Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Thị trường nội địa: “Cứu cánh” của du lịch
Hạnh Nguyên - 06/05/2020 15:30
 
Du lịch là ngành đầu tiên bị ảnh hưởng nặng vì dịch bệnh, nhưng cũng là một trong những ngành phục hồi trước tiên. Trong đó, các chuyên gia khẳng định, thị trường nội địa sẽ là “cứu cánh” của ngành kinh tế xanh.
.
Thị trường du lịch nội địa đang phục hồi trở lại.

Xu hướng du lịch thay đổi

Thị trường du lịch nội địa ở Việt Nam đã bắt đầu “hồi sinh” trở lại ngay khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng. Điều này thể hiện rõ nhất qua kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5 vừa qua, nhiều điểm đến đã đón hàng ngàn lượt khách tham quan, trải nghiệm. Ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin Du lịch nhận định, sau khi đỉnh dịch đi qua, thị trường du lịch nội địa từng bước hồi phục trước. Những khách hàng tiềm năng nhất là nhóm khách công vụ và khách thăm họ hàng, bạn bè do nhu cầu kết nối lại công việc và các mối quan hệ mật thiết. Bên cạnh đó, sau giai đoạn cách ly, thị trường du lịch tiếp cận môi trường số sẽ có nhiều yếu tố mới theo hướng năng động, tích cực hơn.

Theo ông Phước Đặng, CEO Outbox Consulting, du khách sẽ có xu hướng lựa chọn các điểm đến có các sản phẩm trọn gói với giá ưu đãi để vừa giải tỏa tâm lý sau dịch, nhưng vẫn bảo đảm việc tiết kiệm chi phí. Do đó các doanh nghiệp cũng cần có giải pháp phục hồi theo mức độ ưu tiên ứng với khả năng khống chế dịch bệnh của mỗi thị trường mục tiêu, từng bước đưa ngành du lịch quay trở lại hoạt động. Trong đó, thị trường nội địa sẽ ưu tiên trước, tiếp đến là thị trường các quốc gia Đông Nam Á sau khi quy định về phòng chống dịch được nới lỏng.

Qua thực tế hoạt động, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Vietravel cho biết, thị trường du lịch nội địa đang phục hồi với những xu hướng thay đổi, đòi hỏi doanh nghiệp này chuyển động mạnh mẽ để thích ứng. Đó là, các tour du lịch ở quãng gần dưới 300 km, theo nhóm nhỏ gồm các thành viên trong gia đình và du lịch cá nhân được yêu thích. “Đây là sự thay đổi lớn, bởi trước khi xảy ra dịch bệnh, hầu hết các công ty du lịch chỉ tập trung vào các tour trọn gói, đông người”, ông Nguyễn Quốc Kỳ nói.

Tương tự, chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc Tiếp thị - Truyền thông Saigontourist cho biết, đơn vị này cũng ghi nhận, sau kỳ nghỉ lễ, thị trường tập trung vào nhóm khách nội địa, chủ yếu chùm tour ngắn ngày, quy mô vừa phải.

Thị trường nội địa có những dấu hiệu lạc quan trong đợt nghỉ lễ 30/4 vừa qua, nhưng ông Nguyễn Quốc Kỳ cho rằng, sau khi kỳ nghỉ lễ, học sinh sẽ lần lượt đi học trở lại, du lịch sẽ nhanh chóng trầm lắng. “Với lịch học và thi của ngành giáo dục, các công ty du lịch tính toán thị trường hè 3 tháng hàng năm sẽ chỉ còn kéo dài 3 tuần trước khi vào năm học mới. Trong khi đó, hiện nay khách du lịch hàng không vẫn chưa nhiều, ngành hàng không cũng như ngành du lịch cần tạo thêm nhiều hoạt động để khách yên tâm đi du lịch bằng máy bay trở lại”, ông Kỳ nói.

4 bên cùng “bắt chặt tay”

Để phục hồi thị trường trong nước và quốc tế, nhất thiết 4 bên: điểm đến, lữ hành, hàng không, cơ sở lưu trú phải bắt tay thật chặt để tạo ra các tour, sản phẩm kích cầu nhằm giúp bức tranh tươi sáng hơn.

Để phục hồi thị trường du lịch, nhất thiết 4 bên: điểm đến, lữ hành, hàng không, cơ sở lưu trú phải bắt tay thật chặt để tạo ra các tour, sản phẩm kích cầu.

Ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, Hiệp hội đang tiếp tục triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa được đơn vị này triển khai giai đoạn I vào cuối tháng 2, đầu tháng 3, nhưng phải tạm dừng vì dịch bệnh căng thẳng trong tháng 3 và tháng 4.

“Ngày 6/5, Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến với tất cả các hiệp hội trên cả nước để cùng phối hợp với các địa phương triển khai chương trình kích cầu du lịch toàn quốc, cũng như kế hoạch phối hợp giữa các loại hình du lịch và các địa phương trong thời gian kích cầu du lịch. Ngoài ra, Hiệp hội cũng đã thỏa thuận với các hãng hàng không đến trung tuần tháng 5 đẩy mạnh các chương trình kích cầu du lịch bằng việc giảm giá vé máy bay”, ông Bình thông tin.

Đối với thị trường quốc tế, ông Phước Đặng cho rằng, các doanh nghiệp du lịch Việt Nam cần chọn Đông Nam Á, Trung Quốc, Hàn Quốc để bắt đầu phục hồi thị trường trong những tháng cuối năm 2020. Bởi, các quốc gia trong khu vực này đang phần nào làm chủ được tình hình, mức độ dịch bệnh không quá nghiêm trọng nên có thể kiểm soát dịch bệnh tốt trong mùa hè và bắt đầu phục hồi từ quý III/2020, khi các đường bay được nối lại một phần. Mặt khác, dự báo xu hướng du khách giai đoạn sau dịch sẽ ưu tiên các điểm đến gần và giá rẻ, nên những khu vực này là thị trường tiềm năng, Việt Nam cần ưu tiên thu hút.

Nhận định thị trường du lịch sẽ chỉ nhích dần lên chứ chưa thể có sự đột phá, ông Phước Đặng cho rằng, trước mắt chúng ta cần thực hiện ngay các giải pháp mang tính thực thi cao, không đòi hỏi đầu tư lớn. Đó là nhóm giải pháp cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp địa phương, nhóm giải pháp thị trường và truyền thông, nhóm giải pháp phát triển sản phẩm. Bên cạnh các gói hỗ trợ của Chính phủ, mỗi điểm đến có thể lựa chọn ban hành các cơ chế chính sách hay gói hỗ trợ kỹ thuật toàn diện như hỗ trợ về tài chính, hỗ trợ đào tạo nhân sự và hỗ trợ công tác truyền thông, quảng bá điểm đến…

Du lịch nghỉ lễ tại Miền Trung: Nơi vắng vẻ, chốn đông vui
Đã gần hết những ngày nghỉ lễ dịp 30/4 và 1/5/2020, nhiều điểm du lịch trong đất liền nổi tiếng của miền Trung vốn đông đúc du khách vẫn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư