Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Thị trường nội địa - điểm tựa ngày càng yếu
Nguyên Đức - 04/08/2013 19:15
 
Sức cầu của nền kinh tế - được đo thông qua tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng - tăng rất thấp (chỉ 4,86% trong 7 tháng đầu năm) là điều đáng lo ngại. Với con số này, thị trường nội địa - được coi là điểm tựa của nền kinh tế, của hệ thống doanh nghiệp, đang yếu dần, chắc chắn sẽ tác động tiêu cực tới động lực tăng trưởng. >>> Đã đến lúc kích cầu đầu tư và tiêu dùng >>> Giá điện tăng sẽ đánh tụt sức mua

Không chỉ ở mức thấp, mà hơn thế, cầu tiêu dùng đã suy giảm nhanh, từ chỗ hàng năm tăng trưởng trên 23-24%, đến năm 2012 còn 18% và 7 tháng đầu năm chỉ còn tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Nếu trừ yếu tố giá cả, mức tăng chỉ còn 4,86%, thấp hơn đáng kể so với con số 6,74% cùng kỳ năm trước.

Thị trường nội địa - được coi là điểm tựa của nền kinh tế và hệ thống
doanh nghiệp, cũng đang yếu dần

Sức mua của nền kinh tế chính là động lực quan trọng thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, đầu tư.

Các doanh nghiệp ngoại khi ngắm đến thị trường Việt Nam cũng nhìn vào sức mua của người dân để đưa ra các quyết định đầu tư.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sau thời gian mải mê tìm kiếm thị trường nước ngoài cũng đã tìm cách quay trở về với thị trường trong nước.

Nhưng sau 3-4 năm, cầu nội địa lại ở mức rất thấp và điều này đang là lực cản đối với hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh, với tăng trưởng kinh tế.

Trong một báo cáo vừa được công bố, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cũng thừa nhận điều này, thậm chí còn khẳng định, nền kinh tế sẽ khó có thể hồi phục ổn định khi cầu trong nước bất ổn.

Xét về tổng cầu, khi tiêu dùng nội địa suy giảm, thì xuất khẩu đang là động lực quan trọng cho tăng trưởng. Cầu trong nước yếu nên sản xuất của nền kinh tế, vì thế tiếp tục chịu sự chi phối lớn từ cầu tiêu dùng bên ngoài. Bằng chứng là khi lượng đơn đặt hàng xuất khẩu tháng 6 giảm, thì Chỉ số Quản trị mua hàng (PMI) tại Việt Nam do Ngân hàng HSBC đưa ra, đã có tháng thứ hai liên tiếp giảm dưới ngưỡng 50 điểm và thấp hơn tháng 5/2013 - tháng mà lượng đơn hàng xuất khẩu vẫn đạt trên 50 điểm. Nghĩa là, PMI có tăng so với tháng trước, nhưng không đủ bù đắp cho sự sụt giảm của các đơn hàng nội địa, vốn luôn ở mức thấp kể từ đầu năm.

Xuất khẩu hiện vẫn tăng trưởng khá, với tổng kim ngạch xuất khẩu trong 7 tháng ước đạt 72,74 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ. Nhưng ngay cả khi xuất siêu quay trở lại trong hai tháng 6 và 7, vẫn không có gì đảm bảo chắc chắn rằng, xuất khẩu sẽ tăng trưởng tốt trong những tháng tới. Và tình hình diễn biến như khảo sát của HSBC: đơn đặt hàng xuất khẩu đã giảm.

Khi thị trường xuất khẩu (với vai trò là động lực) và tiêu dùng nội địa (đóng vai trò là điểm tựa) chưa phục hồi ổn định và mạnh mẽ, thì nền kinh tế cũng không thể tăng trưởng khá hơn. Mà nếu chỉ tăng trưởng 5-6% như hiện tại, thì kinh tế Việt Nam sẽ mãi ở mức “làng nhàng” trong khu vực.

Một chính sách kích cầu tiêu dùng và đầu tư trong bối cảnh hiện nay có lẽ là điều cần tính tới để đưa thị trường nội địa thực sự là điểm tựa vững chắc cho nền kinh tế.

Giá điện tăng sẽ đánh tụt sức mua
Trong khi DN đang tìm mọi cách tiết giảm, cắt giảm chi phí… như một bước lùi, bảo toàn để tồn tại thì hết giá xăng, đến giá điện tăng dồn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư