Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Thị trường chứng khoán tháng 6: Triển vọng tạo đáy và phục hồi
Dưới góc nhìn của ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích Công ty Chứng khoán Bản Việt, khi VN-Index mất gần 200 điểm so với mức đỉnh thì nền tảng thanh khoản thấp trong giai đoạn này nên được đón nhận theo khía cạnh tích cực.
 Ông Vũ Minh Đức
Ông Vũ Minh Đức

Tuần qua, thị trường đón thêm tân binh nặng ký là VHM (Vinhomes), nhưng phản ứng thị trường không như kỳ vọng, VN-Index vẫn chìm trong sắc đỏ. Theo ông, nguyên nhân do đâu?

Việc VHM tăng trần trong phiên chào sàn, theo tôi, đã nằm trong kỳ vọng của thị trường, do mức giá chào sàn thấp hơn khá nhiều so với mức giá giao dịch trên thị trường OTC trước đó. Do vậy, đà tăng của cổ phiếu này ít có tác động lan tỏa về tâm lý tới thị trường.

VHM đã trở thành cổ phiếu có vốn hóa lớn thứ hai trên sàn HOSE, sau VIC. Tuy nhiên, mức tăng điểm của VHM trong phiên 17/5 chưa được tính vào biến động của VN-Index. Chỉ số đại diện sàn HOSE đã giảm mạnh 2,3% trong phiên giao dịch này do tác động của rất nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn khác giảm điểm mạnh như VIC, SAB, VNM, MSN, BVH, VPB, GAS…

Nhìn rộng hơn, VN-Index vẫn nằm trong nhịp điều chỉnh giảm bắt đầu từ tháng 4, từ mức cao lịch sử 1.211,34 điểm.

Cùng với đà sụt giảm của chỉ số, thanh khoản đang ở mức khá thấp. Theo ông cần gì để giải tỏa áp lực thị trường hiện tại, kéo dòng tiền quay trở lại?

Tôi cho rằng, khi VN-Index mất gần 200 điểm so với mức đỉnh thì nền tảng thanh khoản thấp trong giai đoạn này nên được đón nhận theo khía cạnh tích cực. Ngoại trừ lực bán tập trung vào một số mã lớn, tạo nên biến động của chỉ số thì áp lực bán trên phần lớn các cổ phiếu khác đã suy yếu đáng kể.

Nhiều nhà đầu tư ở phân khúc này đã lựa chọn việc nắm giữ cổ phiếu cho trung hạn, thay vì bán ra. Đây là điều kiện cần thiết để thị trường hình thành một vùng đáy. Tôi tin rằng, bước qua giai đoạn này, thanh khoản sẽ tăng trở lại khi thị trường, với đại diện là VN-Index, có những tín hiệu hình thành một sóng tăng điểm mới.

Ngoài rủi ro thanh khoản, có rủi ro nào cần cân nhắc khi tham gia thị trường giai đoạn hiện nay không?

Các tín hiệu kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn rất khả quan, nền tảng định giá của thị trường đang trở lại mức hợp lý hơn trong quá trình điều chỉnh giảm của chỉ số VN-Index. Những rủi ro của thị trường hiện nay đều là những rủi ro mang tính chất ngắn hạn.

Ngoài việc thanh khoản đang ở mức khá thấp và chưa ủng hộ cho các hoạt động đầu cơ thì việc khối ngoại bán ròng liên tục và áp lực khá lớn lên nhóm blue-chip trên sàn HOSE trong thời gian gần đây có thể khiến nhà đầu tư quan ngại.

Nguyên nhân của việc bán ròng này có thể được lý giải bởi việc họ tái cấu trúc lại danh mục sau một chu kỳ tăng trưởng mạnh của VN-Index và dịch chuyển phần nào sang các cổ phiếu hấp dẫn khác đã và sắp lên sàn như Vinhomes hay Techcombank. Ngược lại, chúng tôi chưa thấy động thái rút tiền đáng kể qua các quỹ ETF trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn duy trì xu hướng tăng lãi suất đồng USD.

Những rủi ro của thị trường hiện nay đều là rủi ro mang tính ngắn hạn
Những rủi ro của thị trường hiện nay đều là rủi ro mang tính ngắn hạn

Ông nhận định thế nào về thị trường trong tháng 6 tới? Nhóm ngành nào sẽ dẫn dắt dòng tiền trong ngắn hạn?

Khả năng thị trường điều chỉnh giảm có thể diễn ra vào giai đoạn nửa cuối tháng 5 và nửa đầu tháng 6 với vùng đáy trung hạn chúng tôi kỳ vọng có thể được xác lập quanh mốc 950 điểm.

Hệ số P/E bình quân của VN-Index được kỳ vọng ở khoảng 16 - 17 lần ở mức điểm này và là mức khá hấp dẫn so với kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận của chúng tôi đối với các công ty niêm yết trên HOSE.

Ở vùng này, chúng tôi đánh giá cao triển vọng tạo đáy và hồi phục trở lại của các cổ phiếu ngành tài chính (ngân hàng, chứng khoán), đặc biệt là của các cổ phiếu đầu ngành. Ngoài ra, nhiều cổ phiếu blue-chips có mức giảm điểm mạnh khác cũng sẽ mở ra các cơ hội tăng giá trở lại.

Ông có gợi ý chiến lược nào cho nhà đầu tư trong giai đoạn hiện nay?

Theo tôi, hoạt động đầu tư lướt sóng trong giai đoạn này đang có rủi ro khá cao với sự biến động mạnh của chỉ số nhưng với nền tảng thanh khoản thấp và VN-Index chưa xuất hiện tín hiệu tạo đáy đủ sức tin cậy.

Tuy nhiên, với các nhà đầu tư trung và dài hạn sở hữu tỷ trọng tiền mặt lớn, việc xây dựng chiến lược giải ngân chủ động bắt đầu có thể được cân nhắc.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu làm rõ việc chứng khoán biến động mạnh
Ông Vương Đình Huệ đề nghị kiểm soát đầy đủ các yếu tố chi phối, trong đó kể cả việc có giao dịch nội gián trên thị trường.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư