là trực thuộc Trung ương hay tỉnh, mà là trao quyền cho các đặc khu thế nào. Theo quy định hiện tại, Trưởng đơn vị được trao rất nhiều quyền, thậm chí, có nhiều thẩm quyền, Trưởng đơn vị còn vượt trên cả lãnh đạo tỉnh. Và dù theo quy định hiện tại, đặc khu trực thuộc tỉnh, nhưng lãnh đạo tỉnh sẽ không được can thiệp vào các thẩm quyền giải quyết công việc của Trưởng đơn vị. Nếu Trưởng đơn vị làm không tốt, tỉnh có thể đề xuất thay thế, chứ không được can thiệp vào công việc nội bộ của đặc khu.
“Ban đầu nên gắn với tỉnh, vì hiện tại, mô hình đặc khu đang phát triển từ mô hình khu kinh tế đi lên, đang trực thuộc tỉnh và họ có nhiều thuận lợi trong công tác tổ chức, sắp xếp, kể cả về dân cư, đất đai. Kinh nghiệm quốc tế cũng vậy. Ví dụ, Thẩm Quyến ban đầu cũng thuộc tỉnh rồi dần dần mới mở rộng quy mô. Ba đặc khu của mình quy mô không phải là lớn. Chúng ta vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm nên bước đi cũng phải dần dần”, đại diện Ban soạn thảo nói và cho rằng, khi các đặc khu phát triển mạnh, có thể xem xét sửa đổi Luật.
“Cũng đừng coi việc sửa đổi Luật là nặng nề. Ví như luật của Hàn Quốc về tỉnh tự trị Jeju, trong vòng 10 năm, họ sửa tới 6 lần. Các nước khác cũng sửa luật rất nhiều”, vị này nói.
Luật Đơn vị hành chính - kinh tế của Việt Nam trong quá trình dự thảo đã tham khảo khá nhiều Luật về tỉnh tự trị Jeju. Nhưng vì là luật của cả một tỉnh tự trị, nên chính quyền Jeju được trao tới 363 quyền, 1.196 thẩm quyền. Trong khi đó, Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm, tập trung phát triển các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt theo hướng tạo các cực tăng trưởng kinh tế, nên xây dựng thẩm quyền đặc biệt cho tổ chức bộ máy cũng là để hỗ trợ các hoạt động đầu tư kinh doanh.
“Nếu hỏi Dự thảo Luật đã tạo thể chế đủ mạnh để phát triển các đặc khu chưa, thì câu trả lời là rồi”, đại diện Ban soạn thảo nhấn mạnh.
-
Vietjet xin đầu tư xây dựng hangar bảo dưỡng tàu bay tại Sân bay Đà Nẵng -
Lập Hội đồng thẩm định Quy hoạch tuyến đường sắt kết nối Lào Cai với Quảng Ninh -
Doanh nghiệp Hàn Quốc muốn mở rộng đầu tư, chuyển giao công nghệ cho Việt Nam -
Quảng Ninh: Chuẩn bị đưa Nhà máy ôtô Thành Công Việt Hưng tại Khu công nghiệp Việt Hưng vào hoạt động
-
Ứng trước hơn 410 tỷ đồng cho Dự án nâng cấp Quốc lộ 91, TP. Cần Thơ -
Đà Nẵng cấp mới 60 dự án vốn FDI -
Vì sao Dự án Thoát nước và vệ sinh môi trường đô thị Núi Thành chậm tiến độ? -
Thêm doanh nghiệp đề xuất dự án năng lượng tái tạo tỉnh Ninh Thuận -
Hơn 2.300 tỷ đồng đầu tư vào công nghiệp Bình Thuận -
TP.HCM đề xuất chi 1.850 tỷ đồng vốn ngân sách đầu tư nhà thi đấu Phan Đình Phùng -
Làm rõ suất đầu tư Dự án cao tốc Quy Nhơn - Pleiku vốn 35.940 tỷ đồng
-
1 Tin vắn Đầu tư Online ngày 22/11 -
2 Thời gian vận hành chính thức tuyến metro số 1 TP.HCM -
3 Lập liên doanh phát triển công nghiệp đường sắt: Rõ dần phương hướng -
4 Công chức không ăn vài trăm năm mới mua được nhà, sao không mở rộng đất cho nhà ở xã hội? -
5 Làm rõ suất đầu tư Dự án cao tốc Quy Nhơn - Pleiku vốn 35.940 tỷ đồng
- SeABank ưu đãi lãi suất 0% cho khách hàng vay mua căn hộ tại dự án Newtown Diamond
- Giải Golf ngành Nhôm - Kính - Cửa toàn quốc 2024: Hứa hẹn nhiều bất ngờ và trải nghiệm thú vị
- NAB Vietnam nhận giải thưởng “Doanh nghiệp xuất sắc châu Á” tại APEA 2024
- SeABank thông báo mời thầu
- Huawei Việt Nam chính thức khởi động cuộc thi ICT Competition 2024 - 2025
- Ấm lòng lễ tri ân của CT Group đến các thầy cô giáo