Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 07 tháng 10 năm 2024,
Thị trường bưu chính chuyển phát nhanh 2021: Vượt barie dịch bệnh
Hữu Tuấn - 26/12/2021 14:27
 
Đại dịch Covid-19 với những hạn chế lưu thông, vận chuyển gây nhiều khó khăn, nhưng ngành bưu chính đã có cuộc vượt rào ngoạn mục.
Dù gặp nhiều khó khăn do Covid-19, nhưng ngành bưu chính chuyển phát nhanh vẫn tăng trưởng tốt. Trong ảnh: Nhân viên Viettel Post đang giao hàng

Bay qua vùng giông bão

Năm 2021 là một năm bão táp đối với ngành bưu chính, chuyển phát nhanh khi Covid-19 diễn biến phức tạp, chuỗi cung ứng đứt gãy, vận chuyển hàng hóa khó khăn.

Quý II và quý III/2021 là thời gian đỉnh dịch hoành hành tại Việt Nam, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chuyển phát bị ảnh hưởng nặng nề. Thậm chí, doanh thu bưu chính cả ngành trong quý III giảm đến 50%. Đặc biệt, tại các thị trường lớn như Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam bộ, xe vận chuyển tại các chốt vào tỉnh bị chặn lại, gây ùn tắc, ảnh hưởng tới thời gian toàn trình của bưu gửi. Tại một số quận, huyện, bưu tá và shipper gặp khó khăn khi đi qua các chốt kiểm soát, các bưu cục, kho hàng trong khu vực cách ly, phong tỏa bị buộc phải đóng cửa…

Bên cạnh đó, việc tuyển dụng mới để bù số thiếu hụt không khả thi do không được cấp mã QR để hoạt động. Lực lượng lao động bị cắt giảm theo yêu cầu của chính quyền địa phương khiến các doanh nghiệp bưu chính thiếu nguồn lực để khai thác, hoạt động, đa phần doanh nghiệp chỉ được bố trí khoảng 20% lao động ở TP.HCM hoặc 50% ở Hà Nội. Mặt khác, chi phí xét nghiệm PCR cho bưu tá, shipper khi đi giao nhận, chuyển phát hàng đã phát sinh chi phí lớn.

Trong khó khăn đó, các doanh nghiệp bưu chính chuyển phát đã vượt khó thành công khi hỗ trợ người dân đưa 5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử như Postmart của Vietnam Post, Vỏ Sò của Viettel Post... với hơn 49.000 sản phẩm nông sản được đưa lên các sàn, hơn 67.500 giao dịch được thực hiện.

Bà Cao Cẩm Linh, Giám đốc chiến lược Viettel Postcho biết, trong năm 2021, đơn vị đã tổ chức tập huấn trực tiếp và trực tuyến cho hơn 2,5 triệu lượt hộ sản xuất nông nghiệp. Ngoài quy trình đưa sản phẩm lên sàn, nông dân được hướng dẫn chụp hình, phát trực tiếp (livestream) tương tác với khách hàng.

Ông Phan Trọng Lê, Trưởng ban Nghiên cứu phát triển Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) thông tin, Postmart đã đưa sản phẩm của hơn 2,5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp trong cả nước lên môi trường số, thúc đẩy tiêu thụ hơn 20.000 tấn nông sản.

Nhờ thích nghi linh hoạt, kết quả sản xuất, kinh doanh của ngành bưu chính chuyển phát đã có sự đột phá mạnh mẽ. Trong đó, doanh nghiệp đầu ngành là Vietnam Post dự kiến cán mốc doanh thu hơn 26.600 tỷ đồng, bằng 109,6% doanh thu đạt được năm 2020. Còn Viettel Post dự kiến đạt mốc doanh thu cả năm 2021 là 21.420 tỷ đồng, tăng 23,5% so với năm 2020.

Như vậy, chỉ 2 doanh nghiệp chuyển phát lớn nhất đã ước đạt doanh thu hơn 48.000 tỷ đồng, chưa tính 650 doanh nghiệp bưu chính khác chưa có số liệu. Đây là một nỗ lực vượt bậc, đáng khích lệ của các doanh nghiệp bưu chính chuyển phát trong bối cảnh đặc biệt khó khăn do dịch bệnh.

Điểm tựa

Giải pháp giúp các doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát vượt qua dịch bệnh là ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) chuyển đổi số trong hoạt động. Tại Viettel Post, đơn vị này đẩy mạnh chuyển đổi số bằng việc ứng dụng nhiều công nghệ mới trong ngành logistics vào hoạt động vận hành. Trung tâm Logistics miền Nam được khai trương với hệ thống băng chuyền chia chọn tự động hiện đại. Ngoài ra, hơn 2.000 “bưu cục số” được triển khai toàn quốc đã trở thành xương sống của hoạt động chuyển phát giữa giai đoạn đại dịch Covid-19 đầy căng thẳng.

Ứng dụng công nghệ đã giúp Viettel Post thực hiện “giao nhận hàng không tiếp xúc”, lưu vết lịch sử giao nhận hàng trên ứng dụng, xử lý hàng hóa “ít chạm”, theo dõi hành trình chuyến xe lưu thông trên “luồng xanh”... Nhờ vậy, dù trong giai đoạn dịch bệnh căng thẳng nhất, công ty này vẫn đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu không bị đứt gãy.

Ông Trần Trung Hưng, Tổng giám đốc Viettel Post chia sẻ, trong năm 2022 tới, Viettel Post  lên kế hoạch hoàn thiện hệ sinh thái các dịch vụ logistics, áp dụng tiêu chuẩn ISO 9001:2015 và ISO/IEC 27001:2013 vào vận hành; đẩy mạnh dịch vụ Fulfillment (dịch vụ hoàn tất đơn hàng) tại 17 thị trường trọng điểm trên khắp cả nước; ứng dụng công nghệ IoT (Internet vạn vật) vào dịch vụ chuyển phát nhằm tối ưu năng suất lao động và nâng cao trải nghiệm khách hàng. Viettel Post cũng đặt mục tiêu trở thành “doanh nghiệp tỷ đô” trong năm 2022.

Còn Vietnam Post đã và đang triển khai gần 30 hệ thống, phần mềm, ứng dụng CNTT, tập trung vào các khâu chấp nhận - theo dõi - phát hàng; chăm sóc khách hàng; đối soát, thanh toán… Trong đó, nổi bật là Dự án Hiện đại hóa hệ thống CNTT Bưu chính Việt Nam (MPITS). “Con át chủ bài” của Vietnam  Post được kết nối và đồng bộ với các thiết bị thông minh, thiết bị cầm tay, tạo nên một hệ sinh thái hoàn chỉnh trong quy trình vận hành khép kín của vòng dịch vụ như ứng dụng phát Dingdong cho bưu tá, phần mềm điều tin Pack and send, hệ thống quản lý vận tải TMS, CSKH CRM…

Hay như J&T, trong khi dịch bệnh lan rộng đầu năm 2021, J&T đã hợp tác với Haravan giúp người kinh doanh online không chỉ tiết kiệm đến 50% chi phí vận chuyển, mà còn gia tăng gấp đôi hiệu suất làm việc của đội ngũ nhân viên trong cửa hàng, doanh nghiệp. Sự kết hợp của hai “ông lớn” trong lĩnh vực chuyển phát nhanh và công nghệ mang đến những tiện ích hoàn hảo giúp doanh nghiệp bán lẻ, người kinh doanh online bán hàng và quản lý việc kinh doanh của mình hiệu quả hơn trong thời đại số.

Ông Phạm Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Chiến lược Phát triển bưu chính đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 đã định hướng đẩy mạnh phát triển vào lĩnh vực thương mại điện tử và logistics với quy mô thị trường lên đến 70 - 80 tỷ USD vào năm 2025 và thúc đẩy chuyển đổi ngành bưu chính từ dịch vụ bưu chính truyền thống sang dịch vụ bưu chính số.
Bưu chính vào mùa cao điểm, đặt mục tiêu “đục trần”
Những tháng cuối năm là “mùa gặt” của ngành bưu chính chuyển phát. Đây cũng là thời điểm để gỡ gạc nhiều tháng thất thu do dịch bệnh.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư