Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
"Thể lực" Dệt may Hòa Thọ trước thời khắc chào sàn
Thế Hải - 12/06/2017 09:45
 
Nối gót các doanh nghiệp họ nhà Vinatex, trong tuần này, cổ phiếu của Tổng công ty cổ phẩn Dệt may Hòa Thọ (Hoa Tho Corp, mã giao dịch là HTG) sẽ chính thức chào sàn UPCoM vào ngày 14/6/2017.
.
Cổ phiếu của Tổng công ty cổ phẩn Dệt may Hòa Thọ - CTCP sẽ lên HOSE với mã giao dịch là HTG

Đầu tàu của Vinatex tại miền Trung

Trong số các đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), HTG được ví là doanh nghiệp đầu tàu tại khu vực miền Trung. HTG hiện sở hữu 17 đơn vị thành viên, gồm các nhà máy, trung tâm, chi nhánh với năng lực sản xuất thuộc Top đầu (cùng Việt Tiến, May 10, Phong Phú…) với doanh thu trên 3.000 tỷ đồng.

Tổng công ty cổ phần Dệt may Hòa Thọ được thành lập năm 1962, tiền thân có tên là Nhà máy Dệt Hòa Thọ, thuộc Công ty Kỹ nghệ Bông vải Việt Nam, là doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng may sẵn, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng may mặc, vải, sợi, chỉ khâu...

Công ty chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ tháng 2/2007, vốn điều lệ ban đầu là 45 tỷ đồng. Hiện nay, Công ty mẹ Vinatex  là cổ đông lớn duy nhất nắm giữ 64,96% vốn điều lệ của HTG.

Sợi và may là hai sản phẩm chính chiếm phần lớn doanh thu của HTG. Hai sản phẩm này đã được xuất khẩu sang nhiều thị trường trên thế giới như Mỹ, Canada, châu Âu và châu Á. Trong năm 2016, doanh thu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm hơn 32% tổng doanh thu, kế đó là Mỹ chiếm 14,18% và Nhật Bản chiếm 10,56%. Năm 2016, dù là năm xuất khẩu giảm mạnh nhất trong 10 năm trở lại đây của ngành dệt may Việt Nam, nhưng HTG vẫn đạt doanh thu 3.198 tỷ đồng (tăng 7% so với năm 2015), lợi nhuận đạt gần 76 tỷ đồng (tăng 5%).

Ban lãnh đạo HTG cho biết, hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty trước đây tập trung vào gia công hàng may mặc xuất khẩu đi các nước, nhưng những năm gần đây, HTG chú trọng hơn vào phát triển thị trường nội địa, duy trì  thị phần tiêu thụ trong nước đạt 8,27%, giúp mang về tỷ trọng lợi nhuận gộp cao hơn cả xuất khẩu, với 28,88%. 

Trên cở sở đầu tư liên tục trong những năm qua, hiện nay, Hoa Tho Corp có hệ thống tổ

chức sản xuất tốt, đáp ứng được các tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội,đạt tiêu chuẩn SA8000 và được các khách hàng lớn chứng nhận như Motives, Snickers, Decathlon, Perry Ellis International... và xây dựng được mối quan hệ chặt chẽ với các nhà nhập khẩu,

bán lẻ nước ngoài, nhất là Mỹ, châu Âu.

Năm 2017, HTG đặt mục tiêu doanh thu thuần dự kiến 3.680 tỷ đồng, tăng trưởng 15% và tham vọng đạt 4.048 tỷ đồng, tăng 10% trong năm 2018. Theo đó, lãi sau thuế cũng lần lượt đạt 80 tỷ và 87 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng từ 8-13%. Cổ tức dự kiến được chia với tỷ lệ 20% ở cả hai năm.

Mở rộng sản xuất đón cơ hội thị trường

Ngành dệt may đã có sự tăng trưởng mạnh trong nhiều năm qua với tốc độ 17 - 18%/năm, nhưng từ đầu 2016, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đã chậm lại thấy rõ, chỉ còn lại 1 con số. Năm 2016 cũng là năm mà xuất khẩu dệt may hụt chỉ tiêu, chỉ đạt 28,3 tỷ USD, so với mục tiêu là 30 tỷ USD.

Theo nhận định của đại diện Công ty Chứng khoán Bảo Việt, với kết quả kinh doanh ổn định, đặc biệt nhìn vào đường đi trong tăng trưởng doanh thu của HTG trong những năm qua, sự chuẩn bị nguồn lực để đón các cơ hội thị trường từ EVFTA, EAEU… kết hợp với khai thác sâu các thị trường truyền thống, có thể thấy triển vọng tăng trưởng sản xuất - kinh doanh của HTG.

Điều này càng được củng cố thêm, khi hết quý 1/2017, tăng trưởng xuất khẩu vào một số thị trường mới tăng rất cao. Đơn cử, xuất khẩu vào Nga tăng 115%, thị trường AEC đã có tốc độ tăng ở 6 thị trường, cụ thể: Thái Lan 17%, Indonesia 11%, Singapore 38%, Lào 24,5%, Campuchia 36% và Myanma 5%...

Năm 2017 được cho là năm tiếp tục khó khăn đối với Dệt may Việt Nam do nhu cầu toàn cầu suy giảm, cùng với đó là sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ đến từ Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh. Ngoài ra, sự kiện Anh rời EU, hay Mỹ rút khỏi TPP cũng sẽ tác động không nhỏ, do Mỹ và Anh là những nước nhập khẩu sản phẩm dệt may lớn của Việt Nam.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Trị, Tổng giám đốc HTG, khó chung là vậy, nhưng năm 2017, dệt may vẫn có  những tín hiệu sáng hơn cho xuất khẩu nhờ Hiệp định Thương mại Việt Nam - EU (EVFTA) đã hoàn tất về thủ tục pháp lý và có thể đi vào thực thi từ năm 2018. Ngoài ra, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) cũng được đánh giá, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu dệt may sang thị trường khối này.

Bởi vậy, hoạt động đầu tư của HTG để mở rộng năng lực sản xuất, sẵn sàng đón đầu cơ hội thị trường vẫn được thực hiện rốt ráo. Theo đó, kế hoạch đầu tư năm 2017 của HTG được dự trù ở mức 447 tỷ đồng, chủ yếu phục vụ cho việc xây dựng, cải tạo các nhà máy. Trong đó, khoản đầu tư lớn nhất dành để cải tạo Nhà máy sợi 1, với khoản vốn lên tới 200 tỷ đồng; đầu tư bổ sung thiết bị cho các nhà máy may 110 tỷ đồng; xây dựng Nhà máy may Hòa Quý 77 tỷ đồng...

“Chúng tôi vẫn tiếp tục tìm kiếm cơ hội và thời điểm thích hợp để mở rộng năng lực sản xuất, bởi thực tế sản xuất kinh doanh dệt may những năm qua đã chứng minh, thời điểm khó khăn chính là thời cơ để các sáng kiến của doanh nghiệp được phát huy hiệu quả nhất”, ông Trị nói thêm.

Để phục vụ cho hoạt động kinh doanh và đầu tư, Tổng công ty đã thực hiện những khoản vay tại các ngân hàng thương mại, tuy nhiên, HTG thực hiện tốt việc hoàn trả gốc và lãi vay đúng hạn, không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn.

Ngành dệt may bình chân với cách mạng 4.0
Theo dự báo, ngành dệt may sẽ chịu nhiều tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (cách mạng 4.0). Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp trong...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư