Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 17 tháng 05 năm 2024,
Thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á tăng trưởng bất chấp những cơn gió ngược
Nhung Bùi - 17/06/2023 09:01
 
Trong đó, Shopee được dự đoán tiếp tục là tay chơi dẫn đầu, bỏ xa các đối thủ khác trên thị trường.

Báo cáo mới nhất từ Momentum Works cho thấy lĩnh vực thương mại điện tử của Đông Nam Á đã phải hứng chịu những cơn gió ngược mạnh mẽ trong năm 2022 do việc mở cửa trở lại sau đại dịch, vấn đề lạm phát và lãi suất tăng.

Dù vậy, tổng giá trị giao dịch hàng hóa (GMV) của 9 nền tảng thương mại điện tử hàng đầu Đông Nam Á vẫn đạt 99,5 tỷ USD trong năm 2022, gấp 1,8 lần so với năm 2020, năm đầu tiên xảy ra đại dịch Covid-19.

Trong các tay chơi trên thị trường, Shopee của Sea Group vẫn dẫn đầu khu vực với GMV là 47,9 tỷ USD, vượt xa những tên tuổi khác như Lazada, Tokopedia và TikTok Shop.

Shopee cũng ghi nhận nhiều kết quả kinh doanh tích cực khi đạt được lợi nhuận trong quý IV/2022 và tiếp tục có lãi trong quý I/2023. Để đạt kết quả này, trước đó, Shopee đã thực hiện một số biện pháp như cắt giảm lực lượng lao động và rút lui khỏi các thị trường hoạt động kém hiệu quả.

Tổng giá trị giao dịch hàng hóa (GMV) của 9 nền tảng thương mại điện tử hàng đầu Đông Nam Á. Ảnh: Tech In Asia,

Với GMV năm 2022 đạt 20,1 tỷ USD – không mấy thay đổi so với mức của năm 2021, Lazada duy trì vị trí là sàn thương mại điện tử lớn thứ hai ở tất cả các quốc gia trong khu vực, ngoại trừ Indonesia - nơi nền tảng nội địa Tokopedia theo sát Shopee, với thị phần lần lượt là 35% và 36%.

Tuy nhiên, Lazada có thể đang đẩy mạnh vị thế sau khi nhận được khoản đầu tư 353 triệu USD từ Alibaba vào tháng 4/2023. Khoản vốn được đưa ra sau khi công ty mẹ của Lazada là Alibaba công bố kế hoạch chia hoạt động của mình thành 6 đơn vị kinh doanh. Các nhà phân tích cho biết động thái này sẽ mở ra những con đường tăng trưởng mới cho Lazada, bao gồm cả phương án huy động vốn từ bên ngoài thông qua IPO.

Trong khi đó, ứng dụng mới nổi TikTok Shop đang bắt đầu lọt vào top 5 ở tất cả các quốc gia mà nền tảng này hiện diện, bao gồm Indonesia, Việt Nam, Malaysia, Thái Lan, Singapore và Philippines.

Nền tảng thương mại xã hội TikTok Shop được cho là đang nhắm mục tiêu sẽ đạt doanh thu 20 tỷ USD trong năm nay. Vào năm ngoái, TikTok Shop có GMV đạt 4,4 tỷ USD ở Đông Nam Á, đánh dấu mức tăng trưởng đáng kể 363% so với một năm trước đó.

Jianggan Li, người sáng lập và CEO của Momentum Works, nhận định: “Thương mại điện tử ở Đông Nam Á có thể sẽ đi theo một quỹ đạo bình thường và “khoẻ mạnh” trong vài năm tới”. Chúng tôi cho rằng Shopee và Lazada sẽ luôn ở đó, chia thị phần với một hoặc hai đối thủ toàn cầu khác. Những người chơi vốn đang tập trung vào một quốc gia, sẽ phải đổi sang lối chơi đa kênh nhiều hơn để sinh tồn”.

Momentum Works cũng đưa ra 3 kịch bản cho thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á trong năm 2028. Trong trường hợp tốt nhất, khi Temu (nền tảng thương mại điện tử thuộc PDD Holdings, tập đoàn Trung Quốc sở hữu Pinduoduo) tiến vào khu vực, GMV của khu vực Đông Nam Á có thể đạt tới mốc 232 tỷ USD vào năm 2028.

Ở kịch bản trung bình, Temu không đặt chân tới thị trường Đông Nam Á, GMV của toàn thị trường được dự báo ở mức 175 tỷ USD. Với kịch bản tệ nhất, không chỉ Temu “ngó lơ” Đông Nam Á mà cả Alibaba và TikTok đều chuyển trọng tâm khỏi khu vực, quy mô thương mại điện tử Đông Nam Á sẽ chỉ ở mức 121 tỷ USD vào năm 2028.

Việt Nam xuất hiện sàn thương mại điện tử dành riêng cho giải pháp số và an ninh mạng
Ngày 30/5, Noventiq, nhà cung cấp dịch vụ và giải pháp hàng đầu thế giới về chuyển đổi số và an ninh mạng, chính thức ra mắt nền tảng thương...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư