Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Thị trường chứng khoán: Sớm muộn gì cũng sẽ bùng nổ
Cổ phiếu nhóm ngành nào hấp dẫn và nên áp dụng chiến lược giao dịch nào? Đó là câu hỏi thường trực của nhiều nhà đầu tư chứng khoán.

TS. Lê Đức Khánh, Giám đốc Trung tâm Phân tích, CTCP Chứng khoán Dầu khí (PSI) chia sẻ dự báo về khả năng thị trường chứng khoán (TTCK) bùng nổ, với lời khuyên nhà đầu tư nên nắm giữ các cổ phiếu hàng đầu, giao dịch tập trung, có trọng điểm, ít nhất là cho đến giai đoạn cuối năm 2018.

TS. Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược của PSI
TS. Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược của PSI

Vượt qua giai đoạn “tăng trong nghi ngờ”

TTCK tính từ thời điểm mà VN-Index tạo đáy tại vùng hỗ trợ mạnh 890 - 900 điểm vào đầu tháng 7, đến nay đang thể hiện diễn biến giao dịch khá tích cực.

Giai đoạn hồi phục của thị trường tính từ vùng đáy đến cuối tháng 8 kéo dài 2 tháng. Khoảng thời gian này chúng ta có thể gọi là “giai đoạn tăng điểm trong nghi ngờ”, trong bối cảnh căng thẳng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang, cũng như “bóng ma” lạm phát, biến động tỷ giá gia tăng, có nguy cơ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong các tháng cuối năm 2018.

Quan sát thị trường cho thấy, quý II/2018 có diễn biến khá giống các năm trước, khi mà kinh tế vĩ mô không nhiều tin tức hỗ trợ, tỷ giá biến động mạnh (dù không cao như giai đoạn lịch sử 2014-2015), khiến nhà đầu tư ít nhiều lo ngại. Trái ngược với tăng trưởng GDP quý II tiếp tục tích cực, TTCK Việt Nam tạo đáy và sau đó hồi phục, tăng gần 100 điểm lên vùng 980 điểm trong vòng 2 tháng qua.

Có thể nói, diễn biến vĩ mô đôi khi không phản ánh được xu hướng của TTCK bởi việc tăng/giảm của thị trường không chỉ bị chi phối, ảnh hưởng bởi tin tức vĩ mô cả tích cực lẫn tiêu cực, mà còn tác động phần lớn bởi tâm lý nhà đầu tư. Tâm lý luôn là yếu tố khó đo lường nhất trên TTCK.

Tháng 8 có thể gọi là giai đoạn chạy đà khi chỉ số VN-Index/VN30 biến động tăng không nhiều, nhưng dòng tiền có xu hướng gia tăng tích lũy mạnh cổ phiếu trên thị trường.

Giao dịch trên toàn thị trường không quá sôi động, nhưng sự phân hóa đã thấy rõ. Dòng tiền lớn chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu cơ bản, những cổ phiếu dẫn sóng vốn hóa lớn điển hình như nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán và dầu khí.

Những cổ phiếu lớn qua thống kê có sự hồi phục tốt nhất là VCB, BID, GAS, PVS, MSN. Như vậy, rõ ràng, dòng tiền lớn đã tập trung vào các cổ phiếu đầu ngành và sẽ bắt đầu lan tỏa dần sang các cổ phiếu đầu cơ. Thị trường sớm muộn gì cũng sẽ “bùng nổ”, nhưng câu hỏi lớn nhất là vào thời điểm nào?

Có những yếu tố chỉ ra cho thấy, tháng 9 nhiều khả năng sẽ là tháng mà TTCK có những phiên bùng nổ về giao dịch cũng như thanh khoản do niềm tin nhà đầu tư đã quay trở lại, xuất hiện nhiều thông tin tích cực hỗ trợ thị trường.

Tháng 9: nhiều thông tin vĩ mô hỗ trợ thị trường chứng khoán

Yếu tố đầu tiên là triển vọng kinh tế vĩ mô. Đây sẽ là động lực hỗ trợ sóng tăng điểm của TTCK trong tháng 9. Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nền kinh tế Việt Nam có khả năng duy trì tốc động tăng trưởng cao trong quý III cũng như quý IV/2018. Kế hoạch mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% không phải là quá khó trên cơ sở đánh giá các số liệu báo cáo triển vọng các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh.

Bên cạnh đó, nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) không tăng lãi suất trong kỳ xem xét sắp tới cũng sẽ khiến thị trường tài chính toàn cầu ổn định hơn, trong đó có TTCK Việt Nam.

Bất chấp những tác động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, các tổ chức tín dụng uy tín quốc tế vẫn đánh giá cao tiềm năng phát triển kinh tế của Việt Nam trong năm 2018 và các năm tới.

Tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s  Investors Service đánh giá một cách thận trọng rằng, tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ duy trì đà tăng 6,4% ít nhất trong giai đoạn 2018 - 2020. Lạc quan hơn, Ngân hàng ANZ và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đều dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ dao động từ mốc 6,8% cho đến 7,1% trong giai đoạn 3 năm tới. Lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế nội địa, môi trường kinh doanh hấp dẫn là những lý do để kỳ vọng các nhà đầu tư trong và ngoài nước tự tin giải ngân hơn vào TTCK.

Để xem xét về yếu tố thời điểm, Trung tâm Phân tích CTCP Chứng khoán Dầu khí (PSI) đã thực hiện thống kê trên TTCK giai đoạn 2002-2017, tức là nhìn sự chuyển động của thị trường trong 15 năm. Kết quả cho thấy, tháng 9 luôn là tháng TTCK có giao dịch tốt so với các tháng khác trong năm. Nếu các tháng hè đi kèm diễn biến giao dịch trầm lắng trên 2 sàn, thì tháng 9 lại cho kết quả là tháng khởi động cho đợt sóng tăng điểm trong chuỗi thời gian cuối năm.

Hai chuyên gia đầu tư nổi tiếng James O'Shaughnessy và Robert Shiller khi nghiên cứu số liệu thống kê trên TTCK Mỹ giai đoạn 1895-2004 cũng chỉ ra rằng, giai đoạn cuối năm, nhất là tháng 9 và tháng 10, lợi suất chứng khoán thường tốt chỉ sau giai đoạn đầu năm, tức là từ tháng 1 cho đến tháng 4.

Tại TTCK Việt Nam, cuối tháng 8, hàng loạt cổ phiếu lớn đang có dấu hiệu bước vào giai đoạn tăng tốc. Nhiều cổ phiếu lớn đã tăng mạnh hơn so với thị trường chung như BID, VCB, GAS, BVH và đương nhiên sau đó, VN-Index/VN30 sẽ lại hồi phục để bắt kịp các nhóm cổ phiếu lớn này.

Nhóm ngành nào hấp dẫn và áp dụng chiến lược giao dịch nào?

Các chuyên gia kỹ thuật đã không còn lạ lẫm với tín hiệu trung bình động MA200. Các môi giới chứng khoán cũng như các chuyên gia đầu tư trên thị trường thường dựa trên đường tín hiệu này để đánh giá các cổ phiếu mạnh.

Nếu VN-Index đang gặp vùng kháng cự rất mạnh 980-1.000 điểm, nằm dưới điểm giao cắt với đường tín hiệu MA200, thì có nhiều cổ phiếu lớn đã vượt qua đường tín hiệu này. Như vậy, câu chuyện chỉ là vấn đề thời gian nào VN-Index sẽ vượt cứ điểm 1.000 điểm? Câu trả lời từ diễn biến vĩ mô cũng như dấu hiệu kỹ thuật từ thị trường cho thấy, nhiều khả năng tháng 9 sẽ là tháng VN-Index bước vào giai đoạn bứt phá vùng điểm này.

Thông thường những nhóm cổ phiếu nhạy với thị trường, những cổ phiếu hàng đầu của các doanh nghiệp có ngành nghề cơ bản như ngân hàng, dầu khí, xây dựng, chứng khoán sẽ tăng giá trước. Đây có thể là những tín hiệu đầu tiên đánh dấu giai đoạn tăng điểm mới của thị trường.

Diễn biến giao dịch tại các cổ phiếu VCB, BID, GAS, BVH, CTD, PVS, HPG… đang cho thấy, lực cầu có diễn biến tích cực dần lên. Khi nhóm ngành này bứt lên, giai đoạn tiếp theo tâm điểm thường là nhóm cổ phiếu lớn. Nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ sẽ tăng điểm luân phiên và tất nhiên, có cả sự góp mặt của nhóm cổ phiếu đầu cơ lớn như KBC, ITA, SSI, FLC...

Một khi nhiều người cùng chung xu hướng dự báo thị trường sẽ tăng điểm và vượt mốc 1.000 điểm trong thời gian ngắn, mối quan tâm tiếp theo là chiến lược mua và nắm giữ các cổ phiếu nào. Theo chúng tôi, sự lựa chọn nên dành cho các cổ phiếu hàng đầu, với chiến lược giao dịch tập trung, có trọng điểm, ít nhất là cho đến giai đoạn cuối năm 2018.

Thị trường chứng khoán: Đầu tư vào quỹ có dễ kiếm lời?
3.419 là số nhà đầu tư được ghi nhận trong Báo cáo bán niên 2018 của Quỹ Ðầu tư chứng khoán Việt Nam (VF1), công bố cuối tuần qua. Theo đó, 6 nhà...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư