-
Nhiều mặt hàng đối mặt thách thức, nhưng vàng sẽ tiếp tục "lấp lánh" trong năm 2025 -
Thấy gì từ việc Mỹ ngăn chặn thương vụ 15 tỷ USD của Nippon Steel? -
FAO: Chỉ số giá lương thực thế giới hạ nhiệt trong tháng 12/2024 -
Ngành sản xuất chế tạo châu Á đối diện rủi ro thương mại -
Năm 2025, thị trường trái phiếu Mỹ đối mặt với gánh nặng nợ đáo hạn -
Donald Trump và thương chiến Mỹ - Trung 2.0: Thế giới nay đã khác
COVID-19 đã làm cả thế giới đảo lộn và tê liệt (Nguồn: TTXVN) |
Nếu như vào cuối năm 2019, giới chuyên gia đã từng đưa ra dự báo về những gam màu lạc quan trong bức tranh triển vọng thế giới năm 2020, như sự thịnh vượng toàn cầu đang tăng lên, các quốc gia đều cải thiện điều kiện sống, xung đột bạo lực giảm bớt…, thì một cú sốc không thể lường trước đã ập đến.
Đó là sự xuất hiện và lây lan tới chóng mặt, vượt ra ngoài biên giới của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Từ đây, COVID-19 đã làm cả thế giới đảo lộn và tê liệt.
Cuộc sống đảo lộn
Cuối năm 2019, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) bắt đầu xuất hiện căn bệnh lạ gây viêm phổi cấp, căn bệnh mà ở thời điểm vẫn chưa ai biết được rằng nguyên nhân của nó chính là do virus SARS-CoV-2 gây ra. Không ai có thể ngờ rằng, căn bệnh đó sau này đã bùng phát trở thành đại dịch toàn cầu và sau một năm hoành hành, đến nay nó đã khiến hơn 72,6 triệu người trên thế giới nhiễm bệnh và cướp đi sinh mạng của hơn 1,6 triệu người. Thế giới vẫn chưa được một ngày bình yên kể từ khi COVID-19 xuất hiện.
Từ tâm dịch Vũ Hán, virus SARS-CoV-2 đã nhanh chóng lây lan và đến nay đã xuất hiện ở 220 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 56,6 triệu ca nhiễm và 1,35 triệu trường hợp tử vong. Cú sốc COVID-19 đã buộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phải ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu ngày 30/1, rồi sau đó xác nhận đây là đại dịch toàn cầu vào ngày 11/3.
Hàng trăm nghìn người phải nhập viện vì virus SARS-CoV-2 (Nguồn:TTXVN) |
Việc WHO công bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu sau 3 tháng kể từ khi căn bệnh này xuất hiện đã phản ánh khả năng lây lan virus trên diện rộng về mặt địa lý khiến WHO lo ngại và mục đích của WHO là mong muốn tất cả các nước trên thế giới cần có hành động khẩn cấp và quyết liệt để kiểm soát tình hình và khống chế sự lây lan của virus.
Tuy nhiên, có thể thấy con virus SARS-CoV-2 tuy bé nhỏ nhưng lại biến ảo vô cùng khó lường. Trong 12 tháng qua, đã có lúc dịch có dấu hiệu lắng xuống như ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, hay các nước châu Âu, nhưng rồi sau đó lại nhanh chóng bùng phát trở lại. Rất nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là châu Âu hiện đang phải đối mặt với làn sóng COVID-19 thứ hai, thậm chí thứ ba, gia tăng đến chóng mặt.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo tốc độ gia tăng theo cấp số nhân số ca mắc mới COVID-19 kể từ đầu tháng 10. Sau 1 năm, hiện Mỹ vẫn đang là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19, tiếp sau đó là Ấn Độ, Brazil, Nga, Pháp, Anh, Italy
Ở châu Âu, làn sóng dịch thứ hai đang phủ bóng đen lên toàn bộ châu Âu khi châu lục này liên tục "lập kỷ lục buồn" về số ca mắc mới mỗi ngày cao nhất thế giới. Khu vực châu Á kể từ tháng 10 cũng liên tục ghi những "dấu mốc buồn" khi châu lục đông dân nhất thế giới này trở thành khu vực thứ hai có hơn 10 triệu ca nhiễm, chỉ sau Mỹ Latinh…
Đánh giá về sự đảo lộn cuộc sống do COVID-19 mang lại trong năm qua, các nhà nghiên cứu ngôn ngữ của trang từ điển nổi tiếng thế giới Collins đã lựa chọn từ khóa "lockdown" (tạm dịch là “phong tỏa” hoặc “đóng cửa”) làm từ khóa tiêu biểu nhất của năm 2020. Theo định nghĩa của từ điển Collins, từ khóa “phong tỏa” đã phản ánh trải nghiệm chung của hàng tỷ người dân trên thế giới khi dịch Covid-19 lây lan với tốc độ chóng mặt, khiến chính phủ các quốc gia ban bố lệnh phong tỏa, giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn dịch.
Nó cũng cho thấy người dân thế giới đóng vai trò quan trọng trong phòng, chống đại dịch COVID-19 bằng việc hạn chế các hoạt động. Số liệu Collins ghi nhận cho thấy đã có hơn 250 nghìn lượt từ "phong tỏa" được sử dụng từ đầu năm đến nay, chủ yếu trên các website, sách báo, đài phát thanh, truyền hình. Trong khi đó, năm ngoái chỉ ghi nhận sử dụng 4 nghìn lượt từ này.
Một tuyến phố vắng vẻ do dịch COVID-19 tại Johannesburg, Nam Phi. (Ảnh: THX/TTXVN) |
Theo CNN, từ “phong tỏa” bắt đầu xuất hiện trên các bản tin thời sự vào tháng 1 năm nay, khi chính quyền thành phố Vũ Hán của Trung Quốc áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại nghiêm ngặt để phòng, chống một loại virus mới lây lan. Kể từ đó, rất nhiều quốc gia đã ban hành lệnh phong tỏa với những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt chưa từng có nhằm tránh sự tiếp xúc trực tiếp giữa con người với con người, biến năm 2020 trở thành một năm không giống bất kỳ năm nào trong lịch sử hiện đại.
Sau một thời gian nới lỏng các biện pháp phong tỏa (từ hồi tháng 5/2020), giờ đây các chính phủ lại phải áp dụng các biện pháp hạn chế mới nghiêm ngặt hơn để ngăn chặn làn sóng dịch bệnh thứ hai, thứ ba... Nhưng trước tình trạng số ca mắc mới COVID-19 tiếp tục tăng vọt, nhiều quốc gia, trong đó đáng chú ý là các nước châu Âu đã không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc tái phong tỏa nhằm ngăn dịch bệnh lây lan.
Điều này chắc chắn lại ảnh hưởng đến triển vọng phục hồi kinh tế của các nước và cuộc sống của người dân. Phong tỏa như thế nào và phong tỏa bao lâu để không gây ra những tổn thất quá lớn cho nền kinh tế vì thế hiện vẫn là câu hỏi mà nhiều quốc gia đang đi tìm câu trả lời.
Tác động mọi mặt đời sống
Hạn chế tụ tập, yêu cầu không ôm hôn, giữ khoảng cách, đeo khẩu trang... là những biện pháp đang được áp dụng (Nguồn:TTXVN) |
Ngoài việc khiến cuộc sống của người đảo lộn và tê liệt trong một năm qua, đại dịch COVID-19 xuất hiện còn khiến các dự định, mục tiêu lớn của thế giới trong năm qua bị thay đổi.
Nếu như vào đầu năm 2020, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã từng tuyên bố về 4 mục tiêu lớn quyết tâm giải quyết trong năm 2020 là tìm kiếm giải pháp cho những căng thẳng chính trị; đẩy mạnh cuộc chiến chống biến đổi khí hậu; thúc đẩy các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG); và tăng cường sự phối hợp giữa Liên hợp quốc và các thể chế đa phương khác; thì nay đại dịch COVID-19 đã khiến các mục tiêu này không thể thực hiện, thậm chí nhiều thành quả mà Liên hợp quốc đã nỗ lực vun đắp suốt bao năm bỗng chốc tan thành mây khói. Giờ đây, 4 mục tiêu vẫn đang nằm trên bàn nghị sự của những năm tới và có lẽ con đường hướng đến những mục tiêu này sẽ xa hơn và gian nan hơn rất nhiều khi mà cộng đồng quốc tế vẫn đang phải vật lộn với đại dịch.
Quả thực, đại dịch COVID-19 đã tàn phá nặng nề các nền kinh tế, xóa sạch những tiến bộ nhiều nước đạt được trong thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), đẩy cuộc chiến chống đói nghèo trên thế giới tụt hậu trở lại cả thập niên. Với những khu vực luôn chìm trong xung đột liên miên như châu Phi hay Trung Đông, tình trạng nghèo đói đã ngấp nghé trở lại mức cách đây 30 năm.
Nạn đói liên tục tăng cao và tiếp tục hoành hành tại nhiều khu vực trên thế giới, đặc biệt là Tây Phi do đại dịch COVID-19 (Nguồn:TTXVN) |
Trong báo cáo tổng kết năm 2020, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã phải đau lòng thừa nhận thế giới có thêm khoảng 100 triệu người bị đẩy trở lại tình trạng đói nghèo và đây cũng là lần đầu tiên chỉ số nghèo đói trên toàn cầu tăng kể từ năm 1998. Suy thoái kinh tế cũng khiến tình trạng khủng hoảng lương thực xảy ra ở nhiều khu vực có xung đột và nguy cơ bùng phát thảm họa nhân đạo ngày một thêm rõ rệt. Tình trạng khoảng 24 triệu người tại vùng Sahel châu Phi đang phải hoàn toàn trông chờ vào nguồn cứu trợ của LHQ và cộng đồng quốc tế để có thể sống sót qua năm nay là một ví dụ điển hình.
Đại dịch COVID-19 còn dẫn đến hệ lụy kinh khủng là tình trạng tăng trưởng chậm và nợ cao ở nhiều nước trên thế giới. Theo giới chuyên gia kinh tế của Viện Tài chính quốc tế (IIF) mới đây đưa ra dự báo đáng lo ngại: Tỷ lệ nợ/GDP sẽ tăng tới 365% trong những tháng tới, kèm theo bình luận đây sẽ là đợt “sóng thần nợ càn quét thế giới”. Cho tới cuối năm 2020, theo IIF, tổng nợ toàn cầu sẽ tăng lên mức cao kỷ lục, là 277.000 tỷ USD. Dự báo dựa trên thực tế nợ toàn cầu là hơn 272.000 tỷ USD trong quý III/2020.
Vẫn theo IIF, gánh nặng nợ sẽ đặc biệt nặng nề ở các thị trường phát triển, khi tỷ lệ nợ/GDP tại khu vực này đã tăng vọt lên 431% so với tỷ lệ 380% cuối năm 2019. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), kinh tế thế giới sẽ giảm 4,4% trong đợt suy thoái tồi tệ nhất kể từ những năm 1930. Đây chính là những thách thức mới, to lớn cản trở nhiều hơn nữa tiến trình thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên hợp quốc, vốn đã được dự báo khó có thể đến đích như dự kiến vào năm 2030, kể cả nếu như đại dịch COVID-19 không xảy ra.
Thực tế kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, các chính phủ và ngân hàng trung ương đã hứa sẽ chi ra 19,5 nghìn tỷ USD để "ngăn đà suy giảm của nền kinh tế thế giới", trong đó các chính phủ đã công bố những biện pháp kích thích trị giá gần 12 nghìn tỷ USD (tính đến tháng 9/2020) và các ngân hàng trung ương đã chi ít nhất 7,5 nghìn tỷ USD để giảm bớt tác động của đại dịch đối với nền kinh tế của họ.
Tuy nhiên, bất chấp quy mô và tốc độ chưa từng có tiền lệ của cuộc giải cứu, bao gồm cắt giảm thuế, trả lương, cấp các khoản vay cho doanh nghiệp nhỏ và hạ lãi suất xuống mức thấp kỷ lục, nền kinh tế toàn cầu đang trải qua cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái. Hoạt động kinh tế và việc làm ở nhiều nơi trên thế giới, bao gồm cả ở Mỹ và châu Âu, vẫn ở mức thấp hơn nhiều so với trước khi đại dịch xảy ra.
Lối thoát nào cho năm 2021?
Một năm trôi qua, COVID-19 đã thực sự làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của người dân trên thế giới, đặt ra câu hỏi lớn về phát triển và phục hồi bền vững cho các nền kinh tế. Trong khi đó, tương lai của đại dịch thì vẫn còn chưa rõ ràng.
Khi năm 2020 đang dần khép lại và thế giới lại chuẩn bị bước sang một năm mới, nhiều người hy vọng năm 2021 sẽ có những bước tiến mới, thay đổi mới và hy vọng đại dịch COVID-19 sớm bị đẩy lùi. Trong lúc này, nhiều người cho rằng, vắcxin chính là liều thuốc mang lại hy vọng đưa thế giới sớm thoát khỏi đại dịch hiện nay.
Những nỗ lực chạy đua với thời gian nhằm tìm ra vắcxin chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có vẻ như đã được đền đáp khi chỉ chưa đầy một năm sau khi SARS-CoV-2 xuất hiện và lan rộng khắp toàn cầu, nhiều hãng dược phẩm trên thế giới tuyên bố đã thành công trong các thử nghiệm lâm sàng, với hiệu quả lên tới 95%.
Vắcxin do hãng dược Pfizer nghiên cứu và sản xuất (Nguồn:TTXVN) |
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện có khoảng hơn 50 vắcxin phòng COVID-19 đang được thử nghiệm trên người, 13 trong số này đã đến giai đoạn thử nghiệm cuối trên quy mô lớn. Trong khi đó, còn khoảng 163 vắcxin đang được nghiên cứu và phát triển tại các phòng thí nghiệm trên toàn thế giới.
Tập đoàn công nghệ sinh học Moderna của Mỹ tháng 11/2020 đã thông báo vắcxin thử nghiệm của hãng đã phát huy hiệu quả tới 94,5%. Trước đó, vắcxin do tập đoàn Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) phối hợp phát triển cũng đã cho thấy hiệu quả lên tới hơn 90%. Pfizer và BioNTech hy vọng sẽ cung cấp tối đa 50 triệu liều vắcxin trên toàn thế giới trong năm nay và tối đa 1,3 tỷ liều năm 2021. Trong khi đó, với hiệu quả có thể đạt tới 90% chỉ với một liều sử dụng, Anh cũng thông báo sẽ đưa vắcxin do liên doanh Anh-Thụy Điển AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford phát triển vào tiêm chủng đại trà trước mùa Xuân năm tới.
Tháng 11/2020, Bộ Y tế Nga cũng cho biết kết quả phân tích những dữ liệu về thử nghiệm lâm sàng cho thấy vắcxin Sputnik V của Nga đã cho hiệu quả lên tới 95%. Trung Quốc đồng thời đang thử nghiệm giai đoạn ba 5 loại vắcxin tiềm năng do nước này tự bào chế. Quá trình phát triển vắcxin và thuốc điều trị tại Thái Lan hay Hàn Quốc đều đạt những tiến bộ đáng kể…
Những kết quả khả quan trên cho phép các nước tính tới kế hoạch sớm đưa vắcxin vào sử dụng. Anh ngày 2/12 vừa qua đã trở thành nước đầu tiên trên thế giới phê duyệt vắcxin COVID-19 của hãng dược Mỹ Pfizer và đối tác BioNTech của Đức. Sau Anh, Bahrain và Canada đã là nước thứ hai và thứ ba phê duyệt vắcxin ngừa COVID-19 của Pfizer và BioNTech.
Các quốc gia đang bắt đầu sản xuất vắcxin chống COVID-19 (Nguồn:TTXVN) |
Mỹ cũng đã thông báo thực hiện tiêm chủng vắcxin quy mô lớn từ ngày 14/12/2020, đây là đợt tiêm chủng vắcxin phòng COVID-19 đầu tiên tại Mỹ. Nga, Thái Lan, Canada, Mexico, Phần Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức, Na Uy, Tây Ban Nha… dự kiến cũng sẽ triển khai chương trình tiêm chủng vắcxin đại trà từ cuối năm 2020 hoặc đầu năm 2021. Liên minh châu Âu (EU) đã đạt thỏa thuận với công ty Moderna về việc cung cấp 160 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19.
Theo các chuyên gia, triển vọng về việc hàng triệu người bắt đầu được tiêm vắcxin ngừa COVID-19 trong những ngày tới đang là động lực tạo ra tâm lý tích cực trên phạm vi toàn cầu. Điều quan trọng lúc này là các nước trên thế giới cần tiếp tục thể hiện cam kết mạnh mẽ trong hợp tác và chia sẻ trách nhiệm để cùng nhau đối phó với COVID-19.
Mới đây tại Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), quan chức 21 nền kinh tế thành viên đề xuất nhiều sáng kiến hợp tác luân chuyển các mặt hàng thiết yếu, như thuốc men và thiết bị y tế. Trước đó, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã nhanh chóng thành lập Quỹ ứng phó với COVID-19 và Kho dự phòng vật tư y tế khu vực. Liên minh châu Âu (EU) cũng đã tìm được tiếng nói chung trong nhiều vấn đề, từ chiến lược chung về xét nghiệm và tiêm chủng cho tới ứng dụng cảnh báo COVID-19 trên điện thoại di động hoạt động trên toàn EU…
Những cam kết chính trị mạnh mẽ của các nước nhằm đảm bảo việc phân phối vắcxin một cách công bằng đã thắp sáng hy vọng, rằng mọi quốc gia và vùng lãnh thổ đều được hưởng lợi ích từ những thành tựu phát triển vắcxin phòng ngừa COVID-19.
Sau 1 năm chống chọi với COVID-19, thế giới đang tràn đầy hy vọng đại dịch sẽ kết thúc nhờ kết hợp tiêm chủng vắcxin và các biện pháp y tế cộng đồng khác đã chứng tỏ hiệu quả thời gian qua, cùng với tinh thần "chung sức, đồng lòng", không để ai bị lãng quên. Dù diễn biến dịch bệnh được dự báo có thể còn phức tạp, khó lường, nhất là trong giai đoạn mùa Đông và mùa Xuân năm tới, song có thể nói chính những tia hy vọng như vậy đã tiếp thêm sức mạnh cho cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến trường kỳ chống COVID-19./.
-
Nhiều mặt hàng đối mặt thách thức, nhưng vàng sẽ tiếp tục "lấp lánh" trong năm 2025 -
Nhật Bản đầu tư 6,3 tỷ USD tăng số lượng tàu vận chuyển khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) -
Microsoft đầu tư 80 tỷ USD vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) để cạnh tranh công nghệ với Trung Quốc -
Thấy gì từ việc Mỹ ngăn chặn thương vụ 15 tỷ USD của Nippon Steel?
-
FAO: Chỉ số giá lương thực thế giới hạ nhiệt trong tháng 12/2024 -
Nga đóng van đường ống qua ngả Ukraine, giá khí đốt tại châu Âu chạm đỉnh 14 tháng -
Ngành sản xuất chế tạo châu Á đối diện rủi ro thương mại -
5 nước ủy viên mới ngồi ghế Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2 năm -
Năm 2025, thị trường trái phiếu Mỹ đối mặt với gánh nặng nợ đáo hạn -
Donald Trump và thương chiến Mỹ - Trung 2.0: Thế giới nay đã khác -
Ông Tập Cận Bình: Tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ đạt mục tiêu khoảng 5%
- OCB thu hút doanh nghiệp FDI với các giải pháp tài chính số toàn diện
- Chuyển đổi số trong quản lý: Meey Group tiên phong với hệ thống BSC/KPI
- Agribank triển khai gói tín dụng ưu đãi lớn lên tới 110.000 tỷ đồng ngay từ đầu năm 2025
- Những sản phẩm thuần chay, lành tính cho em bé “lên ngôi”
- Liên minh Hợp tác xã Việt Nam mời hợp tác đầu tư
- Ký kết hợp tác DIC Resco - MS Real: Khởi đầu định hướng chiến lược mang tầm nhìn dài hạn