Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Thị trường chứng khoán: Cổ phiếu phân bón có cơ phục hồi?
 
Trong bối cảnh thị trường phân bón gặp nhiều khó khăn, câu chuyện cổ phiếu ngành phân bón đang gắn liền với kỳ vọng thay đổi chính sách thuế giá trị gia tăng, bên cạnh đó là yếu tố giá dầu và kế hoạch hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc.

Năm 2018 được dự báo tiếp tục là năm khó khăn với các doanh nghiệp trong ngành sản xuất phân bón bởi nhiều lý do. Ngoài cạnh tranh gay gắt bởi các doanh nghiệp trong nước và với các sản phẩm ngoại nhập, thị trường phân bón Việt Nam đang đối mặt với tình trạng dư cung lớn.

Theo Bộ Công thương, nhu cầu tiêu thụ trong nước mỗi năm ước tính khoảng 11 triệu tấn phân bón các loại phục vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp, trong đó phân bón vô cơ chiếm hơn 80% nhu cầu cả nước, phân hữu cơ và phân bón khác chiếm 20%.

Trong khi đó, ước tính, tổng lượng cung phân bón mỗi năm tại Việt Nam (tính cả nhập khẩu) đạt khoảng 33 triệu tấn, gấp hơn 3 lần nhu cầu.

Cùng với đó, giá dầu thô có xu hướng tăng mạnh trong thời gian qua khiến giá nguyên liệu đầu vào sản xuất phân urê dự báo sẽ tăng.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), giá dầu trong năm 2018 dự báo đạt trên 70 USD/thùng, mức này cao hơn 29% so với đầu năm và cao hơn 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Diễn biến này sẽ tác động đến chi phí nguyên liệu của các doanh nghiệp sản xuất urê như DPM, DMC hay LAS.

DPM cho biết, do ảnh hưởng của giá dầu tăng nên trong 6 tháng đầu năm 2018, giá khí đầu vào cho sản xuất của doanh nghiệp đã tăng khoảng 19% so với cùng kỳ năm 2017 và tăng khoảng 24% so với giá kế hoạch năm 2018.

Việc giá dầu tăng kéo theo giá khí tăng, nhưng giá phân bón chưa phản ánh ngay, điều này có thể khiến lợi nhuận của doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Doanh thu hợp nhất của DPM trong 6 tháng đầu năm 2018 đạt 4.782 tỷ đồng, tăng 9,9%; lợi nhuận sau thuế đạt 402 tỷ đồng, giảm gần 13% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhóm ngành phân bón đang kỳ vọng Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) sẽ được sửa đổi, trong đó mặt hàng phân bón chuyển từ mặt hàng không chịu thuế sang chịu thuế 5%.

Nếu dự luật này được thông qua, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu phân bón và nguyên liệu sản xuất phân NPK sẽ có cơ hội giảm mạnh chi phí như DCM, DPM, LAS, VAF, SFG…, qua đó tăng tính cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu. Theo ước tính của đại diện DPM, nếu chính sách thuế VAT thay đổi như trên, doanh nghiệp có thể tiết kiệm 260 - 370 tỷ đồng mỗi năm.

Trên sàn chứng khoán, nhóm cổ phiếu phân bón từ đầu năm đến nay khá “thầm lặng”. Trong khoảng 8 cổ phiếu phân bón điển hình, trừ DDV của Công ty cổ phần DAP-Vinachem tăng giá hơn 28% so với đầu năm, nhờ hưởng lợi trực tiếp từ thông tin áp thuế tự vệ đối với sản phẩm MAP, DAP, thì đa phần các cổ phiếu lớn trong ngành đều đi xuống như DPM giảm 12,7%, DMC giảm 16,9%, BFC giảm 18,4%.

Đà giảm giá của cổ phiếu BFC được cho là đến từ kết quả kinh doanh sụt giảm trong 6 tháng đầu năm 2018. Theo BFC, trong 6 tháng đầu năm, thị trường phân bón có nhiều biến động do lượng hàng nhập khẩu ngày càng nhiều, cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các nhà sản xuất phân bón trong nước, khiến sản lượng bán ra của Công ty suy giảm.

Bên cạnh đó, để duy trì lượng hàng bán ra, Công ty điều chỉnh chính sách bán hàng, hỗ trợ các đại lý, làm cho chi phí bán hàng tăng 25%, khiến lợi nhuận sau thuế 6 tháng giảm 30% (đạt 144 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, về dài hạn, BFC được giới đầu tư đánh giá cao bởi chủ trương đầu tư đẩy mạnh thị trường xuất khẩu trong đó mục tiêu hướng đến thị trường khu vực Đông Nam Á. Được biết, BFC đang ấp ủ kế hoạch đầu tư nhà máy tại Myanmar nhằm đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường này, cũng như tối ưu hóa chi phí sản xuất và vận chuyển.

Để triển khai, BFC phải chờ phê duyệt phương án đầu tư từ cổ đông lớn nhà nước là Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem). Cũng chính vì vậy, kế hoạch thoái vốn của Vinachem tại BFC luôn được cổ đông quan tâm và chất vấn qua các kỳ Đại hội đồng cổ đông.

Cùng với BFC, SFG là cổ phiếu dự kiến sẽ được Vinachem thoái vốn xuống dưới 50% trong giai đoạn 2017 - 2020. Ngoài ra, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đặt kế hoạch sẽ thoái vốn tại DCM và DPM, với tỷ lệ nắm giữ dự kiến không cao hơn 51%.

Nhìn về những tháng cuối năm, theo giới phân tích, có một điểm tích cực với cổ phiếu phân bón là giá phân bón có thể tăng khi giá dầu tăng và Trung Quốc hạn chế xuất khẩu. Đây là thông tin hỗ trợ ngành trong bối cảnh vụ mùa chính sử dụng phân bón đã đi qua.

Việt Nam là quốc gia nhập siêu phân bón trong những năm gần đây. Tính đến hết tháng 7/2018, Việt Nam xuất khẩu 554.861 tấn phân bón các loại, với tổng giá trị 180 triệu USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nhập khẩu 2,49 triệu tấn với giá trị 705 triệu USD, theo đó Việt Nam nhập siêu hơn 525 triệu USD.

Theo đó, giá phân bón thế giới và Việt Nam được dự báo sẽ tăng trong thời gian tới khi Trung Quốc, quốc gia chiếm thị phần lớn trên thị trường phân bón thế giới và Việt Nam nhập khẩu chính từ thị trường này, có kế hoạch hạn chế xuất khẩu.

Ngoài ra, yếu tố cổ tức cao và đều đặn cũng là một điểm cộng đối với nhóm cổ phiếu phân bón.

Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí thông qua chủ trương nới room cho nhà đầu tư ngoại
ĐHĐCĐ thường niên năm 2018 của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM) diễn ra sáng nay (26/4) đã thông qua các nội dung tờ trình, đáng chú ý...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư