Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 21 tháng 12 năm 2024,
Thiết bị Y tế Việt Nhật “quay xe” huỷ kế hoạch phát hành riêng lẻ khi cổ phiếu lao dốc
Duy Bắc - 08/07/2022 14:10
 
Công ty cổ phần Thiết bị Y tế Việt Nhật (mã JVC – sàn HoSE) thông qua việc dừng phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài.

Thiết bị Y tế Việt Nhật sẽ dừng triển khai việc chào bán riêng lẻ cổ phiếu được thông qua ngày 10/12/2021 tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2021 với lý do thay đổi kế hoạch và nhu cầu sử dụng vốn của Công ty tại thời điểm hiện nay, nên HĐQT nhận thấy việc thực hiện phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ chưa cần thiết.

Được biết, tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2021, Công ty dự kiến phát hành 20 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 10.000 đồng/cổ phiếu để huy động 200 tỷ đồng. Trong đó, Công ty dự kiến dùng 100 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động, 50 tỷ đồng trả nợ vay ngân hàng và 50 tỷ đồng góp vốn vào CTCP Đầu tư Công nghệ Y tế Việt Nhật.

Hai cổ đông lớn thoái 22,94% vốn ngay đỉnh

Thời điểm tổ chức ĐHĐCĐ năm 2021, giá cổ phiếu JVC giao dịch dưới mệnh giá, Công ty đang có lỗ luỹ kế, nếu phát hành thành công sẽ tránh rủi ro huỷ niêm yết và nhà đầu tư nhìn thấy chênh lệch giữa giá thị trường và giá dự kiến phát hành thêm.

Hai cổ đông lớn bán cổ phiếu JVC ngay đỉnh (Nguồn: FireAnt).
Hai cổ đông lớn bán cổ phiếu JVC ngay đỉnh (Nguồn: FireAnt).

Nhờ câu chuyện kỳ vọng “game” tăng vốn, giá cổ phiếu JVC đã tăng từ 16/7/2021 đến 10/1/2022, tương ứng tăng 258% từ 3.520 đồng lên 12.600 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, từ 10/1/2022 đến 7/7/2022, cổ phiếu JVC đã “bốc hơi” 64,3% giá trị về 4.500 đồng/cổ phiếu.

Tận dụng sự bùng nổ của thị trường chứng khoán, hai cổ đông lớn bán đúng đỉnh là ông Nguyễn Huy Tuấn đã bán toàn bộ 20 triệu cổ phiếu, tương ứng 17,78% vốn điều lệ trong thời gian từ 11/1 đến 14/1/2022 (cổ phiếu JVC đạt đỉnh ngày 10/1/2022); và cổ đông Nguyễn Việt Cường cũng đã bán ra toàn bộ 5,8 triệu cổ phiếu, tương ứng 5,16% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện ngày 29/12/2021.

Thiết bị Y tế Việt Nhật lỗ thêm sau kiểm toán năm 2021 

Sau kiểm toán năm 2021, Thiết bị Y tế Việt Nhật ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm thêm 24,36 tỷ đồng về lỗ 29,97 tỷ đồng. Trong đó, biến động chủ yếu do giá vốn hàng bán tăng thêm 12,3 tỷ đồng lên 350,7 tỷ đồng; lợi nhuận khác giảm 10,65 tỷ đồng về lỗ 3,7 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 1,6 tỷ đồng lên 28,9 tỷ đồng…

Biến động BCTC năm 2021 trước và sau kiểm toán (Nguồn: BCTC).
Biến động BCTC năm 2021 trước và sau kiểm toán (Nguồn: BCTC).

Theo giải trình của Thiết bị Y tế Việt Nhật, lợi nhuận gộp sau kiểm toán giảm 22,81% (tương ứng 12 tỷ đồng), phần lớn do giá vốn hàng bán đã tăng 12 tỷ đồng (3,64%). Trên BCTC tự lập, Công ty đã hoàn nhập dự phòng giảm giá hàng tồn kho 10,5 tỷ đồng, nhưng kiểm toán đề nghị không hoàn nhập chi phí.

Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 5,88%, tương đương 1,6 tỷ đồng, do kiểm toán ghi nhận bổ sung chi phí trích lập dự phòng khoản phải thu khác, dự phòng trả trước cho người bán tăng tỷ lệ trích lập theo tuổi nợ.

Lợi nhuận khác giảm 153,28%, tương ứng giảm 10,7 tỷ đồng do chi phí khác tăng 785,53%, tương ứng 10,3 tỷ đồng. Nguyên nhân do Công ty mẹ ghi nhận bổ sung chi phí tổn thất từ hợp đồng hợp tác kinh doanh với CTCP Khám chữa bệnh Tâm An để đầu tư xây dựng và vận hành phòng khám đa khoa quốc tế tại Hà Nội. Dự án này đầu tư chưa được 1 năm nhưng do vướng mắc giữa ban quản lý dự án và cư dân nên để hạn chế tổn thất, các bên thống nhất ngưng triển khai và ghi nhận chi phí tổn thất theo tỷ lệ tương ứng.

Đơn vị kiểm toán cũng đưa ý kiến nhấn mạnh vấn đề việc Thiết bị Y tế Việt Nhật và Công ty con tại thời điểm 31/03/2022 đã thực hiện xử lý tài chính các khoản nợ phải thu tồn đọng gồm hơn 59,2 tỷ đồng nợ phải thu khách hàng, 14,94 tỷ đồng trả trước cho người bán, các khoản công nợ tạm ứng 16,67 tỷ đồng, và chuyển theo dõi khoản mục này ra ngoài bảng cân đối kế toán theo nghị quyết HĐQT. Việc theo dõi các khoản nợ ngoài bảng này không làm giảm trách nhiệm thu hồi công nợ của Thiết bị Y tế Việt Nhật.

Đối với vấn đề nêu trên, Thiết bị Y tế Việt Nhật cho biết việc đưa các khoản nợ ra ngoài bảng theo dõi đã được HĐQT thông qua vào ngày 06/05/2022, và đã được trích lập dự phòng 100% trong năm tài chính 2021. Thiết bị Y tế Việt Nhật xác định việc này không làm ảnh hưởng đến khả năng thu hồi công nợ.

Luỹ kế trong năm 2021 (niên độ tài chính 1/4/2021-31/3/2022), Thiết bị Y tế Việt Nhật ghi nhận doanh thu giảm 4,9% so với cùng kỳ về 391,23 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 29,97 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 76,69 tỷ đồng.

Với việc ghi nhận lỗ trong niên độ kế hoạch năm 2021, Công ty đã có 2 năm lỗ liên tiếp với tổng lỗ luỹ kế 1.121,75 tỷ đồng, bằng 99,7% vốn điều lệ.

Tính tới 31/3/2022, tổng tài sản của Thiết bị Y tế Việt Nhật giảm 4,3% so với đầu năm về 600,5 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu 160,4 tỷ đồng tài sản cố định, chiếm 26,7% tổng tài sản; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 132,6 tỷ đồng, chiếm 22,1% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 115,1 tỷ đồng, chiếm 19,2% tổng tài sản; tồn kho đạt 70,8 tỷ đồng, chiếm 11,8% tổng tài sản; đầu tư tài chính dài hạn đạt 62 tỷ đồng, chiếm 10,3% tổng tài sản và các tài sản khác.

Điểm đáng lưu ý, tính tới ngày 31/3/2022, mặc dù các khoản thu ngắn hạn ghi nhận 115,1 tỷ đồng nhưng Công ty đang ghi nhận nợ xấu lên tới 1.217 tỷ đồng. Trong đó, thời gian quá hạn của các khoản nợ đều trên 3 năm.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 7/7, cổ phiếu JVC giảm 110 đồng về 4.500 đồng/cổ phiếu.

Thiết bị Y tế Việt Nhật lên tiếng về cáo buộc sai phạm
Liên quan đến thông tin Công ty Triết Tôn Tiên có đơn đơn tố giác sai phạm của một số cá nhân tại Công ty Cổ phần Thiết bị Y tế Việt Nhật (mã...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư