Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 04 tháng 05 năm 2024,
Thêm một năm vắng bóng tân binh lên sàn chứng khoán
Thanh Thủy - 23/12/2022 09:57
 
Số lượng doanh nghiệp mới lên sàn trong năm 2022 tiếp tục đi lùi, khi chỉ có hơn 50 mã chứng khoán mới bổ sung vào danh sách gần 1.700 mã trên 3 sàn.

Số lượng tân binh tiếp tục giảm

GC Food là gương mặt mới nhất gia nhập thị trường chứng khoán sau khi đăng ký giao dịch 26 triệu cổ phiếu GCF trên sàn UPCoM hôm 20/12 vừa qua. Từ đầu năm đến nay, sàn UPCoM đã đón tổng cộng 36 cổ phiếu. Còn với hai sàn niêm yết, số lượng tân binh chỉ bằng một nửa, bao gồm 16 cổ phiếu mới và 2 chứng chỉ quỹ ETF là FUEKIV30 của Quỹ ETF KIM Growth VN30 và FUEDCMID (chứng chỉ Quỹ ETF DCVFMVNMIDCAP).

Khi chỉ còn một tuần nữa sẽ khép lại năm 2022, số lượng tân binh trên 3 sàn đạt 54 đơn vị, giảm 26% so với năm 2021. Trước đó, chứng khoán Việt Nam năm 2021 đón tổng cộng 79 doanh nghiệp mới, giảm gần 20% so với năm liền trước.

Sự ảm đạm của năm 2021 một phần đến từ tình hình dịch bệnh phức tạp cùng lý do chủ quan khi sàn HoSE “gặp khó” khi năng lực xử lý giao dịch khớp lệnh của hệ thống cũ không theo kịp nhịp giao dịch tất bật của thị trường. Đến năm nay, dù các yếu tố trên đã được khắc phục, song sự sôi động của thị trường thứ cấp năm 2021 vẫn không kịp lan tỏa đến thị trường sơ cấp.

Trước các sự vụ như các đợt phát hành trái phiếu liên quan nhóm Tân Hoàng Minh hay việc tăng vốn điều lệ khống hàng ngàn tỷ đồng trước khi niêm yết của FLC Faros cùng sự sụt giảm mạnh của dòng tiền trên thị trường chứng khoán, giao dịch giữa các nhà đầu tư cùng hoạt động phát hành mới hay chào sàn đều chịu tác động tiêu cực. Việc xem xét hồ sơ cẩn trọng hơn cùng tình hình thị trường thay đổi khiến nhiều doanh nghiệp lên kế hoạch phát hành cổ phiếu mới bị chậm tiến độ đáng kể, thậm chí lựa chọn dừng phương án.

Đối với hoạt động chào sàn, chỉ trong vỏn vẹn một tuần, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM đã thông báo dừng xem xét hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu của Tập đoàn Dược Bảo Châu và Nova Consumer do chưa nhận được hồ sơ chỉnh sửa, bổ sung hoàn chỉnh và các tài liệu phát sinh của các công ty này theo yêu cầu dù đã quá hạn (60 ngày kể từ thời điểm nhận công văn).

Cùng với xu hướng lao dốc của cổ phiếu, sự ảm đạm trên thị trường sơ cấp khi số lượng doanh nghiệp mới chào sàn tiếp tục thu hẹp là nguyên nhân khiến quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu năm 2022 ước giảm gần 30% so với cuối năm trước. Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, quy mô thị trường cổ phiếu hiện chỉ tương đương 64,2% GDP.

Trách nhiệm công ty đại chúng

Ảm đạm trong năm 2022, nhưng thông tin Công ty cổ phần VNG - “kỳ lân” công nghệ của Việt Nam rục rịch chuẩn bị đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCoM lại hứa hẹn sẽ tạo ra điểm nhấn đáng chú ý của hoạt động chào sàn năm 2023. Doanh nghiệp này vừa hoàn tất họp cổ đông và thống nhất sẽ bán toàn bộ hơn 7,1 triệu cổ phiếu quỹ VNG đang nắm giữ (chiếm 24,74% lượng cổ phiếu đang lưu hành), với giá bán bình quân là 177.881 đồng/cổ phiếu.

Dù chỉ có quy mô vốn điều lệ khiêm tốn (358 tỷ đồng), vốn chủ sở hữu của VNG tại ngày 30/9 xấp xỉ 5.580 tỷ đồng. Vốn hóa thị trường tính theo mức giá bán cổ phiếu quỹ xấp xỉ 6.376 tỷ đồng, nhưng đạt tới 2,2 tỷ USD nếu tính theo mức giá mà Temasek Holdings - quỹ đầu tư của Chính phủ Singapore đã mua năm 2019.

Doanh nghiệp lớn ngành công nghệ thông tin lên sàn là điều mong đợi của giới đầu tư. Tuy nhiên, thực tế, đây cũng là trách nhiệm VNG cần làm khi đã trở thành công ty đại chúng. Theo quy định hiện hành, công ty đại chúng có vốn điều lệ từ 30 tỷ đồng trở lên, có tối thiểu 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do trên 100 nhà đầu tư nhỏ nắm giữ sẽ phải đăng ký giao dịch cổ phiếu trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xác nhận hoàn tất việc đăng ký công ty đại chúng.

Nhiều doanh nghiệp đã nhận mức xử phạt hành chính lớn, lên tới 350 triệu đồng khi chậm trễ đưa cổ phiếu lên sàn như Tổng công ty Tư vấn Thiết kế giao thông vận tải (TEDI) hay Golden Gate - ông chủ của loạt thương hiệu F&B nổi tiếng như Manwah, isushi, Kichi-Kichi, Gogi… Cùng với đó, cơ quan quản lý đều yêu cầu các doanh nghiệp này nộp hồ sơ đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán.

Thời hạn tối đa thực hiện biện pháp “khắc phục hậu quả” là 60 ngày, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng tuân thủ. TEDI đã đưa cổ phiếu TED lên sàn UPCoM, còn Golden Gate vẫn chưa có động thái mới sau gần nửa năm kể từ quyết định xử phạt của Ủy ban chứng khoán Nhà nước. Không khó hiểu khi lãnh đạo doanh nghiệp lựa chọn thời điểm chín muồi để đưa cổ phiếu giao dịch tại sàn chứng khoán tập trung. Tuy nhiên, đây vẫn là “luật chơi” cần tuân thủ khi doanh nghiệp đã trở thành công ty đại chúng.

Ngoài nhóm công ty đại chúng, doanh nghiệp cổ phần hóa dưới hình thức chào bán chứng khoán ra công chúng chưa niêm yết cũng nằm trong diện “phải đăng ký giao dịch trên UPCoM”. Tuy nhiên, công tác cổ phần hóa, thoái vốn tiếp tục thêm một năm chậm chạp do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Tính đến ngày 15/12/2022, các doanh nghiệp thuộc các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước thoái vốn với giá trị sổ sách khoảng 593 tỷ đồng, thu về 3.600 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với mức dự toán 30.000 tỷ đồng. Thúc cổ phần hóa sau nhiều năm trì trệ là một trong các nhiệm vụ được Bộ Tài chính đề ra trong năm 2023, đồng thời hứa hẹn bổ sung nguồn hàng cho thị trường chứng khoán.

Hơn 16.000 tỷ đồng vốn ngoại đổ vào thị trường chứng khoán tháng qua: Từ đâu?
Tốc độ mua ròng hơn 16.000 tỷ đồng của nhà đầu tư nước ngoài trong 1 tháng trở lại đây được đánh giá là điều “chưa từng thấy”.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư