Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Thị trường chứng khoán 15/2: HAG tạo game phấn khích, VN-Index tăng 20 điểm
M.H - 15/02/2022 15:05
 
Ngay mở cửa phiên giao dịch, cổ phiếu HAG tiếp tục bị bán tháo và lao thẳng xuống mức sàn 10.750 đồng/cổ phiếu, nhưng rồi gần 25 triệu cổ phiếu đã được mua "trong vài nốt nhạc", tạo game lớn.
Cổ phiếu HAG có phiên giao dịch đầy bất ngờ khi 25  triệu cổ phiếu được sang tay chóng vánh
Cổ phiếu HAG có phiên giao dịch đầy bất ngờ khi 25 triệu cổ phiếu ở mức giá sàn được sang tay chóng vánh

Việc VN-Index đánh mất ngưỡng hỗ trợ 1.480 điểm (MA20-50) sau phiên Valentine đỏ lửa (14/2) khiến bức tranh chung của thị trường có phần xấu đi, nhất là trong bối cảnh tình hình kinh tế - tài chính, địa chính trị thế giới có nhiều biến động theo hướng bất lợi.

Phiên giảm mạnh ngày hôm qua cho thấy thị trường có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy ngắn hạn, dòng tiền sẽ phân hóa và duy trì ở mức vừa phải.

Xét trên góc độ định giá, P/E của VN-Index ở mức 17 lần và là mức trung bình của thị trường trong khoảng 5 năm trở lại đây. P/E của VN30 là 16 lần, thấp hơn một chút so với mức trung bình 5 năm trở lại đây.

Ngoài ra, ngày thứ Năm tuần này (17/2) sẽ diễn ra phiên đáo hạn phái sinh đầu tiên của năm Nhâm Dần 2022, thị trường xuất hiện các biến động bất thường cũng là điều không khó đoán.

Ngay mở cửa phiên giao dịch, cổ phiếu HAG tiếp tục bị bán tháo và lao thẳng xuống mức sàn 10.750 đồng/cổ phiếu (giảm 800 đồng/cổ phiếu tương ứng mức giảm 6,93%), xác lập phiên “lau sàn” thứ hai liên tiếp, khối lượng chất sàn lên đến gần 25 triệu cổ phiếu.

Ở hướng ngược lại cổ phiếu VIC có sự hồi phục, tiếp tục duy trì sắc xanh từ phiên trước đó. Theo phân tích, ngưỡng Fibonacci Projection 61,8% (tương đương vùng giá 80.000 – 82.000) là ngưỡng hỗ trợ khá quan trọng của VIC, nếu giá có thể trụ vững trên vùng này thì khả năng bắt đầu một chu kỳ tăng trưởng mới cho cổ phiếu VIC là khá cao. Những phiên qua, dù giá giảm nhưng khối lượng giao dịch của VIC liên tục nằm trên mức trung bình 20 ngày gần nhất, cho thấy lực cầu rất tốt từ thị trường.

Góp cùng niềm vui là hai cổ phiếu khác “họ nhà Vin” - VHM và VRE.

Mở xanh nhẹ nhàng từ sau phiên ATO, đến khoảng 10h00 sáng thị trường có dấu hiệu đảo chiều khi lực bán tăng dần kéo VN-Index lùi về sắc đỏ. Một phần nguyên nhân đến từ nhóm cổ phiếu dầu khí sau nhịp tăng tương đối tốt đã bị chốt lời ồ ạt. Lực bán nhanh và mạnh với mức giá thấp của nhóm cổ phiếu này khiến tâm lý thị trường có phần lung lay, áp lực tăng thêm khi nhóm ngân hàng, bất động sản, hàng không cũng quay đầu giảm.

Tuy vậy ngưỡng 1.470 điểm của VN-Index được giữ khá vững khi các “anh lớn” trong nhóm VN30 bật mạnh với sắc xanh duy trì ở MSN, MWG, VIC, GAS, FPT, BID, CTG, VPB, STB.

Điểm sáng đến từ nhóm ngân hàng khi nhiều cổ phiếu thuộc nhóm này tăng trở lại trong phiên sáng nay.

Sáng nay, Đại hội cổ đông Eximbank đã được tổ chức sau 3 năm không thể diễn ra, với thông tin Ngân hàng trình cổ đông kế hoạch dự kiến chia cổ tức ở mức 1.800 đồng/cổ phiếu sau lần chia cổ tức gần đây nhất là 4% đã diễn ra từ năm 2013 đã giúp cổ phiếu EIB “xanh mướt”, tiếp chuỗi tăng điểm từ những phiên trước đó và ghi nhận mức tăng hơn 10% về thị giá trong vòng 1 tháng vừa qua, áp sát mức đỉnh 1 năm 37.500 đồng/cổ phiếu.

Bên sàn HNX, ngoài lực kéo mạnh từ THD, CEO, SHS, PVI thì sự suy giảm ở các “đầu kéo” HUT, KFS, IDC, VCS, IPA hay BAB, NVB đã kéo chỉ số đóng cửa ở mức đỏ. Sàn UPCoM cũng vậy, trừ điểm sáng là ACV hay MHC thì BSR, VEA, VGI, SSH, VEF, MSR cùng ABB, BVB, VBB, VAB là những nhân tố kéo lùi chỉ số.

Kết thúc phiên sáng VN-Index đóng cửa ở mốc 1.481,16 điểm, tăng 9,2 tương ứng mức tăng 0,63%; HNX-Index đóng cửa ở mốc 420,46 điểm, giảm nhẹ 0,56 điểm tương ứng mức giảm 0,13%; UPCoM-Index đóng cửa giảm nhẹ 0,01 điểm về 110,84 điểm tương ứng mức giảm 0,01%.

Bước sang đầu phiên chiều, tâm lý hưng phấn từ cuối phiên sáng giúp các nhà đầu tư tự tin giải ngân, cả 3 chỉ số chính đều lần lượt được kéo tăng dù số mã giảm vẫn áp đảo so với số mã xanh.

Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2021 của Hoàng Anh Gia Lai cho thấy, lợi nhuận cả năm đạt 126,55 tỷ đồng.

Năm 2022, HAGL tham vọng lãi hơn 1.000 tỷ đồng. Công ty cũng đề mục tiêu trả hết nợ ngân hàng, cân đối tài chính và chấp nhận những phương án kinh doanh hiệu quả nếu có thể giúp xoá sạch lỗ luỹ kế trong năm 2023.

Game lớn đến từ cổ phiếu HAG khi hàng chục triệu cổ phiếu chất sàn đã được mua "trong vài nốt nhạc". Tại thời điểm 14h00 cổ phiếu HAG còn hồi phục về quanh ngưỡng 12.000 đồng/cổ phiếu. Tổng khối lượng khớp lệnh của riêng cổ phiếu này là gần 34,5 triệu cổ phiếu. Nhà đầu tư "bắt đáy" sáng nay đã có lời ngay trong phiên giao dịch.

Việc thông tin cổ phiếu HAG có khả năng bị hủy niêm yết trên sàn HoSE khiến các cổ đông đang nắm giữ HAG "như ngồi trên lửa". Trong "Đơn kêu cứu" gửi các cơ quan chức năng, một nhóm cổ đông của HAG đã đưa ra một số lý do cho rằng không đủ cơ sở để hủy niêm yết mã HAG.

Cụ thể, các cổ đông nhận thấy rằng Nghị định 155/2020/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 31/12/2020 hướng dẫn Luật chứng khoán, tại điều 120 khoản 1, điểm e thì không có quy định hồi tố lỗ.

Thứ 2, thông tin chính xác được Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai nêu ra là: Năm 2019 công ty làm ăn có lãi, tức là dù hồi tố hay không, năm 2019 công ty vẫn báo lãi, không có chuyện lỗ 3 năm 2017, 2018, 2019 như báo đài đã đưa tin suốt thời gian qua.

Thứ 3, công ty công bố BCTC 2020 có kiểm toán và nội dung hồi tố từ tháng 4/2021 nhưng tại sao gần 10 tháng sau mới có tin thông báo hủy? Nếu HoSE tiến hành hủy đột ngột như vậy sẽ không tuân theo trình tự pháp luật, làm thiệt hại lớn cho cổ đông HAG hiện nay, đặc biệt là những người đã mua cổ phiếu HAG sau thời điểm tháng 4/2021 trên cơ sở căn cứ vào các BCTC quý của HAG gần đây có lãi.

Thứ 4, BCTC hồi tố 2017, 2018, 2019 không có kiểm toán và không có giá trị pháp lý để xem xét có hủy niêm yết hay không?

Nhóm cổ đông của HAG cho biết, họ đầu tư từ sau thời điểm có BCTC đã kiểm toán năm 2020 (ban hành vào tháng 4/2021) và không hề thấy cảnh báo nào từ các cơ quan quản lý. Đến những ngày cuối năm 2021, hàng loạt thông tin, báo cáo từ HAG cho thấy về một doanh nghiệp hồi sinh vì có liên tiếp các quý làm ăn khởi sắc và có lãi trở lại, kỳ vọng 2022 có lợi nhuận gấp hàng chục lần lần năm 2021 nên các nhà đầu tư đã đầu tư rất lớn vào cổ phiếu này. Vì vậy, theo nhóm cổ đông này, nếu HAG bị hủy niêm yết vì những chuyện xảy ra từ những năm trước sẽ gián tiếp “giết chết” các cổ đông, những người đầu tư vì kỳ vọng tương lai, chứ không hề có trách nhiệm phải chịu về những tồn đọng từ quá khứ trước thời điểm đầu tư.

Cuối đơn, nhóm cổ đông đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ, có hay không việc tung tin sai sự thật phá hoại cổ phiếu HAG, hủy hoại sự hoạt động minh bạch của thị trường chứng khoán.

Quay lại diễn biến thị trường, càng về gần phiên ATC thị trường càng sôi động, toàn thị trường ghi nhận

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index đóng cửa ở mức 1.492,75 điểm, tăng 20,79 điểm, tương ứng tăng 1,41%. Trái với phiên hôm qua, số mã tăng hôm nay áp đảo với 210 mã tăng giá, 6 mã tăng trần, 135 mã giảm, 2 giảm sàn, 67 mã đứng giá. Tổng khối lượng giao dịch toàn sàn đạt 606,42 triệu đơn vị, với tổng giá trị gần 19.171 tỷ đồng.

HNX-Index đóng cửa ở mức 423,84 điểm, tăng 2,83 điểm tương ứng tăng 0,67%. 109 mã tăng giá, 8 mã tăng trần, 145 mã đứng giá, 84 mã giảm giá và 2 giảm sàn. Tổng khối lượng giao dịch toàn sàn đạt 52,52 triệu đơn vị, với tổng giá trị 1.646,86 tỷ đồng.

UPCoM-Index đóng cửa ở mức 111,22 điểm, tăng nhẹ 0,37 điểm tương ứng tăng 0,33%. 163 mã tăng giá, 9 mã tăng trần, 579 mã đứng giá, 128 mã giảm giá và 8 giảm sàn. Tổng khối lượng giao dịch toàn sàn đạt  46,22 triệu đơn vị, với tổng giá trị 1.054,17 tỷ đồng.

Cổ phiếu HAG được giao dịch với 38,586 triệu đơn vị, đóng cửa tăng nhẹ 100 đồng/cổ phiếu so với giá tham chiếu lên 11.650 đồng/cổ phiếu.

Trong rổ VN30 ngoài HPG, VJC, PLX ghi nhận sắc đỏ và SBT dừng chân ở mốc tham chiếu, các cổ phiếu còn lại đều đóng cửa trong sắc xanh. MSN là "đầu tàu" hôm nay với mức tăng 8.900 đồng/cổ phiếu lên 160.500 đồng/cổ phiếu, tiếp đó là VHM với mức tăng 1.900 đồng/cổ phiếu lên 80.000 đồng/cổ phiếu, BID tăng 1.450 đồng/cổ phiếu lên 46.200 đồng/cổ phiếu và VIC tăng 1.900 đồng/cổ phiếu để đóng cửa tại mức 83.700 đồng/cổ phiếu.

Khối ngoại hôm nay giải ngân ròng tại các mã STB, DXG, GEX, KBC, VHM, CTG, BID, SSI, GAS, MSN và gia tăng lượng rút vốn tại các mã VRE, HDB, VIC, TPB, DPM, MBB, HNG, HSG, PVT.

Chứng khoán Việt Nam 2022: Kỳ vọng đà tăng và sự trở lại của dòng vốn ngoại
Theo dự báo của Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu của Tập đoàn HSBC, chỉ số VN-Index sẽ tiếp tục tăng trong năm 2022 lên mức 1.850 điểm và kỳ vọng...
Bình luận bài viết này
  • Đức Sơn 18:12 | 15-02-2022
    Tôi là F0 tập tành đầu tư mua được ít cổ phiếu VIC trước Tết âm thì nó giảm suýt thì bán đúng đáy, đọc bài thêm phần tự tin để nắm giữ đến khi huề vốn.
Xem thêm trên Báo Đầu Tư