Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 20 tháng 08 năm 2024,
Thí sinh đạt 9,5 điểm/môn vẫn trượt, Bộ GD&ĐT lên tiếng
Hưng Anh - 20/08/2024 15:16
 
Tính đến nay đã có hơn 160 trường đại học thông báo điểm chuẩn, trong đó đáng chú ý có những ngành thí sinh đạt 9,5 điểm/môn vẫn trượt nguyện vọng. Trước vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn có ý kiến.

Điểm chuẩn tăng cao, có những ngành đạt 9,5 điểm/môn vẫn trượt

Bước đầu đánh giá điểm chuẩn năm 2024 tăng hơn so với năm 2023, đặc biệt ở một số ngành mới, “hot” điểm đầu vào rất cao ở mức thí sinh đạt 9,5 điểm/môn vẫn không có cơ hội trúng tuyển.

Cụ thể: Đặc biệt, Trường đại học Sư phạm Hà Nội có 3 ngành học điểm chuẩn trên 29, gồm: Sư phạm Ngữ văn, Sư phạm Lịch sử; Sư phạm Địa lý. Trong đó, 2 ngành Sư phạm Ngữ văn và Sư phạm Lịch sử đạt mức 29,3; cao hơn mức điểm chuẩn cao nhất của năm ngoái 0,88 điểm (ngành Sư phạm Lịch sử - 28,42 điểm). Với những ngành học này, tính bình quân, mỗi môn đạt 9,7 điểm, thí sinh vẫn trượt, nếu không có điểm cộng ưu tiên hay khuyến khích.

Ngành Sư phạm Âm nhạc (điểm chuẩn năm nay là 24,05) có mức tăng điểm chuẩn mạnh nhất, lần lượt là 5,55 và 4,5 điểm theo từng tổ hợp (năm ngoái điểm chuẩn là 18,5-19,55 tùy theo tổ hợp).

Ngành Sư phạm Sinh học cũng có mức tăng điểm chuẩn tới 3,89 điểm ở tổ hợp khối D08 và 1,81 điểm ở tổ hợp B00...

Về vấn đề một số ngành của Trường đại học Sư phạm và cả những trường khác dù thí sinh đạt tổng điểm 29 vẫn trượt, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội cho hay: “Nếu so sánh điểm chuẩn các năm với nhau, như vậy có vẻ là cao quá. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận việc tuyển sinh đại học mang tính chất lựa chọn từ trên xuống dưới, khi có nhiều người đạt điểm thuộc top trên, những người top dưới đương nhiên bị mất cơ hội. Đó là quy tắc của việc lựa chọn”.

PGS.TS Nguyễn Đức Sơn "Đó là quy tắc của việc lựa chọn". 

Đặc biệt, theo ông Sơn, điểm chuẩn vào các trường Sư phạm tăng cao là tín hiệu đáng mừng, cho thấy nhu cầu xã hội đối với đội ngũ nhà giáo, giáo viên phổ thông rất rõ, nhất là ở một số môn như Lịch sử, Địa lý.

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) có tổ hợp C00 cũng là khối xét tuyển có điểm chuẩn cao nhất trường. Dẫn đầu là ngành Báo chí với 28,8 điểm, tiếp đến là Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành với 28,33. Ngành Văn hóa học, Nghệ thuật học, Lịch sử cũng lấy trên 28 điểm.

Học viện Ngoại giao có 8 ngành tuyển tổ hợp C00 đều có điểm chuẩn khối C trên mức 28 điểm. Trường Đại học Luật Hà Nội điểm chuẩn cao nhất là khối C00 ngành Luật kinh tế, với 28,85 điểm; Luật 28,15 điểm, cao hơn các tổ hợp khác dù cùng ngành.

Trường đại học Y Hà Nội cũng là cái tên được nhắc đến nhiều trong năm nay bởi lần đầu tiên trường tuyển sinh ngành tâm lý ở khối C00 nhưng điểm trúng tuyển được thông báo cao nhất trường ở mức 28,83 điểm trong khi đó ở tổ hợp truyền thông B00, điểm chuẩn ngành Y khoa cao nhất là 28,27 điểm.

Xu thế mùa tuyển sinh năm nay, các ngành mới, “hot” thuộc các khối xã hội tăng vọt khiến nhiều thí sinh “ngỡ ngàng” và lo lắng. Vấn đề này được đặc biệt quan tâm và đưa ra bàn luận bên lề Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 và triển khai nhiệm vụ năm học 2024 - 2025 do Bộ GD&ĐT tổ chức.

Lý giải nguyên nhân điểm chuẩn tăng vọt

Lý giải nguyên nhân điểm chuẩn theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT của nhiều trường tăng cao, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho hay, các thông tin về ngành, trường ngày càng minh bạch, rõ ràng. Do đó, các trường có chất lượng đào tạo tốt, nhu cầu nhân lực cao sẽ được nhiều thí sinh quan tâm. Chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT giảm cùng sự cạnh tranh mạnh để vào các trường top đầu được cho là những nguyên nhân khiến điểm chuẩn vào nhiều ngành tăng cao.

“Một số ngành chỉ tiêu không nhiều nhưng cả vùng lớn tập trung cũng có thể đẩy điểm chuẩn lên cao. Ngoài ra, điều này còn phụ thuộc vào việc đảm bảo công bằng giữa các phương thức tuyển sinh. Nếu các phương thức tuyển sinh đảm bảo công bằng, đề thi phân hóa rõ, việc điểm chuẩn cao không có gì bất thường. Nhưng nếu không đảm bảo công bằng, thí sinh vào bằng phương thức nào đó dễ dàng hơn, về điều này Bộ cần phải có sự phân tích kỹ”, Thứ trưởng Sơn nói.

Thứ trưởng cho biết điểm chuẩn khối C00 cao, thí sinh đạt 9,5 điểm/môn không trùng tuyển vào nhiều ngành, Bộ GD&ĐT cũng đã có đánh giá và dự báo từ đầu. 

Về điểm chuẩn khối C00 cao, thí sinh đạt 9,5 điểm nhưng không trúng tuyển vào nhiều ngành, ông Sơn cho biết, Bộ GD&ĐT cũng đã có đánh giá và dự báo từ đầu khi so sánh phổ điểm 2 năm qua và thấy có sự nhích lên. Với các trường uy tín, chất lượng, sự cạnh tranh càng thấy rõ.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, cho hay trong những năm vừa qua, với việc tự chủ đại học, các trường được tự chủ về phương thức tuyển sinh và có trách nhiệm làm rõ việc sử dụng các phương thức xét tuyển để đảm bảo công bằng giữa các nhóm đối tượng.

“Tuy nhiên những năm vừa qua, việc xét tuyển sớm được dành số lượng chỉ tiêu tương đối lớn, do đó cũng ảnh hưởng đến số lượng chỉ tiêu theo phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Điều này cũng là một trong những nguyên nhân làm cho điểm chuẩn tăng cao trong một số năm qua”, bà Thủy cho hay.

Với xu hướng như vậy, theo bà Thủy, cần có sự điều chỉnh để các trường tạo sự công bằng cho thí sinh khi tham gia vào các phương thức xét tuyển khác nhau. Đây cũng là điểm quan trọng trong việc điều chỉnh quy chế tuyển sinh sắp tới.

Là ngôi trường được nhắc đến nhiều trong năm nay, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội lý giải thêm về vấn đề này: “Những thí sinh có mức điểm cao như vậy, trong trường hợp không trúng tuyển ngành/nguyện vọng có tính cạnh tranh cao nhất cũng sẽ trúng tuyển những ngành khác. Tôi cho rằng đây là việc rất bình thường trong cuộc sống. Bởi không phải lúc nào cũng chỉ có một mình giỏi, xung quanh chúng ta có thể có những người khác giỏi hơn và phải chấp nhận chuyện đó”, ông Sơn nói.

Mặt bằng chung các trường sư phạm đều có điểm tăng vọt, theo ông Sơn, đó còn là do những chính sách của Nhà nước về việc cấp bù học phí và cung cấp sinh hoạt phí cho sinh viên theo học sư phạm. Vì lý do này nên thu hút số lượng sinh viên vào ngày càng đông. Đồng thời chỉ tiêu vào các ngành Sư phạm trước đó đã được Bộ GD&ĐT điều chỉnh khiến số lượng giảm xuống đáng kể. Song song với đó là thêm nhiều phương thức tuyển sinh nên việc điểm đỗ vào một số ngành tăng vọt là điều dễ hiểu. 

Chỉ tiêu các ngành của Trường đại học Sư phạm thực tế “rất khắc nghiệt” này, các thí sinh các năm sau nếu muốn thi vào trường Sư phạm, cần hết sức chú ý những điều chỉnh về mặt chính sách của Bộ GD&ĐT và các trường.

“Lời khuyên cho các học sinh lớp 12 năm nay là phải theo dõi rất sát những xu hướng điều chỉnh của các trường”, ông Sơn nói.

Đại học Kinh tế quốc dân thông báo điểm chuẩn, ngành cao nhất lấy 28,18 điểm
Trường Đại học Kinh tế quốc dân vừa công bố điểm chuẩn với hầu hết các ngành lấy mức điểm trên 26 điểm. Trong đó, ngành lấy điểm cao...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư