Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Thị trường chứng khoán: Cần lượng hóa tác động của hành vi vi phạm về thuế trước cắt margin
 
Việc có những cổ phiếu bị loại khỏi danh mục được phép giao dịch ký quỹ (margin) dù số tiền phạt, truy thu thuế rất nhỏ đặt ra vấn đề phải lượng hóa hành vi vi phạm trong trường hợp doanh nghiệp chỉ bị phạt vi phạm hành chính, không có tình tiết tăng nặng, thay vì dựa trên mức độ chung của hành vi như hiện nay.

VNL, SBV, TRA bị cắt margin vì vi phạm thuế

Ngày 29/9/2019, Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE) ra thông báo đưa cổ phiếu TRA vào danh sách cổ phiếu không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ, do Công ty vi phạm pháp luật thuế.

Việc loại khỏi danh mục ký quỹ của cổ phiếu TRA diễn ra chỉ 1 ngày sau khi Công ty công bố thông tin về việc nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Cục Thuế TP. Hà Nội.

Theo quyết định này, TRA bị phạt và truy thu tổng cộng 922 triệu đồng, do Công ty đã khai sai dẫn đến tăng số tiền hoàn thuế, thiếu số thuế phải nộp, khai sai chỉ tiêu trên hồ sơ khai thuế (không dẫn đến thiếu số thuế phải nộp) và sử dụng hóa đơn, chứng từ không có giá trị sử dụng để làm giảm số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp, tăng số thuế được hoàn, được miễn giảm.

TRA là cổ phiếu thứ 3 bị loại margin do vi phạm quy định về pháp luật thuế kể từ đầu quý II/2019. Trước đó, cổ phiếu VNL của Công ty cổ phần Logistics Vinalink và SBV của Công ty cổ phần Siam Brothers Việt Nam bị loại margin do nguyên nhân tương tự.

Cụ thể, theo quyết định ngày 24/6/2019 của Cục Thuế TP.HCM, VNL phải nộp 45,6 triệu đồng tiền phạt 1 lần thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và hành vi khai sai thuế thu nhập doanh nghiệp dẫn đến thiếu số tiền phải nộp.

Ðồng thời, doanh nghiệp bị truy thu thuế và tiền chậm nộp 169,2 triệu đồng. Ngay sau khi công bố thông tin vi phạm thuế, ngày 25/6/2019, HOSE ra quyết định đưa cổ phiếu VNL vào danh mục chứng khoán không được phép ký quỹ.

Với SBV, ngày 2/4/2019, Công ty bị phạt và truy thu gần 4 triệu đồng do hành vi trốn thuế và truy thu thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp. Một ngày sau, cổ phiếu SBV bị đưa vào danh mục không được phép ký quỹ.

Cần lượng hóa tác động đến doanh nghiệp

Trước đây, theo quy định tại Khoản 5, Ðiều 3, Quyết định số 87/QÐ-UBCK ngày 25/1/2017 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, chỉ cần công ty niêm yết bị kết luận của cơ quan thuế về việc vi phạm pháp luật thuế thì chứng khoán sẽ bị đưa vào diện không được giao dịch ký quỹ.

Quy định này khiến nhiều doanh nghiệp bị loại khỏi danh mục ký quỹ trong năm 2017, ngay cả khi số tiền vi phạm chỉ vài triệu đồng, hay vài chục triệu đồng, rất nhỏ so với quy mô tài sản, doanh thu. Sự việc này khi đó đã gặp phản ứng của nhiều thành viên trên thị trường.

Nguyên nhân là bởi vi phạm về thuế được đánh giá rất dễ xảy ra, có khi chỉ do khác biệt trong cách hiểu giữa doanh nghiệp và cơ quan thuế, chứ không phải hành vi cố ý.

Việc cơ quan quản lý thị trường chứng khoán loại margin đồng loạt, chưa có sự phân loại, không phản ánh và không cho nhà đầu tư thấy được mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm, thậm chí thay vì bảo vệ, còn khiến nhà đầu tư gặp bất lợi.

Cụ thể, với những trường hợp cổ phiếu bị loại ký quỹ do doanh nghiệp thua lỗ, vi phạm công bố thông tin, bị cảnh báo, kiểm soát…, nhà đầu tư có thể phần nào theo dõi và dự báo trước, thì với trường hợp vi phạm thuế, nhà đầu tư chỉ biết khi doanh nghiệp công bố.

Khi đó, việc đột ngột bị loại margin có thể nhanh chóng dẫn đến cổ phiếu ký quỹ bị giải chấp, khiến thị giá giảm, nhất là với những mã có thanh khoản không cao.

Trước tình trạng này, nhiều doanh nghiệp, thành viên thị trường đã góp ý, kiến nghị sửa quy định điều kiện chứng khoán được giao dịch ký quỹ về vấn đề vi phạm thuế. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sau đó đã ban hành Quyết định số 1205/QÐ-UBCK ngày 28/12/2017 sửa đổi Khoản 5, Ðiều 3 nói trên.

Theo đó, đối với trường hợp vi phạm thuế, cổ phiếu sẽ không được giao dịch ký quỹ khi công ty niêm yết bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi trốn thuế, gian lận thuế; không chấp hành kết luận cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế; công ty niêm yết bị cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố bị can.

Sau khi sửa đổi, các trường hợp bị loại khỏi danh mục ký quỹ do vi phạm thuế giảm đáng kể. Thực tế, từ đầu năm đến nay, một số cổ phiếu của doanh nghiệp vướng vào vi phạm thuế, nhưng vẫn được duy trì trong danh mục ký quỹ.

Ðơn cử, ngày 14/6/2019, Công ty cổ phần Dược phẩm Cửu Long An Giang bị Cục Thuế tỉnh Vĩnh Long truy thu và xử phạt 1,145 tỷ đồng, bao gồm xử phạt 159,7 triệu đồng đối với hành vi kê khai sai làm thiếu số tiền thuế giá trị gia tăng và thu nhập doanh nghiệp phải nộp; truy thu 798,6 triệu đồng tiền thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm từ 2015 - 2017; DCL cũng phải nộp số tiền chậm nộp thuế là 186,6 triệu đồng.

Tuy vậy, cổ phiếu DCL sau đó không bị đưa vào danh mục cấm ký quỹ như trường hợp của SBV, TRA hay VNL.

Cổ phiếu DCL chỉ bị loại ký quỹ từ cuối tháng 8/2019, khi lợi nhuận sau thuế công ty mẹ trên báo cáo tài chính soát xét bán niên 2019 là con số âm.

Tương tự, Công ty cổ phần Bao bì Mỹ Châu (MCP) bị Cục Thuế TP.HCM phạt, truy thu số tiền 146,7 triệu đồng đối với hành vi khai sai thuế thu nhập doanh nghiệp vào ngày 19/4/2019.

Cổ phiếu MCP vẫn nằm trong danh sách được phép ký quỹ và chỉ bị loại sau ngày 22/8/2019, do lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính soát xét bán niên 2019 là con số âm.

Sau khi sửa đổi, các trường hợp bị loại khỏi danh mục ký quỹ do vi phạm thuế giảm đáng kể. Thực tế, từ đầu năm đến nay, một số cổ phiếu của doanh nghiệp vướng vào vi phạm thuế, nhưng vẫn được duy trì trong danh mục ký quỹ.

Một số doanh nghiệp khác bị phạt vì vi phạm thuế trong thời gian gần đây, nhưng cổ phiếu vẫn nằm trong danh sách được ký quỹ như Công ty cổ phần Cáp điện Việt Nam (CAV) bị Cục Thuế TP.HCM phạt, truy thu hơn 1,103 tỷ đồng tiền thuế theo Quyết định 4851/QÐ-CT ngày 17/9/2019, Công ty cổ phần Vận tải sản phẩm khí Quốc tế (GSP) bị phạt, truy thu 1,9 triệu đồng theo Quyết định 4928/QÐ-CT ngày 24/9/2019 của Cục Thuế TP.HCM.

Có thể thấy, một số doanh nghiệp có hành vi vi phạm tương tự và mức độ bị xử phạt không có nhiều khác biệt như VNL, MCP, nhưng có cổ phiếu bị loại, có cổ phiếu không bị loại margin.

Ðáng chú ý, SBV bị phạt vì hành vi trốn thuế, dù tổng số tiền bị truy thu chưa đến 4 triệu đồng, quá nhỏ so với quy mô hoạt động của doanh nghiệp, nhưng cổ phiếu vẫn bị loại margin.

Trong khi đó, trường hợp tại Công ty cổ phần Bóng đèn Ðiện Quang (DQC), ngày 5/4/2019, Tổng cục Thuế ra quyết định xử lý vi phạm về thuế và các khoản phải nộp khác qua thanh tra việc chấp hành pháp luật về thuế, với tổng số tiền 37,93 tỷ đồng.

Con số này tương đương 42% lợi nhuận sau thuế của DQC trong năm 2018, nhưng cổ phiếu DQC vẫn nằm trong danh sách được ký quỹ. Ðến ngày 15/8/2018, cổ phiếu DQC mới bị loại margin khi ý kiến kiểm toán của Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn tài chính kế toán và kiểm toán Nam Việt trên báo cáo soát xét bán niên có ngoại trừ.

Ý kiến ngoại trừ mà công ty kiểm toán đưa ra với DQC có liên quan đến quyết định phạt thuế trên.

Do đó, quyết định đưa cổ phiếu ra khỏi danh mục được phép margin hay không khi doanh nghiệp vi phạm pháp luật thuế cần có thêm tiêu chí định lượng, nhằm đảm bảo công bằng và tránh những hệ lụy không đáng có, nhất là đối với nhà đầu tư đại chúng.

Theo đó, cơ quan quản lý thị trường chứng khoán nên lượng hóa tác động của hành vi vi phạm về thuế đến doanh nghiệp trước khi ra quyết định cắt margin.

Việc lượng hóa cần rõ ràng, minh bạch, chẳng hạn, tính toán số tiền phạt và truy thu phải chiếm tỷ trọng nhất định trên doanh thu, tài sản của doanh nghiệp, thay vì chỉ dựa vào nội dung xử phạt như hiện nay.

Thị trường chứng khoán: "Con dao hai lưỡi" margin
Không thể tin, tức giận, ngao ngán... rồi đến “chấp nhận” là những cảm xúc mà người viết ghi nhận được khi tìm hiểu tại một số công ty...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư