Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 15 tháng 09 năm 2024,
Thị trường M&A chờ thương vụ lớn
Nguyên Đức - 14/08/2024 09:43
 
Sau một giai đoạn bùng nổ, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thông qua góp vốn, mua cổ phần đã chậm lại đáng kể. Thị trường đang chờ các thương vụ lớn, để các hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) sôi động trở lại.
Ngày 9/4/2024, CDH Investment thông báo đã hoàn tất mua 5% vốn của Bách hóa xanh. Ảnh: Đức Thanh

Ngập ngừng góp vốn, mua cổ phần

Có một thông tin quan trọng về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài kể từ đầu năm tới nay, đó là trong khi vốn đăng ký mới và vốn tăng thêm tăng mạnh so với cùng kỳ, tương ứng đạt gần 10,8 tỷ USD, tăng 35,6% và đạt gần 5 tỷ USD, tăng 19,4%, thì vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần vẫn trong xu hướng giảm.

Cụ thể, theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 7 tháng đầu năm có 1.795 giao dịch góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị vốn góp đạt gần 2,27 tỷ USD, tương ứng giảm 3,1% và giảm 45,2% so với cùng kỳ năm trước.

Đây không phải là năm đầu tiên và duy nhất các hoạt động đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài sụt giảm. Tính trong vòng 5 năm gần đây, năm 2019 được coi là năm bùng nổ về hình thức đầu tư này.

Khi ấy, báo cáo về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần có xu hướng tăng mạnh và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng vốn đầu tư nước ngoài. Cụ thể, năm 2017, đầu tư theo hình thức này chiếm 17,2% tổng vốn đăng ký; năm 2018 chiếm 27,9% và đến năm 2019 chiếm tới 40,7% tổng vốn đăng ký.

Số liệu thống kê cho thấy, năm 2019, cả nước có 9.842 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị vốn góp 15,47 tỷ USD, tăng 56,4% so với cùng kỳ năm 2018. Nhưng kể từ sau thời kỳ đỉnh cao đó, vốn đầu tư theo hình thức này bắt đầu sụt giảm. Con số của năm 2020 là 7,47 tỷ USD, giảm 51,7%; năm 2021 là 6,9 tỷ USD, giảm 7,7%; năm 2022 là 5,15 tỷ USD, giảm 25,2%. Năm 2023, tuy con số đã nhích lên 8,5 tỷ USD, tăng 65,7% so với năm 2022, song vẫn chỉ bằng hơn phân nửa so với mức “đỉnh” 15,47 tỷ USD của năm 2019.

Những trắc trở trong 3 năm Covid-19, cộng thêm “cú bồi” bất ổn địa chính trị đã khiến dòng đầu tư toàn cầu, bao gồm cả đầu tư theo hình thức M&A sụt giảm. Năm 2023, theo số liệu từ Sàn giao dịch chứng khoán London Stock Exchange Group (LSEG), thị trường M&A toàn cầu chỉ đạt giá trị giao dịch 2.900 tỷ USD, giảm 17% so với năm 2022. Đây là lần đầu tiên kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - 2009, thị trường M&A thế giới chứng kiến mức giảm hơn 10% trong hai năm liên tiếp. Trong đó, riêng thị trường M&A ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương giảm 25%.

Nửa đầu năm 2024, theo chia sẻ của ông Lê Xuân Đồng, Giám EY Parthenon - Tư vấn chiến lược, Công ty cổ phần Tư vấn EY Việt Nam, thị trường M&A tại khu vực Đông Nam Á có xu hướng suy giảm cả về tổng giá trị và số lượng thương vụ. Và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Trong bối cảnh ấy, dễ hiểu vì sao dòng đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần vào Việt Nam cũng sụt giảm.

“Hóng” thương vụ lớn

Từ đầu năm tới nay, tuy chưa có thương vụ nào có quy mô lớn được “chốt deal”, song theo một báo cáo gần đây của Savills Việt Nam, cũng có một số thương vụ M&A đáng chú ý. Chẳng hạn, Tập đoàn Kim Oanh (Việt Nam) hợp tác với NTT Urban Development, Sumitomo Forestry, Kumagai Gumi Co Ltd (Nhật Bản) để phát triển The One World, một khu dân cư rộng 50 ha tại tỉnh Bình Dương. Hay Nishi Nippon Railroad (Nhật Bản) mua lại 25% cổ phần trong Dự án Paragon Đại Phước, rộng 45,5 ha, từ Tập đoàn Nam Long (Việt Nam) với giá khoảng 26 triệu USD.

Đặc biệt, Tripod Technology Corporation (Đài Loan) đã mua lại một lô đất công nghiệp rộng 18 ha tại Bà Rịa - Vũng Tàu từ Sonadezi Châu Đức. Sau khi tiếp nhận khu đất này, Tripod Technology đã đầu tư 250 triệu USD để xây dựng một nhà máy linh kiện điện tử tại đây, giống như nhiều nhà đầu tư Đài Loan khác đang không ngừng đổ vốn vào Việt Nam trong lĩnh vực này.

Thực tế, tuy sụt giảm khá mạnh so với thời kỳ đỉnh cao, song các hoạt động góp vốn, mua cổ phần ở Việt Nam vẫn ghi nhận những dấu ấn tích cực. Năm ngoái, thương vụ Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) của Nhật Bản mua 15% cổ phần của VPBank, với giá trị khoảng 1,5 tỷ USD, có thể là coi là thương vụ điển hình.

Theo nhận định của ông Troy Griffiths, Phó giám đốc điều hành Savills, lĩnh vực bất động sản công nghiệp sẽ chứng kiến nhu cầu ổn định, được hỗ trợ bởi dòng vốn đầu tư nước ngoài và phát triển cơ sở hạ tầng. Theo đó, các thương vụ M&A trong lĩnh vực này dự báo sôi động trở lại.

Nhận định của các chuyên gia kinh tế gần đây cũng cho rằng, với việc các luật liên quan đến thị trường bất động sản, như Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, các hoạt động M&A trong lĩnh vực bất động sản sẽ được “tiếp sức”.

Tuy vậy, thị trường vẫn đang “hóng” các thương vụ lớn và chắc chắn, không chỉ là trong lĩnh vực bất động sản, mà còn các lĩnh vực bán lẻ, sản xuất, tài chính - ngân hàng… như đã từng.

Một số thương vụ M&A đã và đang được thực hiện trong thời gian gần đây, nhưng chủ yếu quy mô nhỏ. Chẳng hạn, CDH Investment - công ty quản lý tài sản có trụ sở tại Bắc Kinh (Trung Quốc) mua 5% vốn của Bách hóa xanh; hay Levanta Renewables (Singapore) mua dự án điện mặt trời áp mái từ các công ty liên quan của Công ty cổ phần Tiến Nga - một trong những nhà cung cấp logistics hàng đầu tại Việt Nam.

Trong khi đó, Sembcorp Solar Vietnam Pte Ltd - công ty con do Sembcorp sở hữu 100%, cũng đã hoàn tất việc mua lại phần lớn vốn góp tại 3 công ty con thuộc hệ thống của Tập đoàn Gelex, đồng thời dự kiến tiếp tục mua 73% cổ phần của công ty con thứ 4 trong hệ thống của Gelex trong nửa cuối năm 2024…

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 7 tháng đầu năm 2024, các nhà đầu tư Nhật Bản vẫn đứng đầu trong các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, với tổng giá trị gần 595 triệu USD. Tiếp đó là Singapore, với 500 triệu USD  và Hàn Quốc, với 323 triệu USD. Trong khi đó, các nhà đầu tư Đài Loan góp vốn, mua cổ phần 160 triệu USD; Cayman Islands 184 triệu USD; Trung Quốc 124 triệu USD…

Đây chính là các nhà đầu tư lâu nay vẫn thực hiện các thương vụ M&A lớn tại Việt Nam. Vì vậy, sẽ phải chờ họ “mạnh tay xuống tiền” trong thời gian tới, để hoạt động đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần khởi sắc.

Thu hút đầu tư nước ngoài tăng cả lượng và chất
Không chỉ vốn đầu tư nước ngoài đăng ký tiếp đà tăng tích cực, mà quan trọng là nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn toàn cầu đã thể hiện mong...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư