Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Thị trường chứng khoán kỳ vọng ‘sóng’ phục hồi sau nghỉ lễ
Chí Tín - 03/09/2015 08:40
 
Sau đợt tụt giảm diễn ra từ cuối tháng 8, tín hiệu phục hồi đã xuất hiện và động thái này đặt ra kỳ vọng về đợt sóng đi lên sau kỳ nghỉ lễ 2/9.

Cơn ác mộng của các nhà đầu tư chứng khoán bắt đầu xuất hiện từ cuối tháng 7/2015. Chỉ trong vòng 1 tháng, chỉ số VN-Index trên sàn TP.HCM đã bốc hơi mất gần 17% giá trị. Từ phiên giao dịch ngày 27/7 đến phiên ngày 24/8, VN-Index đã tuột dốc từ mốc 635,4 điểm xuống đáy 526,93 điểm. Trong những ngày cuối tháng 8, giá chứng khoán có xu hướng tăng lên, với VN-Index đạt 564,75 điểm vào ngày 31/8.

Điều đáng chú ý là, sự đảo chiều này diễn ra khá bất ngờ, khi diễn biến thị trường trước đó vẫn khá lạc quan, xu hướng đi lên diễn ra khá đều và ổn định. Từ giữa tháng 5 đến giữa tháng 7/2015, VN-Index trên sàn TP.HCM tăng đều đặn từ 528,95 điểm (phiên 18/5) lên mốc 638,69 điểm (phiên 14/7).

.
 Tín hiệu phục hồi thị trường đã xuất hiện và động thái này đặt ra kỳ vọng về đợt sóng đi lên sau kỳ nghỉ lễ 2/9.

 

Theo đó, sự đảo chiều bất ngờ với tốc độ nhanh của thị trường chứng khoán diễn ra trong tháng 8 hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của nhiều nhà đầu tư, đạp đổ toàn bộ những thành quả mà thị trường đã tích lũy được trong 3 tháng trước đó.

Giới chuyên môn đã đưa ra một số nguyên nhân để lý giải cho sự đổ dốc này. Trong đó, nguyên nhân đầu tiên được nhắc đến là đà sụt giảm mạnh diễn ra trên thị trường chứng khoán Trung Quốc, kéo theo dòng tiền rút ra khỏi Trung Quốc và cả một số  quốc gia châu Á khác.

Ngoài ra, những biến động về vàng và tỷ giá diễn ra trong tháng 8 cũng được cho là yếu tố ảnh hưởng mạnh mẽ đến tâm lý của giới đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Trong khi đó, những lo ngại về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất USD vẫn còn đó cũng khiến các nhà đầu tư nước ngoài chùn tay, nên ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, theo quan sát của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), ngay cả trong những phiên khối ngoại bán ròng, thì động thái bán mạnh cũng không diễn ra trên diện rộng, bởi họ chủ yếu bán nhóm cổ phiếu dầu khí.

Ngoài ra, sau một chu kỳ giảm điểm của thị trường chứng khoán trong suốt tháng 8, một số yếu tố tích cực đã xuất hiện. Trong đó, thể hiện rõ nhất là chỉ số số giá trên thu nhập (P/E) bình quân của các cổ phiếu trên thị trường Việt Nam đã về mức rất hấp hấp dẫn.

Cụ thể, P/E của VN-Index và HNX-Index tại phiên giao dịch 25/8 chỉ nằm trong khoảng 9 - 10, là mức khá thấp tương tự như giai đoạn đầu năm 2012. Theo đó, với bối cảnh thị trường hiện nay, với những nhà đầu tư nắm giữ nhiều tiền mặt và chấp nhận mạo điểm, đây chính là cơ hội tốt để giải ngân thăm dò, với tỷ trọng 20 - 30% danh mục.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán đang là tâm điểm hút khách bởi kỳ vọng hưởng lợi từ quyết định nới “room”. Trong khi đó, một số cổ phiếu có quy mô trung bình và nhỏ, không nằm trong những ngành kinh doanh có điều kiện cũng được giới đầu tư chú ý bởi đây sẽ là những hàng hóa tiềm năng cho làn sóng M&A thời gian tới. Trong phiên giao dịch ngày 31/8, dù thị trường chung giảm điểm, nhưng khá nhiều cổ phiếu tầm trung vẫn tăng trần, như VSI của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng cấp thoát nước, VID của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển thương mại Viễn Đông, TTP của Công ty cổ phần Bao bì nhựa Tân Tiến, SCD của Công ty cổ phần Nước giải khát Chương Dương...

Đánh giá xu thế thị trường chứng khoán Việt Nam trong mặt trung hạn, ông Hang Jin Yun, chuyên gia phân tích cao cấp thuộc Công ty Đầu tư chứng khoán KIS của Hàn Quốc (công ty mẹ của Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam) cho biết, các rủi ro tài chính bên ngoài chỉ ảnh hưởng đến chứng khoán Việt Nam ở mức hạn chế. Chẳng hạn, việc Fed tăng lãi suất sẽ tác động tiêu cực đến nhiều thị trường chứng khoán trên thế giới, nhưng ảnh hưởng của động thái này đến thị trường Việt Nam sẽ không lớn.

Trong khi đó, ông Hang Jin Yun cũng đưa ra đánh giá lạc quan về tác động của các quy định mới trong Nghị định 60/2015/NĐ-CP và Thông tư 123/TT-BTC (về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài - “room”). Với các quy định này, các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ có thể triển khai ngay việc mở “room” lên 100%, không cần chờ văn bản hướng dẫn như các nhóm ngành khác.

“Sàn TP.HCM có thể hút thêm từ 35.000 đến 118.000 tỷ đồng vốn đầu tư nước ngoài mới trong dài hạn”, ông Hang Jin Yun nói. Tuy nhiên, dòng vốn này không vào nhanh, mà sẽ vào với tốc độ khá chậm và tốc độ cụ thể sẽ phụ thuộc nhiều vào sự dịch chuyển dòng vốn trên thị trường quốc tế và động thái điều chỉnh lãi suất cơ bản của Fed.

Mở cửa thị trường chứng khoán phái sinh trong năm 2016
Nhà quản lý, cũng như các thành viên thị trường đang hoàn tất những khâu cuối cùng để có thể mở cửa TTCK phái sinh trong năm tới.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư