Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
The Vissai chớp thời cơ, mua hàng loạt nhà máy xi măng
Thế Hải - 22/12/2014 08:42
 
Với mục tiêu trở thành tập đoàn xi măng số một Việt Nam, những năm qua, Công ty TNHH Tập đoàn Hoàng Phát Vissai Ninh Bình (The Vissai) liên tục chớp thời cơ mua thêm các dự án nhà máy xi măng đang lâm cảnh khó khăn, nợ nần, thua lỗ.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Sếp xi măng Vissai Hoàng Mạnh Trường: Tôi chưa bao giờ liều
Loại dự án xi măng ốm yếu ra khỏi quy hoạch ngành
Vissai cung cấp xi măng cho dự án đường cao tốc tại Pháp

Kỳ tích xuất khẩu

Được thành lập năm 2004, đến năm 2005, The Vissai đầu tư xây dựng nhà máy xi măng đầu tiên tại Khu công nghiệp Gián Khẩu, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, với 2 dây chuyền công suất 3,6 triệu tấn/năm. Sau đúng 10 năm, The Vissai đã trở thành một tập đoàn sản xuất và kinh doanh xi măng có tiếng trong cả nước khi sở hữu tới 5 nhà máy có sản lượng 7,9 triệu tấn xi măng/năm và đội ngũ nhân lực lên tới 5.000 người…

The Vissai chớp thời cơ, mua hàng loạt nhà máy xi măng
The Vissai hiện sở hữu 5 nhà máy có sản lượng 7,9 triệu tấn xi măng/năm. Ảnh: Chí Cường

Với mục tiêu xây dựng và phát triển thành tập đoàn hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất xi măng, 10 năm qua, The Vissai đã có những bước tiến dài. Đặc biệt, từ nửa cuối năm 2010, khi cung xi măng đã vượt cầu, thị trường xi măng trong nước gặp khó, các doanh nghiệp xi măng đau đầu tìm đầu ra cho sản phẩm, thì The Vissai đã lập được kỳ tích khi ký được hợp đồng xuất khẩu 1,2 triệu tấn clinker sang thị trường Bangladesh.

Kỳ tích đó đánh dấu sự trưởng thành của The Vissai, khi tiếp tục nối dài các thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp tới gần 20 quốc gia  và vù̀ng lãnh thổ như CHLB Đức, Mozambique, Conggo, Indonesia, Trung Quốc, Hồng Kông, Thụy Sỹ, Pháp, Australia, Mỹ…

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Hoàng Mạnh Trường, Chủ tịch HĐTV The Vissai cho rằng, khi bắt đầu bỏ vốn vào đầu tư sản xuất xi măng, hàng năm, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn xi măng, clinker để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước. Thế nhưng, sau một thời gian dài đầu tư nóng, năm 2010, thảm cảnh dư thừa nguồn cung đã hiển hiện với ngành xi măng.

Nhưng đúng vào thời điểm cung vượt cầu tại thị trường xi măng trong nước, The Vissai lại làm được kỳ tích là đàm phán để có được nhiều khách hàng nhập khẩu xi măng, clinker nhất. Các hợp đồng xuất khẩu xi măng, clinker mà Tập đoàn ký với khách hàng tại những thị trường khó tính trong giai đoạn 2011-2014 đều có giá trị lớn.

Chẳng hạn, The Vissai đã ký hợp đồng xuất khẩu trong 5 năm (2013-2017), mỗi năm gần 1 triệu tấn sang thị trường Australia. Mới đây nhất, The Vissai đã trúng thầu cung cấp toàn bộ xi măng cho Ciments de Bourbon thực hiện Dự án đường cao tốc tại Pháp cho đến khi Dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ngoài ra, The Vissai còn là nhà cung cấp xi măng cho các nhà nhập khẩu tại Mỹ như International Materials Inc, Heidelberg Cement Group…

“Những hợp đồng này đảm bảo để các nhà máy xi măng của The Vissai chạy hết công suất gần 8 triệu tấn/năm”, ông Trường nói.

Dồn dập mở rộng năng lực sản xuất

Vượt qua những lo ngại về khó khăn chung của thị trường xi măng trong nước, The Vissai vẫn kiên định kế hoạch đầu tư sản xuất xi măng quy mô và bài bản nhất, thông qua việc dồn dập mở rộng năng lực sản xuất.

Với mục tiêu trở thành tập đoàn xi măng số một Việt Nam, những năm qua, The Vissai liên tục chớp thời cơ mua thêm các dự án nhà máy xi măng đang lâm cảnh khó khăn, nợ nần, thua lỗ. Thương vụ mới nhất nâng tổng công suất xi măng của Tập đoàn chạm mốc 7,9 triệu tấn là mua lại Nhà máy Xi măng Vissai Hà Nam công suất 3.000 tấn/ngày. Nhà máy này đã được The Vissai chính thức đưa vào vận hành tháng 11/2013.

Ông Đinh Quốc Quyền, Giám đốc Công ty cổ phần Vissai Hà Nam cho biết, Nhà máy Xi măng Vissai Hà Nam được đưa vào hoạt động sau đúng 1 năm thi công xây dựng từ nền móng cũ là Nhà máy Xi măng Vinashin (huyện Thanh Liêm, Hà Nam) mà The Vissai bỏ vốn mua lại. Nhà máy sử dụng phương pháp lọc khói bụi dạng tay áo với hiệu suất lọc trên 98%, bảo đảm nồng độ bụi trong khí thải nhỏ hơn 30 mg/Nm3 (tiêu chuẩn Việt Nam quy định nhỏ hơn 50 mg/Nm3).

Khí thải và bụi của nhà máy nghiền than, nguyên liệu và clinke đều được khử bụi bằng thiết bị lọc bụi thích hợp, tiên tiến. Các công đoạn đạp, nghiền, phân ly… đều sử dụng phòng kín, làm giảm thiểu lượng bụi và tiếng ồn.

Tháng 6/2013, The Vissai đã làm lễ ra mắt sản phẩm PCB30, PCB40, xi măng rời PCB40, clinker thương hiệu The Vissai tại Lạng Sơn từ Nhà máy Xi măng Đồng Bành làm ăn thua lỗ và phải bán lại cổ phần cho Tập đoàn. Trước đó, nhà máy này gia nhập thị trường cuối năm 2010, nhưng chỉ sau chưa đầy 1 năm hoạt động đã lỗ nặng và không có khả năng trả nợ, rơi vào Top 5 dự án đặc biệt khó khăn của ngành xi măng cần phải tái cấu trúc khẩn trương.

Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc Nhà máy Xi măng Vissai Lạng Sơn, do phải ngưng hoạt động một thời gian khá dài vì làm ăn thua lỗ, hàng sản xuất ra không tiêu thụ được, không có vốn duy trì sản xuất, nên các thiết bị, máy móc tại Nhà máy Xi măng Đồng Bành bị hư hỏng khá nhiều. Sau thời gian ngắn về với Tập đoàn Vissai, Nhà máy Xi măng Đồng Bành hoạt động trở lại với cái tên Nhà máy Xi măng Vissai Lạng Sơn.

Nhưng kế hoạch gia tăng nhanh sản lượng của The Vissai chưa dừng tại đó. Theo tiết lộ Ban lãnh đạo Tập đoàn, The Vissai vẫn đang theo đuổi kế hoạch sở hữu tiếp Nhà máy Xi măng Đô Lương (Nghệ An) đang được đầu tư dở dang từ năm 2007. Khi các thủ tục chuyển nhượng giữa chủ đầu tư của Nhà máy Xi măng Đô Lương với The Vissai hoàn tất về mặt pháp lý, Tập đoàn sẽ dồn vốn để đầu tư Dự án với công suất lớn, nhằm khai thác tối đa lợi thế về thị trường hiện có.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư