Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Thiết kế gói chính sách “may đo” dành cho nhà đầu tư nước ngoài
Nguyên Đức - 07/09/2020 07:53
 
Để hút được dòng vốn đầu tư nước ngoài đang dịch chuyển, cần thiết xây dựng các gói chính sách riêng theo dạng “may đo”, chứ không phải là “may sẵn”.
Các nỗ lực đáp ứng “những điều nhà đầu tư cần” đang được triển khai tích cực. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất của UMC tại Hà Nam.
Các nỗ lực đáp ứng “những điều nhà đầu tư cần” đang được triển khai tích cực. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất của UMC tại Hà Nam.

Nhận diện các rào cản

Mối quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài đến thị trường Việt Nam là có thật. Điều này có thể được chứng minh bằng thông tin mà ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) mới chia sẻ. Đó là có nhiều tập đoàn lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ đang bày tỏ mong muốn đầu tư các dự án quy mô lớn, lên tới cả tỷ USD ở Việt Nam.

“Họ đã liên tục có các cuộc làm việc trực tuyến với các cơ quan chức năng Việt Nam trong thời gian qua. Vì họ còn đang muốn giữ bí mật các kế hoạch này, nên thông tin chưa được công bố, chứ không phải là không có nhiều nhà đầu tư lớn muốn đầu tư vào Việt Nam như một số người vẫn nghĩ”, ông Hoàng nói.

Câu chuyện nằm ở chỗ, dù mối quan tâm là không ít, Việt Nam có nhiều lợi thế, nhưng hiện còn khá nhiều rào cản đang cản bước chân của các nhà đầu tư. Một trong những rào rản đó, theo ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, đó là những chi phí dưới “gầm bàn”. Đây là một trong những lý do khiến đầu tư từ Mỹ, EU - những thị trường có thể mang đến cho Việt Nam dòng vốn đầu tư chất lượng cao - vẫn còn ít trong thời gian qua.

“Tôi nghĩ điểm nội trội lớn nhất của Việt Nam hiện nay chính là tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA). Để thu hút dòng vốn đầu tư có chất lượng, phải trả lời được câu hỏi các nhà đầu tư muốn gì. Chính sách phải minh bạch, thực thi thống nhất, không có chi phí dưới gầm bàn”, ông Cung nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhắc đến các rào cản về thiếu lao động chất lượng cao, doanh nghiệp nội địa còn yếu, chưa liên kết được với doanh nghiệp nước ngoài, phụ thuộc nhiều vào nguyên phụ liệu nhập khẩu, công nghiệp hỗ trợ còn thiếu và yếu…

Một thông tin đáng chú ý khác vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố trong “Báo cáo năng lực cạnh tranh đầu tư toàn cầu 2019/2020: Xây dựng lại niềm tin của nhà đầu tư trong thời điểm không chắc chắn”. Đó là sau khi thực hiện cuộc khảo sát với 2.400 giám đốc kinh doanh làm việc cho các tập đoàn đa quốc gia tại 10 quốc gia có thu nhập trung bình, trong đó có Việt Nam, thì dù có tới 91% cho biết sẽ ở lại Việt Nam trong vòng 3 năm tới, song họ cũng lo ngại 3 rào cản lớn trong quá trình hoạt động đầu tư, kinh doanh tại thị trường Việt Nam. Các rào cản này gồm quy trình phê duyệt đầu tư, yêu cầu nội địa hóa và các quy định với người lao động nước ngoài.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cho biết, họ đang phải nhập khẩu nguyên liệu đầu vào sản xuất và dịch vụ nhiều hơn so với ở các quốc gia khác, từ Mexico, Malaysia đến Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan. 

“May đo” chính sách để thu hút FDI

Tiếp tục cải cách, gỡ bỏ các rào cản là điều quan trọng cần làm để Việt Nam có thể đón đầu được dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển. Xu hướng này đã khởi phát từ nhiều năm, song đang được đẩy nhanh hơn nhờ “chất xúc tác” Covid-19, cũng như chiến tranh thương mại.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Cung, để thu hút được dòng đầu tư có chất lượng, điều quan trọng nhất là phải xác định được mình muốn gì và thiết kế các gói chính sách theo dạng “may đo” cho từng đối tượng nhà đầu tư, chứ không phải là “may sẵn” cho tất cả các nhà đầu tư.

Trên thực tế, vào thời điểm này, việc trải thảm đỏ thu hút đầu tư bằng nhân công giá rẻ, ưu đãi thuế đã ít nhiều không còn hữu dụng. Muốn kéo được “đại bàng” về làm tổ, không thể chỉ bằng các chính sách chung chung, mà phải có chiến lược riêng cho từng đối tác.

Chia sẻ về điều này, ông Đỗ Nhất Hoàng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các bộ, ngành, để vừa nghiên cứu chính sách mà các “đối thủ” như Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ… đang làm, vừa thiết kế các gói chính sách riêng cho từng đối tượng nhà đầu tư, chứ không phải là “hàng chợ”, áp dụng cho tất cả.

“Vừa qua, Quốc hội đã thông qua 3 dự luật về đầu tư, kinh doanh là Luật PPP, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sửa đổi, theo hướng vừa đơn giản hóa thủ tục, tăng cường phân cấp, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư kể cả từ khâu chuẩn bị, cấp chứng nhận đầu tư đến gia nhập thị trường. Ngoài ra, còn có các chính sách ưu đãi đặc biệt, vượt các khung khổ hiện tại cho các dự án đầu tư lớn, chất lượng cao”, ông Hoàng nói.

Theo thông tin từ ông Hoàng, thì việc Việt Nam - trong bối cảnh đại dịch Covid-19, vẫn tạo điều kiện cho gần 7.000 chuyên gia nước ngoài vào làm việc và sắp tới có thể tính đến phương án không thực hiện cách ly y tế với các lãnh đạo tập đoàn lớn đến Việt Nam làm việc bằng chuyên cơ, cũng đã tạo được niềm tin với nhà đầu tư và sức hấp dẫn riêng cho Việt Nam.

Hiện nay, các nỗ lực đáp ứng “những điều nhà đầu tư cần” cũng được tích cực triển khai. Nhà đầu tư cần đất đai, năng lượng, nhân lực chất lượng cao…, thì các bộ, ngành đều sẵn sàng “vào cuộc”. “Để giải quyết về nhân lực chất lượng cao, các cơ quan chức năng Việt Nam cần làm việc cụ thể với nhà đầu tư, xem họ cần bao nhiêu, nguồn nhân lực như thế nào, để hỗ trợ họ đào tạo. Gói chính sách ‘may đo’ của mình cần thiết kế từng vấn đề cụ thể như vậy”, ông Nguyễn Đình Cung nói.

Thu hút đầu tư có chọn lọc

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh việc cần phải có những giải pháp mạnh mẽ hơn, xúc tiến tốt hơn để đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tốt hơn. Thủ tướng đã một lần nữa yêu cầu các bộ có liên quan, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tận dụng cơ hội dịch chuyển chuỗi cung ứng và vốn đầu tư để thu hút đầu tư có chọn lọc.

“Các địa phương có thể điều chỉnh linh hoạt về khu công nghiệp, cần ưu tiên mở rộng hoặc xây mới, thu lại những khu công nghiệp không thể làm được, công bố khu công nghiệp sẵn sàng về quỹ đất sạch, cơ sở hạ tầng”, Thủ tướng nói.
Phía sau giấc mơ iPhone “Made in Vietnam”
Foxconn, Pegatron và Winstron - 3 nhà sản xuất, lắp ráp iPhone lớn nhất tại Trung Quốc đều đang hiện diện tại Việt Nam với những tổ hợp sản xuất...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư