Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Thị trường chứng khoán kỳ vọng lấy lại đà tăng trưởng
Khắc Lâm - 02/01/2019 10:42
 
Sau khi VN-Index suy giảm lần đầu tiên kể từ năm 2011 trong năm 2018, thị trường chứng khoán Việt Nam được kỳ vọng sẽ lấy lại đà tăng trưởng trong năm 2019.

Dự báo tăng trưởng trở lại

Trước thềm năm 2019, báo cáo phân tích của các công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, chuyên gia đã liệt kê một loạt khó khăn mà thị trường năm 2019 phải đối mặt. Báo cáo phân tích của Công ty cổ phần chứng khoán Ngân hàng Quân đội (MBS) đánh giá: “Về cơ bản, kinh tế vĩ mô vẫn ổn định và không có diễn biến nào vượt tầm kiểm soát, nhưng môi trường kinh tế vĩ mô năm 2019 sẽ không hỗ trợ mạnh mẽ cho thị trường chứng khoán như trong năm 2018”. 

.
.

Một số khó khăn được MBS chỉ ra như áp lực cân đối vĩ mô khiến Ngân hàng Nhà nước phải thận trọng hơn trong việc cung tín dụng cho nền kinh tế, tăng trưởng tín dụng và tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên GDP 2019 dự báo đều thấp hơn 2018. Bên cạnh đó, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng làm giảm triển vọng tăng trưởng của cả hai quốc gia. Việc Mỹ tiếp tục quá trình bình thường hóa lãi suất, Liên minh châu Âu (EU) chấm dứt gói nới lỏng định lượng và bắt đầu nâng lãi suất vào giữa năm 2019 sẽ khiến dòng tiền rẻ không còn nữa.

“Thị trường chứng khoán toàn cầu, trong đó có Việt Nam sẽ trải qua một giai đoạn định giá lại và khó có sự cải thiện về mặt định giá trong năm 2019, mức tăng trưởng của thị trường chứng khoán phụ thuộc vào tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp”, MBS nhận định.

Tuy vậy, sau giai đoạn điều chỉnh mạnh, việc định giá các cổ phiếu trở nên rẻ nhất trong 2 năm trở lại đây sẽ là yếu tố kích hoạt dòng tiền quay trở lại. Mức định giá còn tốt hơn khi lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp dự báo tiếp tục tăng trưởng trong năm 2019 dù tốc độ có thể thấp hơn năm 2018. Bên cạnh đó, triển vọng tăng trưởng của kinh tế được duy trì, tỷ giá, lãi suất, lạm phát vẫn được kiểm soát sẽ là những yếu tố ủng hộ cho sự hồi phục của thị trường.

Đánh giá về triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam trong một phân tích tháng 12/2018, Bloomberg dẫn nhận định của ông Bernard Lapointe, Giám đốc nghiên cứu tại Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, ông kỳ vọng VN-Index trong năm 2019 sẽ nằm trong khoảng 900 - 1.000 điểm. Lạc quan hơn, ông Michel Tosto, Giám đốc môi giới khách hàng tổ chức tại Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng, Chỉ số VN-Index có thể đạt 1.060 điểm vào cuối năm 2019.

Doanh nghiệp hưởng lợi từ tự do hóa thương mại

Chỉ mới kết thúc 11 tháng đầu năm 2018, hàng loạt doanh nghiệp dệt may, thủy sản đã báo lãi tăng trưởng đột biến so với cùng kỳ năm 2017, sớm hoàn thành các kế hoạch kinh doanh cả năm. Theo đó, tăng trưởng mạnh về doanh thu và lợi nhuận là câu chuyện được ghi nhận tại hàng loạt doanh nghiệp nhờ thị trường thuận lợi. 

Sau năm 2018 bứt phá, triển vọng giữ vững tăng trưởng của các doanh nghiệp trong ngành vẫn được đánh giá cao trong năm 2019. Trong đó, một động lực quan trọng đến từ việc các hiệp định tự do thương mại như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)… có hiệu lực, sẽ mở rộng cánh cửa xuất khẩu vào các thị trường chủ lực. 

“Trong trường hợp đáp ứng được các điều kiện về nguyên tắc xuất xứ, dệt may Việt Nam dự kiến tăng gấp đôi thị phần tại các thị trường CPTPP sau khi hiệp định này có hiệu lực”, Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) nhận định.

Sau CPTPP, Hiệp định EVFTA cũng đang chờ đợi sớm được ký chính thức trong 2019, tạo động lực thúc đẩy xuất khẩu vào EU - 1 trong 2 thị trường lớn nhất của cả ngành dệt may và thủy sản Việt Nam. Cùng với đó, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung cũng kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho các đơn hàng nhập khẩu chuyển dịch sang các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.

Nếu như các ngành “hướng ngoại” chờ hưởng lợi từ thị trường xuất khẩu, thì với ngành khu công nghiệp, các hiệp định thương mại tự do cùng với cuộc chiến thương mại cũng được kỳ vọng tăng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và xu hướng chuyển dịch các nhà máy sản xuất vào Việt Nam, làm tăng nhu cầu thuê đất và giá thuê. 

Một động lực tăng trưởng khác với các doanh nghiệp khu công nghiệp là sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp ô tô trong nước. CBRE Việt Nam nhận định: “Những thay đổi trong chính sách của Chính phủ ảnh hưởng đáng kể đến ngành sản xuất và lắp ráp ô tô, tạo ra các cơ hội phát triển cho bất động sản công nghiệp. Các nhà đầu tư bất động sản công nghiệp đang ở trong thời điểm rất tốt để khai thác lợi ích từ nhu cầu mở rộng sản xuất của các đơn vị sản xuất và lắp ráp ô tô”.

Nhiều ngành sản xuất hưởng lợi từ giá dầu giảm
Sau khi đạt đỉnh 4 năm ở mức 86 USD thùng vào đầu tháng 10/2018, giá dầu Brent đã giảm 30% trong 2 tháng qua và hiện đi ngang quanh 60-61 USD/Thùng. Worldbank, EIA… đều dự báo, giá dầu sẽ tăng trong năm 2019, nhưng mức tăng sẽ không quá mạnh, bình quân ở mức 65-70 USD/thùng.
Đó là thông tin không mấy tích cực với các doanh nghiệp dầu khí, nhưng lại đang là tin tức có lợi với các doanh nghiệp phân bón, vận tải, hàng không, nhiệt điện khí… sử dụng dầu, khí là nguyên liệu đầu vào quan trọng.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang đắt hay rẻ?
P/E bình quân của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đang là 17,4 lần, ở mức trung bình so với mặt bằng chung các nước trong khu vực Đông Nam Á....
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư