Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Thị trường lao động phục hồi mạnh
Hàn Tín - 13/07/2022 07:58
 
Lực lượng lao động, số người có việc làm quý II/2022 tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt là lao động trong cả 3 khu vực kinh tế đều tăng.
Lao động có việc làm tăng, thất nghiệp và thiếu việc làm giảm, nên thu nhập bình quân của người lao động được cải thiện. 

Lao động trong 3 khu vực kinh tế đều tăng

Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, trong 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 51,4 triệu người, tăng 400.000 người so với cùng kỳ. Trong đó, lao động có việc làm là 50,5 triệu người, tăng gần 702.000 người.

“Trong quý II/2022, lao động trong 3 khu vực kinh tế đều tăng lên, đặc biệt ở khu vực dịch vụ. Một số ngành ghi nhận mức tăng cao như công nghiệp chế biến, chế tạo; bán buôn và bán bẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy; dịch vụ lưu trú và ăn uống”, ông Nguyễn Trung Tiến, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê thông tin thêm.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, có hơn 1,1 triệu người thiếu việc làm, giảm 30.200 người; tỷ lệ thiếu việc làm là 2,48%, giảm 0,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Theo ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê), việc thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế, xã hội với các giải pháp cụ thể, như hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động, người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp được triển khai đồng bộ trên cả nước, đã góp phần thúc đẩy thị trường lao động quý II/2022 phục hồi mạnh mẽ.

“Nhờ đó, trong quý II/2022, số người thiếu việc làm chỉ còn khoảng 881.800 người, giảm hơn 447.000 người so với quý trước và giảm trên 263.000 người so với cùng kỳ. Tỷ lệ thiếu việc làm trong quý II chỉ còn 1,96%, giảm 1,05 điểm phần trăm so với quý I và giảm 0,64 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2021. Trong 3 khu vực kinh tế, so với quý trước, lao động thiếu việc làm trong độ tuổi ở khu vực dịch vụ trong quý II/2022 giảm nhiều nhất”, ông Nam cho biết.

Thị trường lao động dịch vụ tăng ấn tượng

Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong quý II/2022, lao động có việc làm trong ngành dịch vụ là 19,8 triệu người, tăng gần 430.000 người so với quý trước. Đây là quý thứ ba liên tiếp kể từ sau mức giảm chạm đáy vào quý III/2021, thị trường lao động Việt Nam ghi nhận mức tăng mạnh mẽ về số người tham gia làm việc trong khu vực dịch vụ. Trong 3 quý gần đây nhất, bình quân mỗi quý, khu vực này đón nhận thêm gần 900.000 lao động, cao hơn nhiều so với mức tăng của  khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản và công nghiệp, xây dựng.

“Chính sách mở cửa hoàn toàn du lịch từ ngày 15/03/2022 là cú hích quan trọng giúp lao động trong khu vực dịch vụ dần lấy lại được trạng thái ban đầu khi chưa xuất hiện đại dịch, tạo cơ sở cho đà tăng trưởng và phát triển. Một số ngành thuộc khu vực dịch vụ tăng cao như bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy”, ông Nam nhận định.

Thu nhập của người lao động tăng ngược xu hướng

Lao động có việc làm tăng, thất nghiệp và thiếu việc làm giảm, nên thu nhập bình quân của người lao động được cải thiện. “Thu nhập bình quân của người lao động quý II/2022 tiếp tục ghi nhận mức tăng so với quý trước. Điều này khác với xu hướng bình thường như quan sát được qua nhiều năm, là dấu hiệu tích cực khẳng định sự tăng trưởng và phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch”, ông Nguyễn Huy Minh, Phó vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động nhấn mạnh.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân tháng của người lao động quý II/2022 đạt 6,6 triệu đồng, tăng 206.000 đồng so với quý I/2022. “Trong năm nay, thu nhập của người lao động trong quý II không chứng kiến sự sụt giảm như mọi năm, mà tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng dương so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Đây là dấu hiệu chứng tỏ nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng tích cực và mạnh mẽ”, ông Minh bình luận.

Rất vui khi đời sống của người lao động đang dần trở lại trạng thái bình thường như trước khi dịch Covid-19 xuất hiện, nhưng ông Phạm Hoài Nam cho rằng, mức tăng trưởng thu nhập không nhiều. Mặc dù lạm phát được đánh giá nằm trong tầm kiểm soát, nhưng giá cả nhiều hàng hóa, dịch vụ thiết yếu tăng mạnh theo giá bán lẻ xăng dầu khiến đời sống một bộ phận không nhỏ người lao động vẫn đang hết sức khó khăn.

Thị trường lao động sớm phục hồi như thời điểm trước dịch
Thị trường lao động đang khởi sắc, nhưng so với cùng kỳ 2021 và so với thời điểm trước khi Covid-19 bùng phát, thì tỷ lệ thất nghiệp, số...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư