Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 24 tháng 01 năm 2025,
Thị trường ngoại hối sẽ ổn định đến hết quý II
 
Kể từ đầu năm, tỷ giá trung tâm liên tục được nâng lên, hiện ở mức 22.980 đồng/USD, tăng 0,28% trong tháng 3 và tăng 0,68% trong quý I/2019, nhưng tỷ giá trên cả thị trường ngân hàng và thị trường tự do đều ổn định, dự báo sẽ tiếp tục ổn định trong quý II.

Tỷ giá dao động trong biên độ hẹp

Ngày 23/4/2019, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.004 VND/USD, tăng 8 đồng/USD so với ngày 22/4. Với biên độ +/- 3%, giá trần là 23.694 VND/USD, giá sàn 22.314 VND/USD. Tỷ giá niêm yết bán và niêm yết mua giao ngay của cơ quan này lần lượt là 23.644 VND/USD và 23.200 VND/USD. Trên thị trường tự do, giá USD ngày 23/4 là 23.255 - 23.275 VND/USD, tăng 5 VND/USD so với ngày 22/4.

Trước đó, trong tuần từ ngày 15/4 - 19/4, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng - giảm nhẹ qua các phiên. Chốt tuần tại ngày 19/4, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 22.998 VND/USD, tăng 2 VND/USD so với 1 tuần trước (12/4). Tỷ giá mua giao ngay được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.200 VND/USD. Tỷ giá bán ra được niêm yết ở mức thấp hơn 50 VND/USD so với trần tỷ giá, phiên 19/4 ở mức 23.638 VND/USD.

Tuy nhiên, tỷ giá liên ngân hàng có xu hướng tăng nhẹ. Cuối ngày 19/4, tỷ giá giao dịch ở mức 23.210 VND/USD, tăng 10 VND/USD so với 1 tuần trước.

Trên thị trường tự do, tỷ giá tiếp tục ít biến động, kết thúc ngày 19/4, giá USD tăng 15 đồng ở chiều mua vào và tăng 10 đồng ở chiều bán ra so với phiên 12/4, giao dịch ở mức 23.210 - 23.220 VND/USD (mua - bán).

Nhìn lại tháng 3/2019, tỷ giá USD/VND dao động trong biên độ hẹp, thay đổi từ 5 - 15 VND/USD và kết thúc tháng ở mức tương đương thời điểm cuối tháng 2. Tỷ giá cuối tháng 3 trên thị trường ngân hàng là 23.150 - 23.250 VND/USD, trên thị trường tự do là 23.195 - 23.205 VND/USD.

Tính chung quý I/2019, tỷ giá giảm ở cả 2 chiều mua vào - bán ra, lần lượt 15 đồng/USD và 5 đồng/USD trên thị trường ngân hàng; giảm 75 đồng/USD và 85 đồng/USD trên thị trường tự do.

Trong quý I/2019, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào một lượng USD cao kỷ lục, ngoài lý do mùa kiều hối và tăng trưởng tốt của lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng như đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) còn do cho thấy tâm lý thị trường ổn định, lượng ngoại tệ đầu cơ, găm giữ giai đoạn trước đó đã được giải phóng. 

Nhiều yếu tố khả quan trong thời gian tới

Triển vọng thị trường ngoại hối trong thời gian tới như thế nào? Trao đổi với phóng viên, giám đốc khối nguồn vốn của một ngân hàng thương mại cổ phần cho rằng, nguồn cung ngoại tệ các tháng tới có thể kém thuận lợi hơn, nhưng tỷ giá USD/VND nhiều khả năng duy trì ổn định nhờ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có dấu hiệu tích cực, hỗ trợ sự ổn định của đồng nhân dân tệ, giảm sức ép với VND.

Trong khi đó, chênh lệch lãi suất VND - USD vẫn ở mức khá cao, từ 1,5 - 1,7%/năm. Đặc biệt, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã được củng cố và đang ở mức tốt nhất từ trước tới nay, gia tăng nguồn lực để Ngân hàng Nhà nước bình ổn thị trường khi có biến động.

“Tôi cho rằng, mặt bằng tỷ giá sẽ duy trì ổn định quanh mức 23.200 VND/USD trong quý II/2019”, vị giám đốc khối nguồn vốn nói.

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian qua, cơ quan này tiếp tục mua ròng ngoại tệ sau khi đã mua vào khoảng 4 tỷ USD giai đoạn trước Tết 2019, nâng quy mô dự trữ ngoại hối quốc gia lên khoảng 63 tỷ USD.

Vị giám đốc khối nguồn vốn trên tính toán, Ngân hàng Nhà nước mua ròng thêm khoảng 2,5 tỷ USD, nâng dự trữ ngoại hối quốc gia lên mức cao mới, nhiều khả năng vượt mốc 65 tỷ USD. Theo đó, quy mô dự trữ ngoại hối của Việt Nam tăng gấp đôi trong 3 năm qua.

Giải ngân vốn FDI trong quý I/2019 đạt mức cao kỷ lục, nguồn vốn FII tăng mạnh, nguồn tiền thu được khoảng 265 triệu USD do Vietcombank phát hành riêng lẻ cổ phiếu mới cho 2 nhà đầu tư nước ngoài hồi đầu năm nay... đã góp phần tăng cung ngoại tệ cho hệ thống ngân hàng. Tình trạng găm giữ ngoại tệ không diễn ra do tỷ giá ổn định.

Theo ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Ngân hàng Nhà nước đặt ra mục tiêu giữ tỷ lệ lạm phát năm 2019 dưới 4%. Tính đến tháng 3, tỷ lệ lạm phát ở mức 2,7%. Diễn biến khả quan của lạm phát giúp giảm áp lực lên Ngân hàng Nhà nước. Khả năng lãi suất tăng trong năm 2019 là không cao do chênh lệch lãi suất giữa VND và USD vẫn cao, nên khách hàng có xu hướng “nước chảy chỗ trũng”, ưu tiên gửi tiền đồng.

“Ngân hàng Nhà nước luôn đặt mọi ưu tiên của chính sách tiền tệ lên hai trọng lực: kiểm soát lạm phát và lãi suất tiền đồng (ổn định giá trị tiền đồng), từ đó điều hành tỷ giá theo sát diễn biến của kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ trong nước và quốc tế. Từ cuối năm 2018, cơ quan này đã chủ động điều hành thanh khoản, đong đếm thanh khoản ở mức cần thiết, buộc các ngân hàng một mặt phải tăng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn dài, mặt khác giảm đầu cơ ngoại tệ”, ông Văn nói.

Một yếu tố quan trọng đó là hiệu ứng lãi suất đi lên, tiền đồng có giá đang được thể hiện. Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định, năm 2019, lãi suất có thể có những yếu tố thuận lợi. Bởi lẽ, áp lực lạm phát nhiều khả năng giảm, nhất là khi giá dầu thế giới không biến động nhiều và USD dự báo suy yếu làm giảm áp lực từ phía tỷ giá.

Sự cộng hưởng của những yếu tố trên sẽ là chất xúc tác để tỷ giá “mềm hóa” một cách hợp lý và chấp nhận được trong năm 2019.

“Với kinh nghiệm và nội lực hiện có, Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có khả năng giữ tỷ giá ổn định bằng công cụ mạnh nhất: bán nguồn USD trong dự trữ ngoại hối để can thiệp thị trường, giúp tiền đồng không bị mất giá mạnh. Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại cổ phần cần tư vấn cho khách hàng những sản phẩm có khả năng phòng vệ rủi ro từ tỷ giá, giúp giảm thiểu tổn thất nếu thị trường bất ngờ có diễn biến xấu”, ông Văn nói.

Tỷ giá không còn áp lực lớn trong năm 2019
Trước động thái Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngừng tăng lãi suất, thị trường tài chính - tiền tệ trong nước sẽ không chịu tác động nào...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư