Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 17 tháng 07 năm 2024,
Thêm ông lớn big 4 hạ sâu lãi suất huy động, lãi vay trung hạn chỉ còn từ 8%/năm
T.L - 23/08/2023 09:34
 
Hôm nay (23/8/2023), Agribank tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động, với mức giảm từ 0,3% - 0,5% các kỳ hạn. Từ đầu năm 2023 đến nay, Agribank đã 7 lần giảm lãi vay, tiết giảm hơn 1.000 tỷ đồng để hỗ trợ khách hàng.
f
Agribank vừa hạ lãi suất huy động 0,3% - 0,5% các kỳ hạn kể từ ngày 23/8/2023.

Hạ lãi suất huy động, tạo dư địa giảm thêm lãi vay

Với đợt giảm lãi suất huy động này, lãi suất huy động của Agribank đã giảm từ 1,9% - 4,5% các kỳ hạn kể tính từ đầu năm. Động thái này của Agribank nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngân hàng Nhà nước về việc yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay đối với đối với các khoản vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới.

Giảm lãi suất huy động sẽ giúp ngân hàng có cơ sở điều chỉnh giảm thêm lãi suất cho vay hỗ trợ nền kinh tế.

Từ đầu năm 2023 đến nay, Agribank đã 7 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Theo đó, đối với nhu cầu vay mới phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, mức lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ từ 5%/năm, lãi suất cho vay trung dài hạn chỉ từ 8%/năm. Đây là mức lãi suất cạnh tranh nhất thị trường hiện nay.

Tính đến thời điểm hiện tại, lãi suất cho vay của Agribank đã giảm mạnh với mức giảm từ 2% đến 4%/năm so với đầu năm.

Với mức lãi suất cho vay hiện nay, Agribank mong muốn được chia sẻ khó khăn, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tối ưu chi phí vay, kịp thời bổ sung nguồn vốn tái cơ cấu hoạt động, đặc biệt là đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Ước tính, Agribank tiết giảm hơn 1.000 tỷ đồng giảm lãi suất cho vay, với 2,2 triệu khách hàng được hỗ trợ.

Cùng với chính sách giảm lãi suất, thời gian qua, Agribank cũng ban hành nhiều chương trình tín dụng lãi suất thấp để hỗ trợ khách hàng như: chương trình tín dụng ưu đãi tài trợ khách hàng xuất, nhập khẩu; chương trình tín dụng 3.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm, thủy sản với lãi suất ưu đãi thấp hơn tối thiểu 1% - 2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn của Agribank trong từng thời kỳ; chương trình tín dụng 10.000 tỷ đồng ưu đãi khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Agribank cũng là ngân hàng tích cực nhất trong triển khai hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước theo Nghị định 31; dành quy mô 30.000 tỷ đồng triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị quyết 33/NQ-CP. Đặc biệt, ngân hàng giảm tới 3% lãi suất cho khách hàng vay vốn với mục đích kinh doanh bất động sản gặp khó khăn còn dư nợ trong thời gian 31/01/2023 đến 31/12/2024...

“Kích” tín dụng không chỉ bằng lãi suất

Ngân hàng Nhà nước khẳng định, thời gian qua đã nỗ lực giảm mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí thanh toán… đã góp phần hỗ trợ khu vực doanh nghiệp vượt qua các khó khăn, thách thức, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh để từng bước phục hồi. Từ đầu năm 2023 tới nay, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp hơn, từ đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, tín dụng chỉ mới có tín hiệu tăng trở lại từ tháng 6, sang đến cuối tháng 7, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 4,3%, giảm đáng kể so với cùng thời điểm năm 2022 (9,54%), điều này cho thấy khả năng hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp đang rất hạn chế - giải quyết vấn đề này sao cho có hiệu quả là một thách thức lớn của ngành Ngân hàng.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, lãi suất hiện nay không còn là điểm nghẽn tiếp cận vốn mà mấu chốt khiến tín dụng tăng chậm là do kinh tế khó khăn, doanh nghiệp thiếu đơn hàng, hấp thụ vốn kém. Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, các chuyên gia khuyến nghị phải đẩy mạnh chính sách tài khoá, cải thiện môi trường kinh doanh song hành cùng chính sách tiền tệ

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, trong khi Chính phủ và ngành ngân hàng quyết liệt kéo mặt bằng lãi suất xuống, thì ở đâu đó, ở nhiều ngành khác có những chính sách làm chi phí kinh doanh tăng lên.

Lấy dẫn chứng về vấn đề hoàn thuế, ông Đậu Anh Tuấn cho biết, nếu một doanh nghiệp xuất khẩu mà đọng vốn hàng chục tỷ đồng, thậm chí hàng trăm tỷ đồng thì chắc chắn ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đây không phải là trường hợp hy hữu của một vài doanh nghiệp, mà rất nhiều ngành hàng, đặc biệt là ngành hàng xuất khẩu, như nông sản.

"Hiện tại, tốc độ của quyết định hành chính quá chậm so với quyết định kinh doanh. Rất nhiều dự án đầu tư kéo dài hàng năm trời, nhiều nhà máy chưa thể đưa vào hoạt động theo đúng kế hoạch vì trục trặc ở khâu này, khó ở khâu khác", ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh, 

TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu Môi trường Kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, để tăng cường khả năng hấp thụ nguốn vốn tín dụng, các bộ, ban, ngành triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ về giảm, hoãn, giãn thuế.

Trong khi đó, TS. Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân chỉ ra rằng, hiện tại có nhiều yếu tố hỗ trợ kích thích tài khoá như nợ công giảm và ổn định ở mức vừa phải; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp so với ngân sách Nhà nước không quá căng thẳng; nợ công nước ngoài thấp (14,7% năm 2021 giảm còn 12% năm 2023); lãi suất vay nợ trái phiếu chính phủ thấp; kỳ hạn trái phiếu chính phủ lành mạnh. Vì vậy, dư địa để mở rộng chính sách tài khoá vẫn còn.

TS. Phạm Thế Anh đề nghị, cần tiếp tục đẩy nhanh đầu tư công, tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng, tránh dàn trải; phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu thực; bổ sung/xây dựng mới các trường học công đáp ứng đủ nhu cầu xã hội.

Cùng với đó là có các giải pháp kích thích tiêu dùng thông qua trợ cấp an sinh xã hội cho hộ nghèo và người bị mất việc; nâng mức thu nhập chịu thuế/giảm thuế suất thu nhập cá nhân; giảm thuế giá trị gia tăng hàng thiết yếu nội địa…

Ông Trần Đức Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hà Nội cũng cho rằng, giải pháp trong tình thế hiện nay không thể chỉ đến từ ngành Ngân hàng, mà còn phải đến từ chính sách tài khoá.  

Chính sách tốt nhưng doanh nghiệp khổ vì chờ đợi
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhấn mạnh vấn đề lớn nhất doanh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư